Công cuộc tinh giản biên chế đang diễn ra ở các cơ quan Nhà nước dẫn đến nguy cơ nhiều công nhân, viên chức đối diện với tình trạng thất nghiệp. Thêm vào đó, do tình trạng căng thẳng của các cuộc chiến thương mại quốc tế, giá cả vật tư leo thang khiến cuộc sống mưu sinh càng thêm khó khăn với những người nhận mức lương cơ bản.
Trước thực trạng này, người lao động nên có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, cân nhắc chuyển đổi công việc để tìm kiếm thêm cơ hội việc làm, đặc biệt đối với những ai đang làm công nhân viên chức Nhà nước.
(ảnh minh họa)
1.Chuyển nghề là quá trình thay đổi suy nghĩ và hành động
Muốn chuyển nghề thành công, trước hết phải có kiến thức nền tảng. Kiến thức ở đây bao gồm cả những lý thuyết sách vở được giảng dạy trên ghế nhà trường và những kinh nghiệm sống tự rút ra từ thực tiễn. Trong cuộc sống, đôi những kiến thức tưởng chừng không cần thiết lại là thứ giúp ta trở nên đặc biệt và có lợi thế khi đổi nghề.
Kế tiếp là kiên trì và kỷ luật. Bạn sẽ phải bắt đầu lại từ con số 0 – ít nhất là về kinh nghiệm, mối quan hệ, hoặc độ nhận diện so với những người trong nghề. Nhiều người bỏ cuộc ở giai đoạn này, không phải vì họ không giỏi, mà vì họ không chịu nổi việc tạm thời “xuống cấp” so với vị trí cũ. Vì vậy, phải có tinh thần làm việc kiên trì, bắt đầu học lại từ những công việc nhỏ nhất.
Đầu tư tiền bạc, thời gian, trí lực vào nghề nghiệp của mình là yếu tố không thể thiếu. Đầu tư bằng tiền để học lại từ đầu, để tham gia các khóa đào tạo bài bản, để mua công cụ, tài liệu, phần mềm – thậm chí là để thử và sai. Đầu tư bằng thời gian – nghĩa là bỏ thói quen “rảnh rỗi”, dành từng giờ mỗi ngày để nâng cấp kỹ năng, để đọc, để luyện tập, để quan sát thị trường. Và trên hết, đầu tư bằng trí lực – tức là dồn hết tâm trí, sự tập trung và lòng tự trọng nghề nghiệp vào việc mình làm.
Cần đầu tư nhiều thời gian và công sức vào công việc mới (ảnh minh họa)
Tiếp theo là xây dựng thương hiệu cá nhân. Trong thời đại này, bạn không thể chỉ giỏi mà ngồi im một chỗ đợi người khác phát hiện ra mình. Bạn cần chủ động chia sẻ, xây dựng hình ảnh cá nhân, kể câu chuyện của mình, thể hiện phong cách làm việc và giá trị cốt lõi. Từng bài viết, từng dự án, từng lời phản hồi của khách hàng, tất cả đều là những viên gạch xây nên thương hiệu cá nhân của mình.
Cuối cùng, đừng ảo tưởng vào cái gọi là “ổn định suốt đời”. Hãy luôn sẵn sàng với tâm thế có thể bị đào thải bất cứ lúc nào – chỉ như thế bạn mới không ngã ngửa khi cuộc chơi thay đổi.
2.Chia sẻ Luật sư: Hai quyết định lớn và một hành trình lột xác
Với cương vị là một người đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề Luật sư và là Trưởng VPLS Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tôi – luật sư Trần Xuân Tiền – muốn chia sẻ với bạn đọc những trải nghiệm cá nhân của mình khi quyết định thay đổi công việc.
Hành trình gắn bó với nghề luật của Luật sư Trần Xuân Tiền
Tôi có hai quyết định lớn trong cuộc đời nghề nghiệp của mình. Quyết định đầu tiên đến khi tôi 29 tuổi, đang là thiếu tá quân đội, công tác tại Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1 – vị trí ổn định, gần nhà, có xe đưa đón, được trọng vọng. Nói cách khác, nếu chỉ chọn “an toàn” và tiếp tục làm việc thì tôi sẽ cứ thế mà thăng tiến.
Nhưng tôi có một khát vọng khác chứ không muốn chỉ đứng mãi trong vùng an toàn. Thời điểm đó, ngành thi hành án dân sự mới tách ra, thiếu người trầm trọng, và tôi đã quyết định xin rời quân đội để về làm trưởng thi hành án huyện Hoa Lư. Một quyết định nhanh, đầy rủi ro, và không dễ, nhưng là bước đầu tiên trong hành trình thay đổi số phận.
Bước ra khỏi quân đội, tôi gần như phải làm lại từ đầu. Không còn bộ quân phục oai phong, không còn sự bảo bọc của hệ thống – thay vào đó là những thử thách mới lạ với một người mới vào nghề. Tôi phải thử những việc mà mình chưa từng được học trước đó: báo cáo trước hội đồng nhân dân, làm quen với người dân địa phương, học cách đứng vững bằng chính năng lực và sự thích nghi. Nhưng càng khó, tôi càng lỳ.
Và rồi sau 15 năm làm thủ trưởng thi hành án, tôi lại quyết định rẽ hướng một lần nữa – ra Hà Nội làm luật sư ở tuổi 45. Đó là quyết định đổi nghề quan trọng thứ hai trong cuộc đời tôi, và chính công việc này cũng gắn bó với tôi đến tận ngày nay.
Ban đầu, tôi nghĩ nghề luật sư sẽ nhẹ nhàng hơn, cho đến khi bước vào thực tế và thấy: chẳng có gì dễ, nhất là khi phải gây dựng lại từ con số 0. Tôi đã đặt mình vào thế không còn lựa chọn. Một là phải làm cho ra hồn, hai là thất bại với lựa chọn của mình, bị chê cười, bị thương hại, thậm chí không đủ khả năng lo cho con cái.
Tôi hiểu rất rõ: nếu mình không thành công, gia đình sẽ là người chịu trận đầu tiên. Không ai nuôi giúp con mình, không ai trả hộ tiền học, không ai chịu thay cho mình khi thất bại. Không có đường lùi – chỉ có tiến lên. Khi dấn thân đến mức đó rồi, tôi không cho phép mình chậm trễ, không cho phép mình viện cớ, và cũng không cho phép mình yếu đuối.
17 năm kể từ ngày rời Ninh Bình ra Hà Nội, tôi thấy mình đúng: thành công không phải nhờ may mắn, mà nhờ dám quyết, dám đánh đổi, dám chịu trách nhiệm. Và như vậy, đối với những ai đang làm công nhân viên chức Nhà nước có ý định đổi hướng làm việc tư nhân, lời khuyên dành cho bạn đó là hãy kiên trì và dứt khoát với quyết định của mình. Hãy thay đổi, hãy đầu tư, hãy quyết liệt và hãy đóng góp cuộc đời mình cho cái đất nước này, cho xã hội này.
Thay đổi bản thân cũng là để đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước (ảnh minh họa)
Khi đã có công việc ổn định trong thời gian dài, ta sẽ cảm thấy khó khăn nếu đột ngột dừng làm công việc đã gắn bó nhiều năm. Tuy nhiên trong thời đại biến động ngày nay, việc thay đổi là cần thiết và bắt buộc nếu không muốn bị lạc hậu với xu thế chung.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi