Dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, bên cạnh những tác động tích cực tới sự phát triển chung của toàn nhân loại, chúng cũng tiềm ẩn một số rủi ro, đặc biệt là trong việc truy cập và tham gia giao dịch trên không gian mạng. Việc lừa đảo qua không gian mạng trong thời gian gần đây đang trở nên rất phổ biến đặc biệt trong bối cảnh nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến và sử dụng dịch vụ trực tuyến nhiều hơn. Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, từ việc mạo danh ngân hàng, gửi email giả mạo đến việc tạo ra các trang web bán hàng rởm. Gần đây, hiện tượng lừa đảo bán vé concert trực tuyến đã trở thành một vấn đề nóng, khiến nhiều người hâm mộ bị thiệt hại.
Lừa đảo bán vé concert trực tuyến
Chương trình thực tế “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” và “Anh Trai Say Hi” đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ người hâm mộ. Tuy nhiên, với cơn sốt về vé mà nhu cầu vượt xa số lượng phát hành, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Cụ thể, vào ngày 14/11/2024, chị N và 1 số người bạn của chị (trú tại quận Hai Bà Trưng) đã chuyển tiền cho một đối tượng tự xưng là nhân viên trong Ban Tổ chức của chương trình, hứa hẹn bán vé cho họ. Sau khi chuyển khoản, nhóm chị N không nhận được vé như đã thỏa thuận, đối tượng này đã chặn liên lạc với họ, khiến chị N và các thành viên trong nhóm hoang mang. Khi kiểm tra, họ phát hiện rằng bài đăng rao bán vé trên các hội nhóm mạng xã hội cũng đã bị gỡ bỏ, càng làm gia tăng nghi ngờ về việc mình đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo.
Để làm rõ sự việc, nhóm chị N đã đến Công an phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng để trình báo, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Tổng số tiền mà nhóm chị N bị chiếm đoạt lên tới hơn 50 triệu đồng.
Thực trạng về lừa đảo trên không gian mạng
Lừa đảo trực tuyến là hành vi sử dụng mạng internet hoặc các công nghệ thông tin để thực hiện các thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin cá nhân hoặc gây tổn hại về mặt tài chính, tinh thần cho người khác.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang dần trở nên phổ biến với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Hiện nay, có những chiêu trò lừa đảo tuy không mới nhưng nhiều người vì tâm lý hoang mang, lo lắng, nhẹ dạ cả tin vẫn trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo với thiệt hại lên đến hàng triệu, hàng tỷ đồng. Hiện nay, một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nổi bật như: Hack tài khoản mạng xã hội, Lừa đảo trúng thưởng, Giả danh cán bộ, cơ quan chức năng, Lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử, Vay tiền online, Trao đổi hoặc trung gian mua bán trên mạng,…
Trong giai đoạn từ ngày 14.10.2024 đến 10.11.2024, hệ thống của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiếp nhận 17.679 phản ánh của người dân liên quan đến lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng tại Việt Nam. Cũng theo Cục An toàn Thông tin trong đó có 3 nhóm lừa đảo chính là: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Chia ra thành 24 hình thức lừa đảo đang được nhóm đối tượng xấu phần lớn sử dụng.
Pháp luật quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo qua mạng
Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại: Điều 174 và Điều 290.
Điều 174 của Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt sẽ bị xử lý hình sự. Mức phạt có thể là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Các trường hợp đặc biệt bao gồm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc các tội liên quan mà chưa được xóa án tích; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của nạn nhân và gia đình họ, cũng như là kỷ vật, di vật có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Điều 290 mở rộng phạm vi điều chỉnh đến tội lừa đảo qua mạng. Quy định này bao gồm các hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ thông tin, như internet và các ứng dụng trực tuyến… Những hình thức lừa đảo này có thể là mạo danh, gửi email giả mạo hoặc tạo ra các trang web bán hàng giả. Việc quy định rõ ràng về tội lừa đảo qua mạng không chỉ giúp bảo vệ người tiêu dùng mà còn khuyến khích sự phát triển của thương mại điện tử trong một môi trường an toàn và đáng tin cậy.
Như vậy, việc quy định rõ ràng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lừa đảo qua mạng trong Bộ Luật Hình sự 2015 không chỉ thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi gian dối mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong bối cảnh vụ lừa đảo bán vé concert gần đây, chúng ta thấy rõ tính cần thiết của những quy định này. Nhiều người hâm mộ đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo mạo danh, gây thiệt hại về tài chính và tinh thần. Sự xuất hiện của các hình thức lừa đảo qua mạng càng làm gia tăng lo ngại về an toàn khi tham gia giao dịch trực tuyến. Do đó, việc nâng cao nhận thức và sự cảnh giác của người tiêu dùng là rất cần thiết, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng và các nền tảng trực tuyến để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
Thách thức trong cuộc chiến chống lừa đảo trên không gian mạng
Việc ngăn chặn lừa đảo trực tuyến hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn lớn. Sự phức tạp của công nghệ, sự xuất hiện của các trang web giả mạo đặt máy chủ ở nước ngoài và việc sử dụng tài khoản ngân hàng với thông tin giả đều góp phần làm cho công tác phòng chống trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, nhiều người dùng mạng xã hội vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các rủi ro tiềm ẩn, dẫn đến tình trạng bị chiếm tài khoản hoặc mắc bẫy lừa đảo.
- Thứ nhất, sự ra đời của các công nghệ mới như tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo đang mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động lừa đảo. Những công nghệ này cho phép các đối tượng lừa đảo hoạt động ẩn danh, gây khó khăn cho việc truy vết và điều tra. Việc sử dụng công nghệ để thực hiện các giao dịch ảo còn làm tăng mức độ phức tạp của các vụ lừa đảo, khiến cho các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.
- Thứ hai, Các đối tượng lừa đảo không ngừng thay đổi và cải tiến thủ đoạn của mình, lợi dụng tâm lý con người như lòng tham và sự cả tin để thực hiện hành vi phạm tội. Những thủ đoạn này ngày càng trở nên tinh vi, từ việc sử dụng các chiêu trò hấp dẫn đến việc tạo ra các tình huống khẩn cấp nhằm lừa gạt nạn nhân. Sự phức tạp trong các phương thức lừa đảo này không chỉ làm tăng số lượng nạn nhân mà còn làm cho quá trình điều tra trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
- Thứ ba, một trong những thách thức lớn trong việc ngăn chặn lừa đảo trực tuyến là những hạn chế trong hệ thống pháp luật và quản lý. Phần lớn các vụ lừa đảo đều để lại dấu vết trên môi trường số, và việc thu thập, định giá chứng cứ điện tử đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao. Sự gia tăng nhanh chóng của các vụ lừa đảo khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, các dấu vết trong môi trường số có thể dễ dàng bị xóa mờ, trong khi lỗ hổng trong hành lang pháp lý làm cho việc xử lý không đủ sức răn đe đối với những hành vi trái pháp luật.
- Thứ tư, các tổ chức tội phạm lừa đảo thường hoạt động xuyên quốc gia, tạo ra những thách thức lớn trong việc phát hiện và bắt giữ. Sự tiện lợi của Internet cho phép các đối tượng dễ dàng ẩn mình, làm cho việc điều tra trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, sự khác biệt trong hệ thống pháp luật giữa các quốc gia cũng gây cản trở cho việc hợp tác quốc tế trong điều tra và truy tố, làm tăng thêm sự phức tạp của vấn đề này.
- Cuối cùng, một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống lừa đảo là nhận thức của người dân. Một bộ phận người dân vẫn còn thiếu kiến thức về các thủ đoạn lừa đảo, dễ dàng trở thành nạn nhân của những chiêu trò tinh vi. Tâm lý cả tin và sự hấp dẫn của những lời hứa hẹn đầy tham vọng khiến nhiều người dễ dàng bị lừa. Do đó, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về các rủi ro trong môi trường trực tuyến là rất cần thiết để giảm thiểu số lượng nạn nhân và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Giải pháp đề xuất
Một là, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các hình thức lừa đảo trực tuyến là rất quan trọng. Cần triển khai các chương trình giáo dục cộng đồng, bao gồm tổ chức hội thảo và buổi tập huấn. Các tổ chức, trường học và doanh nghiệp có thể phối hợp tổ chức các buổi hội thảo để chia sẻ thông tin về cách nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến. Nội dung có thể bao gồm các ví dụ thực tế và cách phòng tránh. Bên cạnh đó, cần phát động các chiến dịch truyền thông sử dụng các kênh truyền thông xã hội, truyền hình và radio để nâng cao nhận thức. Các video hướng dẫn, bài viết và infographic có thể giúp người tiêu dùng nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo. Cuối cùng, việc phát hành các tài liệu hướng dẫn chi tiết về cách bảo vệ thông tin cá nhân và kiểm tra tính xác thực của các trang web cũng rất cần thiết.
Hai là, các nền tảng mạng xã hội và trang thương mại điện tử cần áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng. Việc phát triển và triển khai các công nghệ tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning để phát hiện các tài khoản lừa đảo, tin nhắn giả mạo hoặc hành vi đáng ngờ là rất quan trọng. Ngoài ra, nên yêu cầu người dùng thực hiện các bước xác thực tài khoản nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như xác minh danh tính qua email, số điện thoại hoặc các tài liệu chính thức. Cũng cần có chính sách báo cáo dễ dàng, cung cấp cho người tiêu dùng các công cụ đơn giản để báo cáo các tài khoản hoặc nội dung đáng ngờ. Những báo cáo này cần được xem xét và xử lý nhanh chóng.
Ba là, doanh nghiệp tổ chức sự kiện cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để bảo vệ người tiêu dùng. Cần nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng về bất kỳ hành vi lừa đảo nào mà họ phát hiện, đồng thời cập nhật thông tin cho người tiêu dùng về các rủi ro hiện tại. Hơn nữa, tổ chức các chương trình cấp giấy chứng nhận hoặc thông báo về các sự kiện, sản phẩm chính thức để người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt giữa thông tin thật và giả là rất cần thiết. Cuối cùng, việc tạo ra một mạng lưới giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc phát hiện và ngăn chặn lừa đảo sẽ giúp tạo ra một môi trường an toàn hơn cho người tiêu dùng.
Bốn là, việc tăng cường khung pháp lý là vô cùng cần thiết. Cần xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật rõ ràng, trong đó bổ sung các điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự và Nghị định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lừa đảo trực tuyến. Các quy định này nên định rõ các hình thức lừa đảo phổ biến, như lừa đảo qua tin nhắn, tài khoản giả mạo, hoặc các hình thức lừa đảo đầu tư. Việc làm này không chỉ giúp cơ quan chức năng dễ dàng áp dụng pháp luật mà còn tạo ra một khung pháp lý thống nhất để xử lý các vụ việc. Đồng thời, cần có cơ chế theo dõi và đánh giá tính hiệu quả của các quy định này, từ đó điều chỉnh kịp thời khi phát sinh các hình thức lừa đảo mới. Việc nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng cũng là một phần quan trọng, giúp người dân nhận thức rõ ràng hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc phát hiện và ngăn chặn lừa đảo. Tất cả những nỗ lực này sẽ góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro lừa đảo. Ngoài ra, người dân có thể nhờ sự trợ giúp pháp lý của các Luật sư, chuyên viên pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Hoàng Lam – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi