Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Tòa án, giúp các đương sự bảo vệ được các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Trên thực tế không ít vụ án tranh chấp kéo dài nhưng rồi lại bị đình chỉ chỉ vì lý do hết thời hiệu khởi kiện, do đó, việc nắm rõ quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện là rất cần thiết khi tiến hành khởi kiện.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là gì? Pháp luật hiện nay chưa quy định khái niệm thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, có thể hiểu “thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự” là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì có thể mất quyền khởi kiện.
Điều 149 BLDS 2015 quy định Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
Ngoài ra, có một số trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện như: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản; yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp khác do luật quy định (Điều 155 BLDS năm 2015).
Khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan; hoặc người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà chưa có người đại diện; hoặc Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (Điều 156 BLDS 2015). Ví dụ như trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có thể được xem là trường hợp bất khả kháng xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được, nên không được tính vào thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015). Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện sau: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện; Các bên đã tự hòa giải với nhau (Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015).
Dưới đây là thời hiệu khởi kiện đối với một số vụ việc dân sự:
Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại: Theo quy định tại Điều 588 của BLDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (Điều 429 BLDS 2015);
Thời hiệu thừa kế: Điều 623 BLDS 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo điều khoản 1 Điều 132 BLDS năm 2015 là 02 năm, kể từ ngày người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch; Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối; Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép; Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch; Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
Như vậy, việc nắm rõ thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa quan trọng giúp người dân thực hiện tốt quyền khởi kiện của mình và đảm bảo quyền và lợi ích của các bên./.
Bài viết thuộc về Văn phòng luật sư Đồng Đội.
___
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi