Trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi, TAND Tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án, đồng thời phải có sự cho phép của chủ tọa, điều này “thắt chặt” tác nghiệp của nhà báo: gây khó khăn, thiếu thông tin, thậm chí không có thông tin để truyền thông, nhất là với những vụ án lớn, phức tạp và kéo dài.
Nội dung này cũng đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 4 Điều 234) và Luật Tố tụng hành chính (khoản 4 Điều 153) quy định nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa; ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ. Điểm d khoản 1 Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền của Nhà báo: “được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật”.
Do đó, việc quy định nhằm thắt chặt ghi âm, ghi hình tại phiên tòa là chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân nói chung và hoạt động nghề nghiệp của các phóng viên, báo chí nói riêng.
Việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa sẽ giúp lưu thông tin của phiên xét xử và phán quyết của Tòa, đồng thời thực hiện quyền giám sát của người dân, cơ quan báo chí. Ngoài ra qua đây cũng chính là cách để giáo dục, răn đe, tuyên truyền đối với người dân về những hành vi vi phạm pháp luật, nhằm hạn chế vi vi phạm pháp luật, để đối xử đúng mực. Việc cấm ghi âm, ghi hình tại phiên tòa công khai làm giảm đi tính khách quan, minh bạch, có thể dẫn tới xét xử oan sai, hàm oan cho người vô tội, khiến kết quả xét xử không công bằng. Chưa kể những người tiến hành tố tụng còn lạm quyền gây ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người được tòa án triệu tập tham gia phiên tòa.
Dự thảo không quy định rõ, trường hợp nào chủ tọa đồng ý và trường hợp nào thì được phép ghi âm, ghi hình. Điều này không loại trừ trường hợp chủ tọa phiên tòa lợi dụng quy định pháp luật để gây khó dễ, hạn chế hoạt động tác nghiệp của cá nhân, tổ chức, trong đó có hoạt động của phóng viên, báo chí, điều này mâu thuẫn với Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của Nhà báo.
Để đảm bảo tính hài hòa giữa hoạt động của Tòa án và cơ quan báo chí, truyền thông thì cần có các phương án như: trước tiên cần phải rà soát quy định pháp luật, nhằm sửa đổi, bổ sung quy định về ghi âm, ghi hình: trường hợp nào được ghi âm, ghi hình, và ngược lại… theo Luật Báo chí và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đảm bảo tính độc lập, quyền và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, Tòa có thể bố trí riêng một phòng đầy đủ âm thanh, ánh sáng, kết nối trực tiếp đến hội trường xét xử để nhà báo tác nghiệp. Trong quá trình tác nghiệp, nếu vi phạm nhà báo sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Việc hạn chế ghi âm, ghi hình nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền hình ảnh của cá nhân, tránh trường hợp sử dụng hình ảnh trái đạo đức, pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo cũng cần phải đảm bảo tính khả thi, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức thực hiện chức năng giám sát của mình. Bởi giám sát có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện ra lỗi sai, đảm bảo hoạt động xét xử khách quan, tạo niềm tin, đồng thời hoạt động giám sát không làm ảnh hưởng đến tâm lý của HĐXX bị phân tán, không gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, bởi muốn trở thành Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải trải quan sự rèn luyện trau dồi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đủ nhiều, chưa kể HĐXX phải nghiên cứu vụ án một cách kỹ lưỡng trước khi xét xử. Mặt khác, việc cấm ghi âm, ghi hình khiến cho nguyên tắc xét xử công khai chưa được thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn./.
Bài viết thuộc về Văn phòng luật sư Đồng Đội
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi