Theo quy định tại khoản 1 Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, những người có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự có quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không ít người hiện nay đều có suy nghĩ những nội dung đã được ghi rõ trong nội dung đơn kháng cáo thì khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo chỉ được đề cập những nội dung này. Hoặc có quan điểm cho rằng ở bất kì giai đoạn nào của phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo đều có quyền thay đổi yêu cầu là không chính xác. Vậy người kháng cáo có quyền thay đổi kháng cáo trong vụ án hình sự hay không và việc thay đổi khi nào được chấp nhận?
Theo quy định tố tụng hình sự hiện hành, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự.
Khoản 2 Điều 342 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:
“2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.”
Do đó, trường hợp đã nộp đơn kháng cáo bản án hình sự cho Tòa án sơ thẩm, Tòa án sơ thẩm đã chuyển hồ sơ cho Tòa án phúc thẩm, Tòa phúc thẩm đã thụ lý và chưa mở phiên tòa xét xử mà người kháng cáo có nhu cầu thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo thì lập thành văn bản gửi về cho Tòa phúc thẩm đang thụ lý vụ án.
Trường hợp thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo ngay tại phiên tòa phúc thẩm thì phải được ghi vào biên bản phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế không phải tất cả các trường hợp thay đổi nội dung kháng cáo đều được chấp nhận mà hội đồng xét xử phúc thẩm phải xem xét, cân nhắc nội dung thay đổi để đưa ra quyết định cuối cùng.
Bên cạnh đó, có không ít trường hợp người có quyền kháng cáo bị hạn chế quyền hoặc kháng cáo những nội dung không đúng mục đích của họ vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Có thể kể đến vụ việc, L. – Nguyên phó hiệu trưởng một trường THCS nội trú tại tỉnh H bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị kết án 12 năm tù. Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm bị cáo và người bào chữa cho bị cáo đã trình bày các quan điểm làm rõ dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với bị hại và xác định số tiền vay và trả của bị cáo, bị hại chưa thống nhất; việc chia các khoản vay và trả thành 2 giai đoạn để giải quyết là không đúng, tuy nhiên HĐXX sơ thẩm không chấp nhận.
Vì vậy, sau khi kết thúc phiên tòa bị cáo đã thực hiện quyền kháng cáo của mình, tuy nhiên, vì một vài lý do khách quan mà bị cáo chỉ được kháng cáo giảm nhẹ mà không thực hiện kháng cáo hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo, trình bày rõ ràng, đầy đủ những vấn đề chưa được làm rõ và không được chấp nhận tại phiên tòa phúc thẩm, đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi nghiên cứu vụ án và xem xét phần trình bày của bị cáo, HĐXX phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù bị “hạn chế quyền kháng cáo” nhưng bị cáo L đã rất thông minh khi kháng cáo giảm nhẹ để tránh bị gây khó khăn, sau đó tại phiên tòa bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo và được ghi nhận vào biên bản phiên tòa./.
Người viết: Như Thùy – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội