Thời gian qua, việc một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tổ chức công tác tuyển sinh yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ, ghi danh” hoặc thu hồ sơ của học sinh đã gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh và dư luận.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Nghị định 59/2014/NĐ-CP sửa đổi 69/2008/NĐ-CP quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường đều không có quy định nào là “phí giữ chỗ”.
Theo đó, phí giữ chỗ có thể hiểu là một khoản tiền đặt cọc cho một giao dịch sẽ được thực hiện trong tương lai dựa trên thỏa thuận của các bên, khái niệm này thường được sử dụng trong giao dịch dân sự. Việc các trường tuyển sinh yêu cầu đóng phí giữ chỗ sẽ khiến cho giáo dục bị “thương mại hóa”, bất bình đẳng trong tuyển sinh, thiếu công bằng trong giáo dục.
Ngày 21/3/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hà Nội đã ban hành công văn số 809/SGDĐT-QLT tại mục 5 của Công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu tiền “giữ chỗ” hay bất cứ khoản thu nào khác là phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Qua đó đảm bảo tính công bằng, quyền được học tập của học sinh mà không bị phân biệt và đảm bảo giá trị cốt lõi của giáo dục.
Xuất phát từ mục đích của các bên, nhà trường muốn đảm bảo số lượng học sinh thực học, tránh trình trạng học sinh ảo, phụ huynh muốn con em mình có chỗ để học tập tránh trường hợp hết chỗ, mất chỗ. Vì vậy, các trường tư đã tự thỏa thuận với phụ huynh về “phí giữ chỗ” cho học sinh. Theo đó, phí giữ chỗ này được xem như khoản “đặt cọc” trong giao dịch dân sự, sẽ được khấu trừ vào các khoản chi phí nếu học sinh trúng tuyển, trường hợp học sinh trúng tuyển mà không theo học coi như “bỏ cọc” thì tùy thuộc vào quy định mỗi trường mà trả lại cho phụ huynh hoặc không.
Mặc dù, các trường tư được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên ngoài mục đích lợi nhuận, cần phải tuân theo những quy định chung theo Luật Giáo dục và các văn bản liên quan, cũng như chấp hành các quy định chung của ngành, các cơ quan chuyên môn quản lý giáo dục.
Có cung ắt có cầu, biết là trái pháp luật nhưng vì lợi nhuận nên nhiều trường tư vẫn duy trì việc thu phí giữ chỗ, điều này gây ra sự bất bình đẳng trong giáo dục, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của ngành giáo dục.
Đối với hành vi thu phí giữ chỗ là trái quy định, nhà trường có thị bị xem xét xử lý vi phạm hành chính về quy định phí sai quy định theo quy định tại Điều 32 Nghị định 04/2021/NĐ-CP.
Giải pháp đặt ra cho vấn đề này là, trước mắt là cần tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa, xử lí nghiêm các cơ sở giáo dục có hành vi thu phí sai quy định, nếu phát hiện sai phạm thì cần thiết xử phạt vi phạm hành chính. Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm thắt chặt và xử lý nghiêm về các hành vi vi phạm, có thể tạm đình chỉ hoạt động, hoặc tước giấy phép hoạt động có thời hạn, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về lâu dài, cần tập chung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa và cải tạo các trường công lập trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở những nơi thiếu trường, lớp học. Nhằm đáp ứng đầy đủ số lượng phòng học đáp ứng nhu cầu về học tập của các em học sinh.
Dù thực hiện giải pháp nào đi chăng nữa nhưng quan trọng vẫn phải tạo ra giá trị lâu dài là: nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo quyền học tập của con người; tạo nên sự bình đẳng trong công tác tuyển sinh; sự hài hòa trong việc đảm bảo lợi ích giữa phụ huynh – nhà trường – học sinh. Hơn hết phải quan tâm, thực hiện có hiệu quả quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, bởi giáo dục & đào tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, hướng tới các kiến thức, kỹ năng, giá trị và năng lực hành động để thực hiện các mục tiêu quốc gia theo các trụ cột của phát triển bền vững./.
Bài viết thuộc về Văn phòng luật sư Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi