Kể từ đầu thập niên 1990 – thời điểm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, chuyển mình mạnh mẽ trên con đường hội nhập và phát triển – việc ban hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 được xem là một bước đi phù hợp với xu thế chuyên nghiệp hóa các thiết chế tư pháp. Trong dòng chảy ấy, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) chính thức được tách khỏi hệ thống Tòa án nhân dân, chuyển về Bộ Tư pháp quản lý với kỳ vọng tạo lập một thiết chế độc lập, chuyên trách, góp phần thực thi công lý một cách hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, sau hơn ba thập kỷ đồng hành cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mô hình tổ chức này đã bộc lộ không ít hạn chế: thiếu gắn kết với cơ quan xét xử, khó khăn trong phối hợp, hiệu quả thi hành án chưa cao – từ đó tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người dân và niềm tin vào công lý.
Dưới đây là một vài quan điểm cá nhân của luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, chỉ ra về những mặt tích cực của việc sắp xếp cơ quan THADS trở lại Tòa án.
- Một số vấn đề về cơ cấu tổ chức của cơ quan thi hành án dân sự
Cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) từng là một bộ phận thuộc Tòa án nhân dân, nhưng đến năm 1993, theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự, cơ quan này được tách ra và chuyển về Bộ Tư pháp quản lý. Mục tiêu của việc tách biệt là chuyên môn hóa và nâng cao hiệu quả thi hành án. Sau hơn 30 năm vận hành, mô hình này đang bộc lộ nhiều bất cập về tổ chức, phối hợp và thực thi trách nhiệm. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến từ lý luận đến thực tiễn đề xuất sáp nhập trở lại cơ quan THADS vào Tòa án nhân dân nhằm khắc phục những hạn chế kéo dài và đảm bảo tính thống nhất trong thực thi công lý.
Cơ quan Thi hành án dân sự hiện gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn. Việc phối hợp giữa THADS với các cơ quan như công an, chính quyền địa phương thường không hiệu quả, nhất là trong tổ chức cưỡng chế. Nhiều bản án tuyên thiếu rõ ràng hoặc sai lệch thực tế khiến việc thi hành gặp khó khăn, nhưng cơ quan THADS lại không có thẩm quyền điều chỉnh.
Bên cạnh đó, vị thế pháp lý của THADS còn hạn chế, khó tạo sức nặng khi xử lý vụ việc phức tạp. Tổ chức bộ máy phân tầng qua ba cấp khiến chỉ đạo bị chậm, tăng chi phí vận hành. Sự đứt gãy giữa xét xử và thi hành còn tạo ra khoảng trống trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi công lý và niềm tin của người dân.
2. Đề xuất một số ý kiến trong việc sắp xếp lại tổ chức cơ quan thi hành án dân sự
Theo quan điểm cá nhân, việc sáp nhập cơ quan THADS trở lại với TAND là một việc làm cần thiết đảm bảo cho việc xây dựng một nền tư pháp mới trong kỷ nguyên mới của dân tộc bởi một số lẽ sau:
Thứ nhất, đảm bảo việc thi hành án là một phần tiếp nối của bản án, cần có sự liền mạch trong thực thi công lý
Trong nền tư pháp hiện đại, xét xử và thi hành án không thể bị xem là hai khâu tách biệt về trách nhiệm. Việc tuyên một bản án chỉ là khởi đầu của công lý, còn việc bản án đó được thực hiện đến cùng mới là minh chứng cho công lý thực chất.
Khi Tòa án tuyên xong, nhưng cơ quan khác lại chịu trách nhiệm tổ chức thi hành, sẽ dễ dẫn đến đứt gãy thông tin, trách nhiệm và cả quyết tâm chính trị trong bảo vệ quyền lợi người dân. Nếu việc thi hành các bản án do chính Tòa án – cơ quan đã hiểu rõ hồ sơ, hoàn cảnh và tính chất vụ án – trực tiếp tổ chức thi hành, thì sự nối mạch giữa “quyết định pháp lý” và “hành động thực tiễn” sẽ liền mạch hơn, hạn chế tình trạng án tuyên mà không ai thi hành được, hoặc thi hành sai ý chí xét xử.
Lấy đơn cử tại Bình Định, thống kê của ba ngành Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự và Tòa án, toàn tỉnh có 28 vụ việc bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án dân sự.
Trong đó, án dân sự chiếm 46,4% và án hôn nhân gia đình chiếm 14,2%. Như vậy, có thể thấy việc hiểu rõ bản án của Tòa án cũng là một yếu tố quan trọng đảm bảo việc thi hành án được thực thi thuận lợi, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự; mà đối với việc này thì Tòa án thực hiện việc thi hành án là hợp lý.
Thứ hai, Tòa án có địa vị pháp lý, vị thế và uy tín cao hơn nên đảm bảo trong công tác phối hợp liên ngành được thuận lợi
Trong Hiến pháp, các luật và các văn bản pháp lý khác đều khẳng định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.”; “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý…”; “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.”; “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá.”.
Như vậy các cơ sở pháp lý trên đều khẳng định Tòa án là cơ quan trung tâm trong hệ thống tố tụng, có Chánh án giữ vai trò lãnh đạo chính trị – pháp lý đối với các cơ quan cùng cấp, trong khi Chi cục THADS chỉ là đơn vị ngành dọc, thiếu thực quyền. Khi Tòa chịu trách nhiệm thi hành án, việc phối hợp với Công an, chính quyền địa phương, Viện kiểm sát… sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Thứ ba, giảm đầu mối trung gian, tiết kiệm ngân sách, tinh giản bộ máy
Một trong những nội dung cốt lõi của cải cách bộ máy hành chính hiện nay là giảm tầng nấc trung gian, giảm chi phí gián tiếp để tăng chi phí trực tiếp cho dân. Hiện tại, hệ thống THADS đang vận hành theo mô hình 3 tầng (Tổng cục – Cục – Chi cục), tạo ra một bộ máy hành chính đồ sộ, phát sinh chi phí hành chính – hậu cần rất lớn.
Nếu chuyển mảng thi hành án về cho Tòa án – nơi đã có đầy đủ bộ phận văn phòng, kế toán, hành chính – thì có thể giảm trùng lặp chức năng, tiết kiệm ngân sách mà vẫn đảm bảo hiệu quả công vụ. Mặt khác, sáp nhập cũng là dịp để sắp xếp lại tổ chức, bố trí cán bộ phù hợp năng lực, tránh phân tán nguồn nhân lực yếu ở cấp cơ sở.
Thứ tư, chuyển giao thi hành án dân sự về cho tòa án sẽ nâng cao trách nhiệm xét xử của thẩm phán
Khi chuyển giao thi hành án dân sự về cho tòa án đồng nghĩa với việc tòa án vừa đảm bảo hợp tình, hợp lý trong bản án, vừa đảm bảo bản án được thi hành đúng pháp luật. Vì thế, nếu tòa án chỉ tuyên án mà không chịu trách nhiệm với hiệu quả thi hành, thì rất dễ rơi vào tình trạng “tuyên đúng quy trình nhưng sai thực tế” (xảy ra chủ yếu trong các vụ án chia tài sản, tranh chấp đất đai, nghĩa vụ tài chính… ).
Nếu bản án được viết ra mà không dự đoán trước khả năng thi hành, thì có thể khiến người dân khiếu kiện kéo dài hoặc mất niềm tin vào pháp luật. Khi giao cho Tòa án quyền thi hành, thì chính thẩm phán sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn: liệu bản án mình tuyên có đủ rõ? Có thực hiện được không? Có mâu thuẫn thực tiễn nào sẽ phát sinh? Như vậy, chính việc gắn trách nhiệm thi hành sẽ nâng cao chất lượng tư duy xét xử – vừa giảm khiếu nại, vừa rút ngắn thời gian giải quyết sau bản án.
Thứ năm, khắc phục lo ngại tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Lo ngại lớn nhất khi đề xuất trao lại thi hành án cho Tòa án là nguy cơ “tự làm – tự kiểm soát”, dẫn đến thiếu khách quan. Tuy nhiên, trong thực tiễn pháp lý hiện đại, không phải cứ giao hai chức năng cho một cơ quan là đồng nghĩa với lạm quyền – nếu thiết kế được hệ thống kiểm tra và giám sát hợp lý. Tại Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiểm sát hoạt động thi hành án.
Người dân có quyền khiếu nại, báo chí có quyền phản ánh, và Thanh tra – Kiểm toán nhà nước có thể kiểm tra tài chính bất kỳ lúc nào. Quan trọng hơn, nếu thiết kế nội bộ hợp lý (ví dụ: một Phó Chánh án phụ trách THA độc lập với Hội đồng xét xử), thì sẽ không có xung đột chức năng. Do đó, lo ngại “vừa đá bóng vừa thổi còi” có thể được kiểm soát với bộ máy nhà nước hiện tại của Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tiễn việc sáp nhập trở lại hay không lại có những quan điểm trái chiều: như sự đồng tình của cán bộ, chấp hành viên của cơ quan THADS khi được trở về Tòa án sẽ tăng quyền lực và hiệu quả thi hành; lãnh đạo một số cơ quan THADS còn e dè, tiếc nuối khi trở về Tòa án; phía cơ quan Tòa án đôi khi lại cảm thấy áp lực, công việc nặng nề hơn dẫn đến lo sợ ảnh hưởng đến công tác xét xử.
Do đó, việc sáp nhập cơ quan THADS vào hệ thống TAND là một vấn đề phức tạp, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tính hiệu quả, khách quan và phù hợp với định hướng cải cách tư pháp. Cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cán bộ thực tiễn để đưa ra giải pháp tối ưu cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi