Bán hàng trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội đang trở thành một làn sóng kinh doanh sôi động trong thời gian gần đây. Riêng tại Việt Nam, ước tính trung bình mỗi tháng có 2,5 triệu phiên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Nhận thấy lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn, nhiều người nổi tiếng cũng không đứng ngoài cuộc. Họ tích cực tham gia livestream, đại diện cho các nhãn hàng để giới thiệu sản phẩm, tận dụng sức ảnh hưởng và uy tín cá nhân nhằm thu hút người xem và đẩy mạnh doanh thu sản phẩm.
Cũng chính bởi lợi nhuận khổng lồ mà các phiên livestream bán hàng có thể mang lại, không ít người nổi tiếng sẵn sàng đánh cược danh dự của bản thân, bất chấp hậu quả mà quảng cáo sai sự thật. Vào tối ngày 04/04/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả đối với sản phẩm “Kẹo Kera” của Công ty Asia Life, tiến hành tạm giam hai KOLs nổi tiếng là Quang Linh và Hằng Du Mục.
Hình ảnh quảng bá cho sản phẩm “Kẹo Kera”
Nhiều người tỏ ra bất ngờ với quyết định này của Cơ quan Cảnh sát điều tra bởi đã từng có rất nhiều vụ việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trước đây nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Vậy điều gì đã khiến cơ quan chức năng quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ việc lần này? Liệu quyết định ấy có thực sự phù hợp không?
Giải đáp cho câu hỏi này, vào ngày 07/04/2025, Luật sư Trần Xuân Tiền đã có buổi phỏng vấn với Đài Truyền hình Hà Nội về vụ việc khởi tố hai cá nhân nổi tiếng là Quang Linh và Hằng Du Mục. Theo Luật sư, vụ việc lần này tuy có vẻ giống như những trường hợp quảng cáo sai sự thật của người nổi tiếng trước kia, tuy nhiên có một số điểm khác biệt làm tăng mức độ nghiêm trọng cho vụ việc.
Luật sư Trần Xuân Tiền trong buổi phóng sự tối ngày 07/04 của đài THHN
Trước đây, nhiều vụ việc quảng cáo sai sự thật chỉ bị xử phạt hành chính do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Thực tế, Quang Linh không chỉ quảng cáo sai sự thật bằng cách tự ý nâng giá trị sản phẩm một cách bất chính để kiếm lợi, anh còn tham gia quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối sản phẩm với tư cách là một thành viên cốt cán trong Hội đồng quản trị của Công ty Tập đoàn Chị em Rọt. Theo luật, chỉ cần có hành vi sản xuất ra hoặc buôn bán hàng giả là đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm, không đòi hỏi hậu quả thực tế xảy ra. Như vậy, Quang Linh và Hằng Du Mục phải đối diện với hai tội danh: tội sản xuất hàng giả và tội lừa dối khách hàng.
Một phiên livestream bán hàng của Quang Linh và Hằng Du Mục
Mặc dù hành vi quảng cáo sai sự thật đã được quy định rõ trong pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại không ít khoảng trống pháp lý. Nhiều trường hợp vi phạm chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền bởi chưa chứng minh được hậu quả nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Vụ việc lần này có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người nổi tiếng – họ cần ý thức rõ trách nhiệm pháp lý gắn liền với lời nói và hành động của mình khi tham gia livestream bán hàng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Mời Quý thính giả cùng lắng nghe thêm về toàn cảnh vụ việc cùng những chia sẻ của luật sư Trần Xuân Tiền trong buổi phỏng vấn với đài Truyền hình Hà Nội:
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi