Những ngày gần đây vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng vừa được phát hiện tại Mái ấm Hoa Hồng đã gây xôn xao, bức xúc với dư luận. Ngay lập tức các cơ quan chức năng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc làm việc với cơ sở này. Hành vi trên khiến dư luận không khỏi phẫn nộ và lo lắng về tình trạng an toàn của trẻ em trong xã hội. Chính vì sự nghiêm trọng của sự việc nên công an TP HCM đã vào cuộc, hy vọng một ngày không xa bà chủ và 1 số nhân viên bạo hành trẻ em được công bố kết quả đồng thời các cấp, các ngành cần lấy đây là bài học để chấn chỉnh, để kiểm tra giám sát.
Tạm giữ chủ Mái ấm Hoa Hồng cùng một số người khác https://dantri.com.vn/phap-luat/tam-giu-chu-mai-am-hoa-hong-cung-mot-so-nguoi-khac-20240905094423565.htm.
Nhà hảo tâm không ngờ trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng https://dantri.com.vn/phap-luat/nha-hao-tam-khong-ngo-tre-em-bi-bao-hanh-tai-mai-am-hoa-hong-o-tphcm-20240904110110833.htm
Vụ trẻ em bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng https://dantri.com.vn/an-sinh/vu-tre-em-bi-bao-hanh-tai-mai-am-hoa-hong-bao-cao-gap-20240904121849665)
https://vnexpress.net/vu-tre-bi-bao-hanh-co-su-buong-long-quan-ly-tu-dia-phuong-4788989.html
Qua sự việc trên Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội bày tỏ ý kiến:
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, vấn đề bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là đối với các nhóm trẻ yếu thế trong các cơ sở nuôi dạy từ thiện, đang trở thành mối quan tâm đặc biệt. Mặc dù đã có nhiều quy định pháp lý liên quan, nhưng các quy định về quản lý nhóm trẻ từ thiện vẫn còn hạn chế và chưa được quy định một cách cụ thể. Cụ thể tại Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thì quy định về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có đề cập đến “nhóm trẻ từ thiện”. Các quy định trên quy định về các vấn đề chung liên quan đến bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cùng với các biện pháp phòng, chống xâm hại và bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Vì vậy, các quy định này chỉ mang tính chất chung, chưa có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm trẻ em từ thiện. Đồng thời, các cơ sở từ thiện thường hoạt động dưới dạng các tổ chức hoặc cá nhân tự phát, với mục đích giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nên không phải lúc nào cũng được quản lý chặt chẽ theo khuôn khổ pháp lý. Điều này dẫn đến việc thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng về an toàn, chất lượng chăm sóc, và quyền lợi cho trẻ em thuộc nhóm này. Vì vậy, các nhà làm luật, các tổ chức và cơ quan quản lý cần đưa ra các quy định cụ thể hơn để điều chỉnh hoạt động của các nhóm trẻ từ thiện nhằm đảm bảo quyền lợi và sự an toàn của trẻ em. Các cơ sở nuôi dạy, bất kể hoạt động dưới danh nghĩa nào, đều phải được kiểm tra, giám sát và cấp phép để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.
Các cơ sở nuôi dạy trẻ em, bao gồm cả các cơ sở từ thiện, cần được đưa vào một hệ thống quản lý chặt chẽ, minh bạch và toàn diện để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho trẻ em. Và để quản lý một cách hiệu quả, chặt chẽ các cơ sở này thì:
Thứ nhất, kiểm tra Đăng ký và cấp phép hoạt động:
Tất cả các cơ sở nuôi dạy trẻ, dù hoạt động dưới danh nghĩa nào (tư nhân, nhà nước, tổ chức từ thiện) đều phải đăng ký và được cấp phép hoạt động bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Điều này bao gồm việc thẩm định về cơ sở vật chất, quy trình chăm sóc, và đội ngũ nhân sự nhằm đảm bảo rằng trẻ em được chăm sóc trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Thứ hai, về Kiểm tra và giám sát định kỳ:
Các cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra định kỳ để đánh giá điều kiện an toàn, chất lượng chăm sóc và việc tuân thủ các quy định pháp luật tại các cơ sở này. Các cuộc kiểm tra cần bao gồm cả yếu tố về vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và giáo dục cho trẻ em. Cơ chế giám sát cần bao gồm việc kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các vi phạm tiềm ẩn, đảm bảo rằng không có hành vi lạm dụng, bóc lột hoặc xâm hại trẻ em xảy ra.
Thứ ba là Báo cáo và trách nhiệm giải trình:
Các cơ sở nuôi dạy trẻ phải có nghĩa vụ báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động, số lượng trẻ em được chăm sóc, tình hình sức khỏe và giáo dục của các em cho cơ quan quản lý. Các báo cáo này cần được lưu trữ công khai hoặc dễ dàng tiếp cận để đảm bảo minh bạch. Ngoài ra cần tăng cường vai trò giám sát của xã hội, bao gồm việc công bố thông tin về các cơ sở nuôi dạy trẻ và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở này.
Thứ tư là Bảo vệ quyền trẻ em:
Phải có các quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong các cơ sở này, bao gồm quyền được chăm sóc, giáo dục, được bảo vệ khỏi các hành vi xâm hại hoặc bóc lột. Ngoài ra, cần có các biện pháp xử lý mạnh mẽ đối với những vi phạm về quyền trẻ em. Các cơ sở vi phạm quy định phải chịu các hình thức xử phạt nghiêm minh, bao gồm cả việc tạm ngừng hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Thứ năm là Hỗ trợ và quản lý tài chính minh bạch:
Đối với các cơ sở từ thiện, việc quy định rõ ràng về nguồn tài trợ, việc sử dụng quỹ và báo cáo tài chính minh bạch là rất cần thiết để tránh tình trạng lạm dụng quỹ từ thiện và đảm bảo mọi tài nguyên được sử dụng đúng mục đích vì lợi ích của trẻ em.
Tóm lại, việc đưa các cơ sở nuôi dạy trẻ em vào một hệ thống quản lý rõ ràng, từ khâu cấp phép đến giám sát, kiểm tra, là cần thiết để bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.
Ý tưởng điều chỉnh mức phạt dựa trên độ tuổi của nạn nhân, trong đó nạn nhân càng nhỏ thì mức phạt càng tăng, là một cách tiếp cận có lợi để bảo vệ trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ vốn dễ bị tổn thương và cần sự bảo vệ đặc biệt.
Trẻ em thường chưa có đủ khả năng nhận thức để tự bảo vệ mình, vì vậy những hành vi xâm phạm có thể gây hậu quả nghiêm trọng về thể chất và tinh thần lâu dài. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo vệ nhóm đối tượng này. Việc tăng mức phạt theo độ tuổi nạn nhân sẽ tạo ra tính răn đe cao hơn đối với tội phạm xâm hại trẻ em, khiến họ cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi có hành vi xâm phạm, đặc biệt khi đối tượng là trẻ nhỏ.
Xã hội càng phát triển, thì càng cần có những quy định pháp luật nghiêm ngặt để bảo vệ nhóm yếu thế. Quy định tăng mức phạt khi nạn nhân là trẻ nhỏ là một biểu hiện cụ thể cho sự quan tâm đặc biệt của nhà nước đối với trẻ em. Ở Việt Nam, việc áp dụng nguyên tắc “nạn nhân càng nhỏ thì mức phạt càng tăng” có thể cần được xem xét và điều chỉnh theo điều kiện cụ thể của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam cũng đã có những quy định xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi xâm phạm trẻ em, đặc biệt là các hành vi xâm phạm tình dục hoặc bạo hành.
Vì vậy, việc xem xét độ tuổi của nạn nhân như một tình tiết tăng nặng cụ thể hơn có thể là một bước tiến trong việc bảo vệ trẻ em, tạo ra một hệ thống pháp luật nghiêm ngặt hơn, đảm bảo rằng các em được bảo vệ tốt nhất khỏi mọi hành vi xâm hại. Việc điều chỉnh này có thể mang lại hiệu quả răn đe lớn hơn đối với những kẻ có ý định xâm hại trẻ em.
Tóm lại, việc điều chỉnh mức phạt theo độ tuổi của nạn nhân là hợp lý và cần thiết để đảm bảo tính công bằng và răn đe trong việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, nhưng cũng cần sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.
Bản thân tôi là một Luật sư là người hiểu biết về pháp luật, yêu trẻ và ghét những kẻ lợi dụng danh nghĩa từ thiện để kiếm lợi bất chính tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần xem xét một cách nghiêm túc để ngăn chặn việc này, có thể bằng cách lắp đặt camera, theo dõi và quản lý từ xa. Điều này sẽ giúp ngăn chặn những hành vi xấu xa như vậy. Đồng thời, cần có chủ thể chịu trách nhiệm và không chỉ tập trung vào xử lý cá nhân tham lam mà còn cần cải thiện hệ thống để ngăn chặn tình trạng này xảy ra.
@vpls_dongdoi Cần xử lý nghiêm chủ Mái ấm Hoa Hồng, những kẻ hành hạ các em nhỏ và các cá nhân, tổ chức để sảy ra sự việc đau lòng trên.
Nguyễn Minh Đức – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Người hướng dẫn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội