Tình trạng xả thải ra ngoài môi trường diễn ra khá phổ biến ở hầu hết mọi nơi, đặc biệt là chất thải vô cơ. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, gắn biển hiệu, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
Tại khoản 18 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.
Hành vi xả chất thải trái phép ra môi trường là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2020 được quy định như sau: Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt QCKT môi trường ra môi trường; Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định về bảo vệ môi trường.
Việc bảo vệ môi trường theo hướng xanh – sạch – đẹp, trong lành, hạn chế và giảm thiểu tình trạng xả thải bừa bãi ra môi trường trách nhiệm chung của mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện, ngang nhiên xả thải ra môi trường đất, nước, không khí,…một cách bừa bãi. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường, cản trở giao thông, làm mất mĩ quan đô thị, và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân.
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà cá nhân, tổ chức xả thải bừa bãi ra môi trường sẽ xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
*Về xử lý hành chính: Căn cứ Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: xử phạt cảnh cáo; đối với cá nhân vi phạm phạt đối đa là 1 tỷ đồng và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Đồng thời, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép (Môi trường, giấy phép tiếp cận nguồn gen, giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen,…); Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tịch thu tang vật có giá trị sau khi bị tiêu hủy và xử lý theo quy định pháp luật; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường,…
Ngoài ra cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu, trạng thái ban đầu; buộc phá dỡ công trình thiết bị xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý môi trường; buộc tái xuất máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về hiện trạng môi trường,…
Việc tước các giấy phép liên quan đến việc xử lý chất thải chỉ tạm dừng các công việc liên quan đến hoạt động xả thải ra ngoài môi trường, không ảnh hưởng đến những hoạt động khác.
Về xử lý hình sự: Hành vi vi phạm có thể cấu thành Tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tủy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà sẽ có các chế tài xử lý tương ứng. Cụ thể, các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường với mức hình phạt thấp nhất phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Cao hơn là phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 7 năm tù. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội thì tùy trường hợp, có thể phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Trước tình hình môi trường như hiện nay, trước tiên cá nhân, tổ chức cần nâng cao trách nhiệm, ý thức của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường: không xả thải bừa bãi ra môi trường, cần có giải pháp phân loại chất thải, đổ đúng nơi quy định, đảm bảo xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường; Các cơ quan, người có thẩm quyền cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng, quy định của pháp luật về việc bảo vệ môi trường và hành vi xả thải bừa bãi ra môi trường; Đồng thời, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp xả thải bừa bãi ra môi trường; Hơn hết là cần sự chung tay, góp sức, ngăn chặn hành vi xả thải bừa bãi ra môi trường, góp phần bảo vệ cuộc sống xanh./.
Người viết: Lê Thanh Bình – VPLS Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi