Thực tập là một khái niệm không còn xa lạ đối với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên sắp ra trường, có thể hiểu thực tập là việc các bạn sinh viên sẽ thử nghiệm làm việc như một nhân viên tại một cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, văn phòng nào đó liên quan đến ngành mà mình theo học để giúp cho các bạn có được kinh nghiệm cơ bản về thực tế nghề mà mình định hướng sẽ lựa chọn.
Việc đi thực tập mang ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng công việc tương lai của các bạn sinh viên, bởi vì các lí do sau:
Thứ nhất, kỳ thực tập là cơ hội để sinh viên áp dụng những kiến thức mang tính lý thuyết đã học và thực tiễn
Thứ hai, giúp sinh viên chuẩn bị trước những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trước khi thực sự ra trường và đi làm
Thứ ba, giúp sinh viên bước đầu xây dựng và tạo lập các mối quan hệ trong công việc
Đối với sinh viên luật nói riêng và sinh viên nói chung, có 2 điều cần đặc biệt chú ý khi đi thực tập. Đó là:
Một là lựa chọn nơi thực tập phù hợp với định hướng tương lai của mình. Có rất nhiều nơi để thực tập ngành Luật như: Toà án, Viện kiểm sát, Văn phòng Luật sư, Phòng Công chứng, Phòng pháp chế trong các doanh nghiệp,… Việc chọn nơi thực tập phải gắn đến mục đích nghề nghiệp tương lai của bản thân mình. Bạn muốn trở thành Luật sư thì không nên thực tập trong doanh nghiệp mà nên chọn các tổ chức hành nghề Luật sư, nếu định hướng làm Công chứng viên thì chọn thực tập trong Văn phòng Công chứng thay vì theo sự rủ rê của bạn bè vào Tòa án.
Hai là luôn cầu thị, sẵn sàng học hỏi. Doanh nghiệp hay tổ chức nơi bạn thực tập quả thật họ rất bận và sẽ không có thời gian để xem thử bạn đang cần gì và thiếu gì. Công việc ngành Luật dựa trên thực tế nên không thể cầm tay chỉ việc.
Khi đi thực tập hãy chuẩn bị cho bản thân một thái độ cầu thị nhất định, tập trung quan sát lắng nghe hết tất cả những điều xảy ra trong văn phòng. Ban đầu bạn có thể cảm thấy rất chán nản, mệt mỏi vì không hiểu gì. Nhưng dần dần khi nhận thấy thái độ của bạn thật sự muốn học hỏi thì có thể sẽ có vài công việc chuyên ngành hơn sẽ được giao cho bạn làm thử như soạn thảo văn bản, hợp đồng,… Hãy luôn đặt ra những câu hỏi khi có thắc mắc đừng cho người ta thấy bản thân mình là người thụ động. Tự tạo cho mình các công việc khác để nghiên cứu, tạo áp lực công việc cho mình và tìm hướng giải quyết các công việc đó. Học các kỹ năng giải quyết thực tế, cách thức trả lời, giải quyết vấn đề. Tập rèn tính cẩn thận, tỉ mẩn, ghi chép mọi thứ, chớ có coi thường bất cứ việc gì, hoặc tỏ thái độ về bất cứ việc gì, luôn rèn việc giữ bình tĩnh mọi lúc mọi nơi.
Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền- Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, người đã có kinh nghiệm làm luật sư lâu năm, có một số chia sẻ có thể giúp bạn định hướng tâm thế như sau:
“Trước khi đi thực tập, các bạn cần phải chẩn bị tâm thế rõ ràng rằng mình sau này sẽ làm gì? Làm nhà nước, làm công chứng, hay là làm luật sư.
Giờ bạn không thể đi học luật sư mà cần cả tiền cả cuộc sống. Cái đó là rất khó, khi mà sức bạn 3 phần , bạn lại đòi gánh 7 phần thì sao được. Hơn nữa, cái nhận thức của mình có hạn, học thì cứ học nhưng mà cứ không nhận ra vấn đề được, không thì cái yêu cầu tố chất của nghề luật sư rất cao cho nên là mọi người phải xác định được là mình học việc ở đâu học việc cái nơi nào. Nó phù hợp với cái tương lai của mình khả năng của mình mục đích của mình tránh cái việc là cứ như kiểu đi thử đấy chỗ nào cũng thấy vướng chỗ nào cũng thấy khó chỗ nào cũng thấy không hài lòng.
Giá trị của việc đi thực tập không nằm ở việc tiền trợ cấp như thế nào, mà quan trọng là bạn học được những gì từ nơi thực tập đó. Trong thực tế khi tôi hướng dẫn các bạn thực tập sinh thì tôi nhận thấy rằng, có một số bạn thực tập sinh đến mà không cho sự chuẩn bị gì cho công việc của mình: hành trang thế nào, nói năng ra sao, học luật sư như thế nào. Có những bạn chỉ muốn học chuyên môn, đòi đọc những hồ sơ, tiếp cận những công việc cụ thể. Mà như thế là đang đi không đúng trình tự. Phải học các kĩ năng phân tích, đánh giá, nhìn nhận vấn đề trước rồi mới đi vào thực tế được. Học khi đi làm và học trong trường khác nhau. Ở trên trường chỉ học lí thuyết thôi. Trên thực tế có nhiều vấn đề phải soi xét kĩ rồi mới làm. Chưa gì đã đòi vật chất, trong khi bản thân chưa đem lại giá trị gì cho cơ quan nơi mình làm việc. Như thế là không nên!”
Khi các bạn xác định rõ là mình đang đi thực tập, thứ bạn nên đặt lên hàng đầu chính là những kinh nghiệm và kiến thức thu được, cùng với cơ hội có 1-0-2 trở thành nhân viên chính thức của công ty. Chính vì vậy, dù có lương hay không cũng không thành vấn đề, không nên quá chăm chăm vào chuyện này, hãy giữ một tinh thần học tập cầu tiến trong quá trình “thực chiến” tại doanh nghiệp. Tầm quan trọng của việc thực tập là tạo cho bạn khả năng thực hành kiến thức trên trường lớp, là tiền đề để sau khi tốt nghiệp bạn sẽ vững tin hơn khi đi làm. Mọi công ty dù lớn hay nhỏ, nếu bạn chủ động học hỏi thì khả năng thu nhặt kiến thức sẽ cao hơn những ai chỉ coi kỳ thực tập chỉ là một phần trong quá trình học Đại học.
Chia sẻ Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội
Xem thêm những bài viết liên quan tại:
- https://dongdoilaw.vn/#google_vignette
- https://dongdoilaw.vn/hoc-cach-tu-duy-cua-nguoi-nhat-thong-qua-viec-thu-hoi-no/
- https://dongdoilaw.vn/dong-luc-trong-noi-luc/
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi