Trong công tác xét xử, những sai lầm dù nhỏ nhất cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Đặc biệt, đối với những vụ án tranh chấp phân chia di sản thừa kế có tính chất phức tạp, số lượng đương sự đông, thậm chí có yếu tố nước ngoài, nguy cơ sai sót trong quá trình tố tụng càng cao.
Vậy các vi phạm tố tụng thường gặp trong vụ án tranh chấp thừa kế là gì?
Thứ nhất, vi phạm về thẩm quyền giải quyết
Một trong những vi phạm phổ biến là việc Tòa án thụ lý vụ án không đúng thẩm quyền. Theo Khoản 5 Điều 26 và điểm a Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015, tranh chấp thừa kế thường thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có di sản thừa kế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tòa án lại xác định sai thẩm quyền, dẫn đến việc xét xử không hợp pháp.
(Ảnh minh họa. Internet)
– Xác định sai thẩm quyền theo lãnh thổ: Tranh chấp liên quan đến bất động sản phải được giải quyết tại tòa án nơi có bất động sản đó (Điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015). Việc tòa án xét xử không đúng thẩm quyền có thể dẫn đến bản án bị hủy.
– Thụ lý giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài: Theo quy định, tranh chấp thừa kế có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của tòa án cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số tòa án cấp huyện vẫn thụ lý sai thẩm quyền, gây ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.
– Thụ lý yêu cầu tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Theo Điều 35 Luật Tố tụng Hành chính 2015, thẩm quyền tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số tòa án cấp huyện vẫn thụ lý và giải quyết sai thẩm quyền.
Để làm rõ vấn đề này, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 đã hướng dẫn:
“Trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.”
Những vi phạm trên có thể dẫn đến việc bản án bị hủy, gây lãng phí thời gian và công sức của các đương sự. Ngoài ra, các thẩm phán, chánh án của Toà có vụ việc sai phạm cũng sẽ phải chịu kỷ luật, gây mất niềm tin đối với người dân.
Thứ hai, xác định thiếu tư cách người tham gia tố tụng
Trong tranh chấp thừa kế, nhiều vụ án xảy ra tình trạng xác định thiếu hoặc sai tư cách người tham gia tố tụng. Ví dụ, có người thừa kế hợp pháp nhưng không được đưa vào vụ án, hoặc những cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không được triệu tập đầy đủ. Điều này dẫn đến việc xét xử thiếu khách quan.
Điều 68 và Điều 73 BLTTDS 2015 quy định rõ về tư cách của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên do chuyên môn nghiệp vụ hoặc yếu tố chủ quan mà một số Thẩm phán trong các vụ án dân sự không xác định đầy đủ tư cách đương sự trong thực tế dẫn đến quyền lợi của họ không được bảo vệ.
(Ảnh minh họa. Internet)
Những vi phạm này phản ánh hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử và có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng.
Thứ ba, vi phạm trong thu thập, đánh giá chứng cứ.
Chứng cứ trong vụ án dân sự được xem là hợp pháp khi đáp ứng được các quy định tại Điều 93, 94, 95 BLTTDS 2015. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp chứng cứ chưa thực sự rõ ràng hoặc có rất nhiều nghi vấn trong tính xác thực nhưng vẫn được tòa án đưa vào giải quyết vụ án.
(Ảnh minh họa. Internet)
Trong thực tế văn phòng luật sư Đồng Đội đang giải quyết trường hợp phân chia di sản thừa kế: theo đó vào năm 2023 bà T hơn 90 tuổi là bị đơn có đơn phản tố gửi đến tòa án có thẩm quyền, tuy nhiên điểm bất hợp lý là toàn bộ văn bản đã được soạn sẵn và chỉ có dấu điểm tay của bà T đồng thời không có người làm chứng, trong khi đó bà đã cao tuổi không tự chủ được nhận thức và hành vi.
Điều này đặt ra một dấu hỏi lớn về tính minh bạch, hợp pháp của đơn phản tố, khi bà T đã là người cao tuổi, sức khỏe tinh thần không còn minh mẫn, đồng thời tại thời điểm bà T làm đơn không có ai chứng kiến và việc nộp đơn hoàn toàn không thông qua người đại diện hợp pháp. Dù vậy, Toà án vẫn chấp nhận đơn yêu cầu phản tố, thậm chí ghi nhận những gì ghi trong đơn như 1 dạng lời khai của bà T dù không xác thực lá đơn lập lên có đúng ý chí của bà hay không là một bất cập lớn.
Thứ tư, không xác minh nguồn gốc, hiện trạng và giá trị di sản
Theo Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục xem xét, thẩm định tại chỗ thực hiện như sau:“Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán tiến hành việc xem xét, thẩm định tại chỗ với sự có mặt của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.
Theo đó, việc thẩm định lại hiện trạng, giá trị của di sản như (đất đai, động sản,…) trong thực tế là vô cùng quan trọng. Trên thực tiễn, hiện trạng thửa đất có thể thay đổi theo thời gian. Một số trường hợp diện tích thực tế của thửa đất khác so với giấy tờ, dẫn đến tranh chấp về quyền sử dụng hoặc giá trị tài sản.
Nếu tòa án không tiến hành thẩm định thực tế mà chỉ dựa vào hồ sơ cũ, có thể dẫn đến sai sót trong việc phân chia di sản. Những vi phạm trên không chỉ gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án mà còn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan, khiến tranh chấp kéo dài và phức tạp hơn.
Thứ năm, vi phạm trong việc xác định và thu nộp án phí
Một số sai sót phổ biến trong tranh chấp thừa kế liên quan đến án phí bao gồm: xác định sai nghĩa vụ chịu án phí, tính toán không đúng mức án phí do định giá di sản không chính xác, và không xem xét các trường hợp được miễn, giảm theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Ngoài ra, việc thu và nộp án phí không đúng quy trình có thể làm chậm tiến độ xét xử hoặc gây khó khăn khi thi hành án. Những vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi đương sự mà còn làm giảm tính minh bạch của quá trình xét xử.
Kết luận
Có thể thấy rằng các vi phạm tố tụng trong các vụ án tranh chấp thừa kế không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Việc hạn chế và khắc phục những vi phạm này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng xét xử mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế.
Nguyễn Diệu Linh – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi