Mẹ đơn thân là cụm từ dùng để chỉ những người phụ nữ tự nuôi dạy con cái của mình mà không cần sự đồng hành của người bạn đời, dù là trong trường hợp chưa kết hôn hay đã ly hôn. Đây là lựa chọn ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỉ lệ độc thân chiếm khoảng 2,5% dân số cả nước, trong đó nữ giới chiếm phần lớn với tỷ lệ 87,6% tổng số người độc thân.
Sự gia tăng số lượng mẹ đơn thân tại Việt Nam phản ánh nhiều thay đổi trong xã hội, từ nhận thức cởi mở hơn về mô hình gia đình, đến khát vọng tự do, tự chủ của phụ nữ. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn làm mẹ đơn thân.
Sự thay đổi định kiến xã hội
Các quan niệm về gia đình trong xã hội hiện nay đang trở nên cởi mở và đa dạng hơn. Làm mẹ đơn thân, vốn từng là chủ đề có nhiều tranh cãi, đã dần có cái nhìn cảm thông hơn. Việc giảm bớt định kiến đối với mô hình gia đình truyền thống đã tạo điều kiện cho phụ nữ tự do lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân mà không chịu áp lực xã hội quá lớn. Thông qua sức ảnh hưởng của truyền thông, xu hướng phụ nữ làm mẹ đơn thân ngày càng nhận được sự thấu hiểu từ người thân, bạn bè và toàn xã hội.
Gia tăng tỷ lệ người độc thân
Nhiều phụ nữ trì hoãn kết hôn vì ưu tiên sự nghiệp hoặc tự do cá nhân, dẫn đến việc họ tự mình lựa chọn trở thành mẹ đơn thân. Theo Tổng cục Thống kê, tuổi kết hôn lần đầu trung bình trên cả nước 2021 là 26,2 tuổi (cao hơn 0,5 tuổi so với năm 2020); năm 2022 là 26,9 tuổi. Tỷ lệ người độc thân tăng từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019 cho thấy sự gia tăng của những người phụ nữ trì hoãn hôn nhân hoặc không tìm được bạn đời phù hợp. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều phụ nữ trì hoãn hôn nhân để ưu tiên sự nghiệp hoặc sở thích cá nhân. Khi không tìm thấy bạn đời phù hợp, họ chọn làm mẹ đơn thân để thực hiện thiên chức làm mẹ. Do đó, ngân hàng tinh trùng trở thành một giải pháp phổ biến giúp họ đạt được mong muốn này.
Tự chủ và độc lập trong tài chính
Việc tự chủ và độc lập trong tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến quyết định trở thành bà mẹ đơn thân. Dù đã lập hay chưa lập gia đình, người phụ nữ luôn muốn tự chủ, độc lập tài chính để không phải phụ thuộc vào người khác. Bởi điều đó không chỉ tạo ra sự tự do, sự thoải mái trong đời sống của người phụ nữ mà còn khẳng định được vai trò, trách nhiệm với gia đình mình.
Theo chia sẻ của chị P. T. N rằng: “Tôi chọn đối thoại hoà bình với chồng cũ, tôi quên hết tất cả tổn thương vì tôi tin rằng việc đổ lỗi lúc đó là thừa thãi và làm khó chính mình. Kết quả cho đến giờ, tôi có một mối quan hệ mà cả hai bên vẫn hỗ trợ nhau khi cần, chứ không hằn học, trách móc. Các con chưa một lần nhìn thấy bố mẹ cãi nhau. Cuộc đời tôi không sợ gì, chỉ sợ làm tổn thương tâm hồn non nớt của con vì vấn đề cá nhân của người lớn. Lễ Tết, nghỉ hè Bố Mẹ anh vẫn mời ba mẹ con về chơi, vẫn nhắn tin hỏi thăm trao đổi tình hình thường xuyên. Gia đình “cựu” thông gia hai bên không còn thân thân thiết như trước nhưng vẫn giữ được mối quan hệ và tôn trọng”.
Từ câu chuyện của chị N, có thể thấy quyết định ly hôn không chỉ mang lại sự tự chủ về tài chính mà còn giúp chị xây dựng cuộc sống độc lập hơn. Chị đã tìm lại được sự tự do trong việc làm những điều mình thích, đi những nơi mình muốn mà không còn phải chịu đựng sự kiểm soát hay sắc mặt của người chồng. Đây là minh chứng, ly hôn không nhất thiết phải là sự đổ vỡ mà còn có thể là bước khởi đầu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, miễn là cách ứng xử giữa hai bên được xây dựng dựa trên sự văn minh và tôn trọng.
Những trường hợp tiêu cực xảy ra trong hôn nhân
Thực tế, nhiều mâu thuẫn trong hôn nhân khiến phụ nữ thường rơi vào thế yếu, đặc biệt khi phải đối mặt với cãi vã hay thậm chí bạo hành từ người chồng. Những trải nghiệm không mấy tốt đẹp trong mối quan hệ vợ chồng khiến họ mất niềm tin vào tình yêu dẫn đến không muốn tiếp tục gắn bó với bạn đời. Tuy nhiên, thiên chức làm mẹ vẫn luôn hiện hữu, thúc đẩy họ tìm cách xây dựng một gia đình theo cách riêng.
Có những người phụ nữ lựa chọn ly hôn hoặc chia tay vì bạo lực gia đình, sự không chung thủy hoặc những mâu thuẫn không thể giải quyết. Điều này dẫn đến xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân, nơi họ có thể độc lập tài chính, nuôi dạy con cái và sống tự do mà không phải chịu sự kiểm soát của chồng. Với những trường hợp này, họ không chỉ tự đứng lên bảo vệ bản thân mà còn tạo dựng một môi trường tốt hơn cho con cái, dù niềm tin vào tình yêu đôi khi đã phai nhạt.
Tránh xung đột trong việc nuôi dạy con
Mẹ đơn thân có quyền kiểm soát hoàn toàn mọi thứ liên quan đến việc nuôi dạy con mà không phải đối mặt với những bất đồng từ bạn đời của mình. Một số phụ nữ tin rằng việc làm mẹ đơn thân có thể tạo ra một môi trường yên bình hơn cho con cái, tránh khỏi các mâu thuẫn trong gia đình. Đặc biệt, có trường hợp ‘cố giữ hôn nhân vì con’, dẫn đến việc ảnh hưởng rất nhiều trong việc nuôi dạy con trẻ. Theo PGS. TS Sylvia L.Mikucki-Enyart, chuyên gia hôn nhân- gia đình, biên tập viên tạp chí Truyền thông Gia đình, Mỹ cho biết khi mới bắt đầu giảng dạy, bà từng thấy sinh viên đến trường vào ngày nghỉ vì muốn chạy trốn khỏi bầu không khí của một gia đình “bố mẹ sắp ly hôn”. Bà nhận thấy thường thì những đứa con đã trưởng thành tức giận vì phải chờ đợi rất lâu cha mẹ ly hôn. Bà chỉ ra ba vấn đề đối với những đứa con như: Thứ nhất, trẻ trong gia đình có đủ bố mẹ nhưng nhiều xung đột thường thấy mình phải chịu đựng cảm giác mắc kẹt; thứ hai, trẻ phải trưởng thành sớm hơn, một đứa trẻ được nuôi dạy như vậy sẽ chịu tác động tiêu cực lâu dài, dẫn đến thiếu khả năng điều tiết cảm xúc, gián đoạn mối quan hệ với bạn bè và trầm cảm; thứ ba, không hiểu gia đình hạnh phúc thế nào. Như vậy, việc xung đột trong việc nuôi dạy con là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trẻ.
Việc làm mẹ đơn thân là một lựa chọn cá nhân dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, từ hoàn cảnh cá nhân, khả năng tài chính, cho đến mong muốn về gia đình. Quan trọng nhất, quyết định này thể hiện quyền tự chủ và sự dũng cảm của phụ nữ trong việc xây dựng cuộc sống mà họ mong muốn, đồng thời đòi hỏi sự hỗ trợ từ xã hội để đảm bảo họ và con cái được sống trong môi trường an toàn và bình đẳng.
Mang thai ngoài ý muốn khi chưa kết hôn
Mặc dù ở Việt Nam mở cửa hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ, nhưng vẫn còn tồn đọng một số tư tưởng truyền thống. Những người phụ nữ có bầu mà không lập gia đình dễ bị coi thường bởi những người xung quanh. Tư tưởng này không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn tồn tại ở các quốc gia khác như Nhật Bản. Theo luật pháp Nhật Bản, phụ nữ không được phép phá thai sau tuần thứ 22 của thai kỳ và cần sự đồng ý của đối tác, có thể là người yêu hoặc chồng để tiến hành thủ tục. Điều này khiến người phụ nữ Nhật Bản trở lên khó khăn hơn trong việc quyết định, đưa ra sự lựa chọn của mình, người phụ nữ đó bất đắc dĩ trở thành bà mẹ đơn thân. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc phá thai, nên phụ nữ Việt Nam vẫn được quyền tự do đưa ra quyết định của mình. Do đó, quan điểm đối với khái niệm “mẹ đơn thân” ngày càng trở nên quen thuộc hơn, dẫn đến việc lựa chọn trở thành mẹ đơn thân của người phụ nữ Việt Nam trở nên bình thường hóa hơn.
Nhìn chung, lựa chọn làm mẹ đơn thân hiện nay xuất phát từ nhiều yếu tố như hoàn cảnh cá nhân, khả năng tài chính và mong muốn tự do xây dựng gia đình. Sự ổn định kinh tế, an sinh xã hội phát triển, và pháp luật ngày càng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các bà mẹ đơn thân đã tạo điều kiện cho họ tự chủ trong việc nuôi con mà không phụ thuộc.
Tuy nhiên, số lượng mẹ đơn thân ngày càng gia tăng cũng dẫn đến một số hệ lụy như sau
- Gia tăng gánh nặng an sinh xã hội: Số lượng mẹ đơn thân tăng lên có thể làm tăng nhu cầu hỗ trợ từ hệ thống an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp tài chính và các dịch vụ y tế, giáo dục. Theo Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, thì người mẹ đơn thân để được nhận trợ cấp phải nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất, sẽ được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Theo đó, thì số lượng mẹ đơn thân tăng lên thì đồng nghĩa với hỗ trợ từ hệ thống an sinh xã hội cũng tăng, trong đó bao gồm cả trợ cấp tài chính và các dịch vụ y tế, giáo dục.
- Tác động đến quan niệm gia đình: Việc gia tăng các gia đình mẹ đơn thân có thể làm thay đổi quan niệm truyền thống về gia đình, ảnh hưởng đến sự ổn định của các giá trị gia đình trong xã hội.
- Nguy cơ tái diễn vòng lặp xã hội: Trẻ em từ các gia đình mẹ đơn thân có thể gặp khó khăn hơn trong việc phát triển toàn diện, dẫn đến nguy cơ gặp phải các vấn đề tương tự khi trưởng thành, như thiếu hụt giáo dục hoặc khó khăn trong các mối quan hệ.
So với thế hệ trước, phụ nữ hiện đại có nhiều điều kiện để phát triển bản thân nên giỏi giang hơn, có thể tự chủ về mọi thứ trong cuộc sống, tuy nhiên, thực tế cho thấy dù xã hội phát triển đến đâu thì vai trò của mỗi người không thể thay đổi. Theo các chuyên gia tâm lý, quốc gia nào cũng lo ngại về hiện tượng mẹ đơn thân, việc xuất hiện các loại hình gia đình mới đặt ra những thách thức đối với việc giữ gìn những giá trị của gia đình Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.
Một số đề xuất giảm thiểu các nguyên nhân tiêu cực dẫn đến làm mẹ đơn thân
Dù ở hoàn cảnh nào họ cũng là người phụ nữ thiệt thòi. Đối với những phụ nữ tự lựa chọn cuộc sống đơn thân, cho dù trước mắt họ cảm thấy ổn định và hài lòng với cuộc sống, nhưng khi ốm đau, khi tuổi già đến, nỗi hiu quạnh sẽ xâm chiếm, bao vây lấy họ. Dưới đây là một số đề xuất nhằm giảm thiểu các nguyên nhân tiêu cực dẫn đến làm mẹ đơn thân:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa đối với tình trạng gia tăng tỷ lệ người độc thân. Hiện nay, người độc thân được coi là “căn bệnh nan y” của thời đại mới. Các bác sĩ phụ khoa đưa ra một kết luận: “Những phụ nữ độc thân thường hay bị rối loạn chu kì kinh và hay đau ngực. Sự cô đơn càng làm tăng thêm mức độ stress ở họ”. Có thể thấy rằng, có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đời sống của người phụ nữ, đặc biệt điều này ảnh hưởng đến xu hướng ngày càng gia tăng người phụ nữ độc thân.
Thứ hai, cần tiến hành xây dựng các mô hình tiêu biểu, điển hình để tránh những trường hợp tiêu cực xảy ra trong hôn nhân. Như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nicholson). Việc duy trì một cuộc hôn nhân hòa nhã không phải dễ dàng, nên mỗi gia đình cần phải làm gương cho các gia đình khác, duy trì các mô hình gia đình tiêu biểu, điển hình mà xã hội luôn hướng tới, chẳng hạn như mô hình “xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, nói không với “bạo lực gia đình” được diễn ra tại ấp Lò Rèn, xã Tân Thuận, huyện Vĩnh Thuận, chị Nguyễn Thị Út Hiền là chủ nhiệm mô hình này.
Thứ ba, mỗi gia đình trước khi đưa ra quyết định trở thành người cha, người mẹ, thì cần cần tìm hiểu các phương pháp nuôi dạy con khoa học để tránh xung đột trong việc nuôi dạy con, cần nâng cao trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Một vấn đề được xem là “không có gì to tát” có thể lại là chuyện nghiêm trọng với người kia. Xung đột giữa cha mẹ trong phong cách nuôi dạy con là vấn đề không thể thiếu trong mỗi gia đình. Việc tham gia vào quá trình thấu cảm, để các thành viên trong gia đình hiểu nhau là điều cần thiết để duy trì mối quan hệ trong gia đình, tránh trường hợp diễn ra xung đột khi nuôi dạy con.
Hiện nay, số lượng phụ nữ trở thành mẹ đơn thân ngày càng tăng, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu do Văn phòng luật sư Đồng Đội đưa ra, từ đó thấy rõ những hậu quả và một số biện pháp nhằm hạn chế hiện tượng ngày càng gia tăng số lượng phụ nữ trở thành mẹ đơn thân. Mặc dù làm mẹ đơn thân mang lại sự tự do và chủ động cho phụ nữ, nhưng để giảm thiểu hậu quả tiêu cực, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ gia đình, cộng đồng và nhà nước.
Trần Ly – Thực tập sinh Văn phòng luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi