Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bảo vệ thương hiệu bao gồm các yếu tố như logo, tên gọi, sản phẩm, ý tưởng sáng tạo ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Các quy định pháp luật không chỉ tạo ra hành lang pháp lý ngăn chặn hành vi xâm phạm mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương hiệu doanh nghiệp.
Hiện nay, hệ thống quy định pháp luật bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), các văn bản dưới luật, và các hiệp định thương mại quốc tế như CPTPP, EVFTA, và TRIPS. Các doanh nghiệp cần sử dụng các công cụ pháp lý như đăng ký nhãn hiệu, bản quyền, bảo hộ sáng chế và kiểu dáng công nghiệp. Mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ không định nghĩa cụ thể thuật ngữ “thương hiệu”, nhưng thương hiệu được hiểu là tổng hợp các yếu tố vật chất, thẩm mỹ và lý tính của sản phẩm, bao gồm tên gọi, biểu tượng và hình ảnh, dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Bảo hộ thương hiệu là hình thức phát triển pháp luật nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.
Các vụ việc thực tiễn
Tại hội thảo “Xây dựng, phát triển, định giá và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp”, ông Lê Ngọc Lâm – Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, ở Việt Nam, nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Ông Lâm lấy ví dụ, thuốc lá Vinataba đã đăng ký thương hiệu tại Việt Nam và chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Nhưng khi Vinataba có ý định xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì nhận ra thương hiệu của mình đã bị công ty P.T. Putra Stabat Industri (của Indonesia) đăng ký độc quyền tại nhiều quốc gia ASEAN và châu Á.
Một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp Việt “phát khóc” là bài học từ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột dù được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005 nhưng thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ. Ngoài ra, các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc… đều mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đi tìm lại tên. Mới đây, Vinamit đòi lại thành công nhãn hiệu Đức Thành đã bị đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc từ năm 2007. Phải mất 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa, Vinamit mới được thừa nhận là chủ sở hữu thương hiệu Đức Thành. Ngoài khoản chi phí vài trăm ngàn USD thuê luật sư, doanh nghiệp còn phải tốn rất nhiều chi phí khác, đặc biệt thiệt hại doanh nghiệp phải gánh chịu trong quá trình bị đánh cắp, đòi và xây dựng lại thương hiệu là cực kỳ lớn so với chi phí đăng ký độc quyền bảo hộ.
Có thể thấy, mặc dù khung pháp lý nội địa đã cải thiện, nhưng thực tiễn cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn khi mở rộng ra nước ngoài. Đây là minh chứng cho thấy cần phải có chiến lược bảo vệ thương hiệu toàn diện hơn, bao gồm cả việc tuân thủ quy định quốc tế và áp dụng các biện pháp thực thi mạnh mẽ trong nước.
Như vậy, một khi thương hiệu đã bị đánh cắp, doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để theo đuổi các vụ kiện nhằm đòi lại thương hiệu nhưng không nhiều trường hợp đòi lại thành công.
Quy trình đăng ký và bảo hộ thương hiệu
Bước 1: Thiết kế, lựa chọn thương hiệu, phân nhóm đăng ký
Trước khi tiến hành nộp đơn đăng ký, khách hàng cần chuẩn bị thương hiệu muốn đăng ký. Thương hiệu đăng ký cần đảm bảo không tương tự thương hiệu khác đã đăng ký, nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu là các dấu hiệu mô tả không có khả năng cấp bằng bảo hộ.
Bước 2: Tra cứu những khả năng để có thể đăng ký bảo vệ thương hiệu
Để đảm bảo thương hiệu có khả năng đăng ký, khách hàng cần tiến hành thủ tục tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký. Doanh nghiệp cần làm đơn có mẫu nhãn hiệu cùng với danh mục những sản phẩm/dịch vụ nhãn hiệu đến cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực này để được tư vấn và đánh giá cụ thể.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thương hiệu độc quyền và nộp hồ sơ
Khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thương hiệu sản phẩm, gồm có:
- Tờ khai đăng ký thương hiệu theo mẫu
- 05 mẫu thương hiệu sản phẩm sẽ đăng ký độc quyền được in trên giấy A4, kích thước 8cmx8cm
- Giấy giới thiệu, căn cước công dân (áp dụng trường hợp tự nộp đơn đăng ký) hoặc Giấy uỷ quyền cho tổ chức đại diện nộp đơn đăng ký
- Chứng từ đã nộp lệ phí
- Tài liệu khác (nếu có) theo từng nội dung công việc
Bước 4: Thẩm định đơn đăng ký sau khi được nộp đến khi được giấy chứng nhận đăng ký thường kéo dài từ 28-30 tháng, thậm chí có những đơn còn kéo dài từ 32-34 tháng (đơn bị dự tính từ chối, thiếu sót…).
Bước 5: Cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu độc quyền
Sau quá trình thẩm định đơn đăng ký thương hiệu, Cục sở hữu trí tuệ đánh giá, thương hiệu đăng ký có khả năng bảo hộ. Thương hiệu được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn.
Những tiến bộ trong pháp luật về bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2022 đã bổ sung các quy định mới về bảo vệ nhãn hiệu nổi tiếng, tăng cường quyền lợi của chủ sở hữu và cải tiến quy trình đăng ký, xử lý vi phạm. Từ bước đầu chỉ bảo vệ nhãn hiệu truyền thống, Luật Sở hữu trí tuệ đã mở rộng phạm vi bảo hộ sang các dấu hiệu phi truyền thống như âm thanh, hình ba chiều, phản ánh sự thích ứng của pháp luật với sự phát triển không ngừng của hoạt động thương mại và công nghệ. Luật cho phép các bên thứ ba có thể phản đối hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu nếu phát hiện có vi phạm, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình bảo vệ thương hiệu. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã bổ sung các điều khoản quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm: “Tội xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Các hành vi làm giả nhãn hiệu, sao chép trái phép, hoặc kinh doanh hàng hóa gắn nhãn hiệu giả mạo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt nghiêm khắc, bao gồm phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù đến 5 năm.”
Việt Nam là thành viên của nhiều điều ước quốc tế như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định TRIPS, Thoả ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế và các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA. Các hiệp định này đặt ra tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, buộc Việt Nam phải liên tục cập nhật khung pháp lý và cơ chế thực thi. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng là những điển hình thành công trong áp dụng pháp luật để bảo vệ thương hiệu. Hành động này đã giúp hãng bảo vệ quyền lợi trong các vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ, đồng thời khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
Thách thức trong bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam
Thứ nhất, thương mại điện tử đã trở thành một kênh phân phối hàng hóa quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, nhưng cũng đồng thời gia tăng các hành vi xâm phạm thương hiệu. Sự khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến khiến việc phân biệt giữa sản phẩm chính hãng và hàng giả trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, việc chứng minh quyền sở hữu trí tuệ và các hành vi xâm phạm không phải lúc nào cũng dễ dàng. Các doanh nghiệp thường phải đối mặt với những thách thức trong việc thu thập chứng cứ và xác định rõ ràng các hành vi vi phạm, đặc biệt trong các vụ tranh chấp liên quan đến ý tưởng sáng tạo.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa nhận thức đầy đủ về ccácquy trình cần thiết để đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu của mình. Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc đăng ký thương hiệu khi đã xảy ra tranh chấp hoặc bị vi phạm. Mặt khác, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát và thiếu chuyên nghiệp, đồng bộ. Nội dung chiến lược thương hiệu không được định vị một cách rõ ràng, dẫn đến tác dụng của kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu không cao.
Thứ ba, chi phí bảo vệ thương hiệu cũng là một rào cản lớn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí đăng ký bảo hộ, duy trì quyền sở hữu trí tuệ, và chi phí kiện tụng khi xảy ra tranh chấp đều là những gánh nặng tài chính không nhỏ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận rủi ro thay vì đầu tư vào việc bảo vệ thương hiệu một cách bài bản.
Thứ bốn, số lượng các chuyên gia và tổ chức hỗ trợ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp để bảo vệ thương hiệu của mình. Các dịch vụ tư vấn pháp lý, trọng tài và hòa giải chuyên nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa phát triển mạnh mẽ, dẫn đến các doanh nghiệp phải tự xử lý các vấn đề pháp lý một cách thiếu hiệu quả.
Cuối cùng, văn hóa kinh doanh tại Việt Nam cũng là một yếu tố góp phần tạo ra các khó khăn trong bảo vệ thương hiệu. Việc thực thi các bản án như bồi thường thiệt hại hoặc buộc chấm dứt hành vi vi phạm thường gặp sự chống đối từ bên vi phạm, gây bất lợi cho chủ sở hữu thương hiệu. Tình trạng sao chép và làm nhái ý tưởng vẫn phổ biến, nhiều doanh nghiệp vi phạm không có ý định sửa đổi cho đến khi bị xử lý, và không ít doanh nghiệp coi đây là một phần của chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Giải pháp và xu hướng tương lai
Để khắc phục các hạn chế và nâng cao hiệu quả bảo vệ thương hiệu, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, khung pháp lý cần được hoàn thiện hơn nữa, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong thực thi. Công tác đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi như tòa án, cơ quan thanh tra chuyên ngành cũng là điều cần thiết để đảm bảo các tranh chấp về thương hiệu được giải quyết nhanh chóng và công bằng. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ thương hiệu thông qua pháp luật, cần đơn giản hoá các thủ tục đăng ký và xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Các quy trình nộp đơn, xét duyệt và cấp giấy chứng nhận cần được tinh gọn và áp dụng công nghệ số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Song song với đó, doanh nghiệp cần chủ động mở ra chiến lược bảo vệ thương hiệu toàn diện. Điều này không chỉ dừng lại ở việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, mà còn áp dụng các công cụ kỹ thuật số để giám sát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm trên không gian mạng. Về phía nhà nước và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ thương hiệu. Các hội thảo, khóa học, và chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ có thể giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Sự tiến bộ trong đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, cần khuyến khích sự phát triển của các tổ chức tư vấn pháp lý, trọng tài, và hòa giải chuyên nghiệp trong lĩnh vực này cũng như mở rộng hợp tác với các luật sư và chuyên gia sở hữu trí tuệ để xây dựng kế hoạch bảo vệ thương hiệu dài hạn.
Trong tương lai, xu hướng bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. Các doanh nghiệp không chỉ quan tâm đến thị trường nội địa mà còn chú trọng phát triển, mở ra thị trường quốc tế. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, chiến lược và tài chính. Các hiệp định thương mại quốc tế như EVFTA hay CPTPP sẽ tiếp tục tạo áp lực buộc Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ sở hữu trí tuệ, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường lớn. Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ thương hiệu thông qua pháp luật, cần đơn giản hóa các thủ tục đăng ký và xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Quy trình nộp đơn, xét duyệt và cấp giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ cần được tinh gọn và áp dụng công nghệ số để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và các tổ chức hỗ trợ sẽ là chìa khóa để nâng cao hiệu quả bảo vệ thương hiệu trong tương lai.
Phạm Thùy Dương – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi