Trong tố tụng hình sự, bị hại là người chịu thiệt hại trực tiếp từ hành vi phạm tội không chỉ về tài sản, thể chất mà còn cả tinh thần. Bị hại đóng vai trò trực tiếp trong quá trình làm sáng tỏ vụ án và đòi lại công bằng cho bản thân. Chính vì vậy, pháp luật thế giới nói chung và pháp luật Việt Nam nói riêng đã quy định các quyền của bị hại trong tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự một cách cụ thể để bị hại có thể hiểu rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
1. Bị hại là ai?
Khoản 1 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.”
Như vậy, so với trước đây trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định “Người bị hại là người bị hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra” đến Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thuật ngữ “Bị hại” được thay thế và mở rộng đối tượng không chỉ là cá nhân mà còn mơr rộng thêm cả cơ quan, tổ chức đã bị thiệt hại hoặc có thể bị đe dọa nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại, và những thiệt hại này là mục đích mà các tội phạm hướng tới. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định. Trường hợp cơ quan, tổ chức là có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất đối với cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định (Khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
2. Quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự
Khoản 2 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định các quyền của bị hại như sau:
Điểm a,b Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền như sau, cụ thể : Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
Theo điểm b khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”. Như vậy, không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có quyền đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và đồ vật liên quan đến vụ án để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, chứng minh những thiệt hại của mình là do hành vi phạm tội gây ra, thậm chí bị hại có thể chứng minh cả những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết quyền lợi của mình như việc giải quyết bồi thường thiệt hại và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Điểm c Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
Nếu như trước đây, bị hại trong vụ án hình sự chỉ được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị hại còn có quyền trình bày ý kiến của mình về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đồng thời có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá các tài liệu, đồ vật đó. Đây là một quy định nâng cao sự chủ động của bị hại khi tham gia tố tụng hình sự. Trên thực tế, bị hại là người trực tiếp bị tội phạm xâm hại, trong nhiều trường hợp bị hại cũng đồng thời là nhân chứng trực tiếp của vụ án, do đó những ý kiến của bị hại về các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tính khách quan của các chứng cứ, tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ án từ đó xác định các tình tiết trong vụ án hình sự.
Điểm d Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cho phép bị hại cũng như đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ những trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị hại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015)
Điểm đ Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bị hại có quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
Trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra (Điều 229 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015), quyết định phục hồi điều tra (Điều 235 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) và khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải thông báo cho bị hại, đương sự và người đại diện hợp pháp của họ (Điều 232 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Trong giai đoạn truy tố, khi Viện kiểm sát ra các quyết định như : Quyết định truy tố bị can trước Tòa án (Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015), Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung (Điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015), Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, Quyết định phục hồi vụ án (Điều 247, 248, 249 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015) thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo cho bị hại.
Trong giai đoạn xét xử, Toà án giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị hại chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà (khoản 1 Điều 286 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Các Quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của Tòa án được giao bị hại hoặc người đại diện của họ trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định (khoản 2 Điều 286 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị hại (khoản 1 Điều 262 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Điểm e Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
Khi có căn cứ để cho rằng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án không vô tư trong khi tiến hành tố tụng và người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật không vô tư trong khi tham gia tố tụng thì bị hại có quyền đề nghị thay đổi họ (khoản 2 Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Điểm g Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bị hại có quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
Bị hại có quyền đề nghị hình phạt đối với người phạm tội để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng xem xét sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định sự thật khách quan của vụ án. Bị hại cũng có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại và các biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại do tội phạm xâm phạm.
Điểm h Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
Như vậy, quyền tham gia phiên tòa của bị hại có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc tham gia trực tiếp vào phiên tòa cho phép bị hại không chỉ lắng nghe mà còn trình bày ý kiến về vụ án, đề nghị chủ tọa hỏi bị cáo và những người liên quan nhằm làm sáng tỏ sự thật. Điều này giúp bị hại chủ động tham gia vào quá trình xét xử, đảm bảo rằng ý kiến và quan điểm của họ được lắng nghe và xem xét đầy đủ. Thêm vào đó, quyền tranh luận tại phiên tòa giúp họ bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình trước tòa, góp phần đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình xét xử.
Điểm i Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bị hại có quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
Quy định này giúp bị hại có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nó cho phép bị hại chủ động tham gia vào quá trình tố tụng, hoặc nếu họ không đủ khả năng tự bảo vệ, họ có thể nhờ luật sư hoặc người đại diện để đảm bảo quyền lợi của mình được bảo vệ một cách tốt nhất. Quy định này nhằm đảm bảo rằng bị hại có đủ công cụ pháp lý để đối mặt với các thách thức trong quá trình tố tụng, đảm bảo sự công bằng và khách quan.
Điểm k Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 bị hại có quyền được tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
Vị trí và vai trò của bị hại khi họ tham gia tố tụng theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 tương đối mờ nhạt và chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn xét xử của toà án. Tuy nhiên đến Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 với quyền được tham gia các hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì vai trò của bị hại đã được chú trọng và nâng cao. Như vậy, bị hại có có thể được tham gia vào một số hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án. Với quyền được tham gia một số hoạt động tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị hại hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình như họ có được thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà không phải chờ đến khi được thông báo. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải nỗ lực hết sức trong phạm vi khả năng của mình để bị hại được tham gia các hoạt động tố tụng theo luật định đồng thời phải tuân thủ những điều kiện nhất định như việc tham gia đó không ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án cũng như gây khó khăn hoặc cản trở đến hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác.
Điểm l Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
Để bảo đảm an toàn cho bị hại, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định thêm quyền rất thiết thực cho bị hại là họ được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho họ và người thân của họ khi họ báo cáo về nguy cơ họ bị xâm hại hoặc có căn cứ cụ thể về những hành vi đe dọa họ nhằm gây sức ép hoặc cản trở quyền tố tụng của họ. Như vậy các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chịu trách nhiệm thực hiện những biện pháp hợp lý để giải quyết những mối lo ngại về an ninh cho các bị hại, xác định tính chất và phạm vi của các biện pháp, đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra những lựa chọn hợp lý để giải quyết các mối đe dọa với nguồn lực sẵn có để đáp ứng quyền được bảo vệ của bị hại.
Điểm m Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
Điểm n Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định người bị hại có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Người bị hại có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 469 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015). Các quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được ban hành theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Các Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Điều 70 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015).
Điểm o Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định các quyền khác của bị hại theo quy định của pháp luật như sau, ví dụ:
Ngoài những quyền được nêu ở Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bị hại còn được quy định các quyền khác như: Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền khởi tố vụ án hình sự hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại về một số tội phạm; Điều 486 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ hơn về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại khi bị xâm phạm; quyền được trợ giúp pháp lý của bị hại tại Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý 2017; Chương XX Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ( ICCPR)..
Trên đây là những quyền của bị hại được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự, có thể chia quyền của bị hại thành các nhóm sau.
Thứ nhất, nhóm các quyền mặc nhiên: Đây là nhóm các quyền mà pháp luật quy định bị hại đương nhiên được hưởng và cơ quan THTT phải có nghĩa vụ tạo mọi điều kiện cần thiết để các quyền này được đảm bảo thực hiện trong thực tiễn ở mỗi giai đoạn tố tụng. Nhóm quyền này bao gồm điểm a, đ, h, i, k, m, n, thuộc Khoản 2 điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Thứ hai, nhóm các quyền yêu cầu: Đây là nhóm các quyền mà các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện, xem xét thực hiện trên cơ sở yêu cầu, đề nghị từ phía bị hại. Do đó, các quyền này chỉ phát sinh nếu đáp ứng hai điều kiện đó là: Có yêu cầu của bị hại và các yêu cầu này phải mang tính khả thi, tính hợp pháp, bao gồm: điểm b, c, d, e, g, l Khoản 2 điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Thứ ba, ngoài những quyền được nêu ở Khoản 2 điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bị hại còn được quy định các quyền khác như: Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền khởi tố vụ án hình sự hoặc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của bị hại về một số tội phạm; Điều 486 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định rõ hơn về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, …
Mặc dù pháp luật quy định về quyền của bị hại đã khá đầy đủ nhưng trong thực tiễn, tuy nhiên không phải bị hại nào cũng tự mình hiểu rõ và thực hiện quyền của mình. Dưới đây là một số ví dụ về việc bị hại do sự thiếu hiểu biết đã gặp những khó khăn trong quá trình tố tụng khiến bị hại gặp nhiều trở ngại trong quá trình thực hiện quyền bị hại được pháp luật bảo vệ.
1. Vụ án chị Nguyễn Thị H bị cố ý gây thương tích
Chị Nguyễn Thị H, người từ nơi khác đến sinh sống tại thị trấn Trâu Quỳ, Nghệ An, đã bị tấn công do mâu thuẫn làm ăn. Theo kết luận giám định, chị bị tổn hại 25% sức khỏe. Mặc dù chị H đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nhưng quá trình tố tụng kéo dài đến 4 năm với 11 lần trả hồ sơ, 6 bản cáo trạng và 6 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Chỉ đến bản án thứ 6, bị cáo mới bị kết tội và áp dụng hình phạt.
Trong quá trình tố tụng, chị H đã không nhận được sự hỗ trợ rõ ràng về cách trình bày lời buộc tội tại tòa. Tại các phiên sơ thẩm, chị chỉ khai báo và trình bày ý kiến, mà không thực hiện lời buộc tội như một phần quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này cho thấy chị H, mặc dù là người bị hại, không được hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện quyền buộc tội đối với bị cáo trong quá trình tố tụng.
2. Vụ án giết người của anh Nguyễn Văn A
Trong vụ án giết người, anh Nguyễn Văn A bị anh Đỗ Đình B giết hại. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, anh B bỏ trốn khỏi nơi cư trú trong suốt 14 năm. Trong suốt thời gian đó, gia đình anh A đã gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường và thực hiện các quyền của mình trong tố tụng hình sự.
Gia đình anh A đã ủy thác vụ việc cho Văn phòng luật sư Đồng Đội. Nhờ sự giúp đỡ của văn phòng luật sư, gia đình nạn nhân mới có thể đạt được mức bồi thường thỏa đáng. Ban đầu, gia đình bị cáo chỉ đồng ý bồi thường 200 triệu đồng, nhưng nhờ sự thuyết phục từ phía luật sư, mức bồi thường đã được tăng lên 400 triệu đồng. Điều này chứng minh vai trò quan trọng của luật sư trong việc giúp bị hại hoặc người đại diện của họ hiểu rõ quyền lợi và yêu cầu bồi thường hợp pháp.
Như vậy, từ các ví dụ trên cho thấy, mặc dù pháp luật bảo vệ quyền lợi của bị hại trong tố tụng hình sự, nhưng nhiều người bị hại vẫn không thể tự mình thực hiện những quyền này một cách đầy đủ. Quá trình tố tụng có thể phức tạp và kéo dài, khiến bị hại dễ bị lạc hướng hoặc không biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chính vì vậy, vai trò của luật sư và các chuyên gia pháp lý là vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ bị hại đảm bảo công bằng trong các vụ án hình sự.
Hà Tuyết – Thực tập sinh văn phòng luật sư Đồng Đội