Tôi còn nhớ, khi còn làm việc trong Nhà nước với cương vị Thủ trưởng một cơ quan Thi hành án cấp huyện suốt 15 năm, tôi rất ngại viết. Các báo cáo năm, báo cáo trước Hội đồng nhân dân… phần lớn đều dựa vào báo cáo của năm trước, sửa đổi đôi chút rồi dùng tiếp.
Nhưng khi rời Nhà nước để hành nghề luật sư – ở cái tuổi mà già thì chưa hẳn, còn trẻ thì chắc chắn là không – tôi hiểu rằng nếu không thay đổi thì sẽ “chết”, vì ai biết mình là ai, làm gì mà thuê, mà nhờ? Cái khó ló cái khôn, tôi quyết tâm học viết, rèn luyện kỹ năng viết. Ban đầu tôi không quen gõ máy nên viết tay, mà chữ lại cực xấu do thói quen tốc ký. Viết xong mà chính mình còn đọc không ra, nghĩ đến các bạn phải đánh máy và biên tập lại, tôi thật sự rất thương.
Lúc đó, tôi mạnh dạn gửi bài cho Bản tin của Cục Trợ giúp pháp lý – nơi đầu tiên tôi dám “gõ cửa”. Thật bất ngờ, bài nào cũng được đăng, được khen, được nhuận bút… Điều đó tiếp thêm cho tôi niềm vui và sự tự tin.
Rồi tôi bắt đầu viết gửi cho các báo, các tạp chí của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội – và may mắn là đều được đón nhận. Họ khen tôi có “giọng viết” mộc mạc, chân thật, và đặc biệt là không sao chép. Càng đi, càng viết, tôi lại càng thích, càng đam mê. Mỗi ngày, mỗi sự kiện đều thành một mạch cảm xúc để tôi viết như thể đang nói chuyện.
Tôi đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh của mình thông qua trang web của Văn phòng Luật sư Đồng Đội – https://dongdoilaw.vn. Sau 15 năm dày công gây dựng, giờ đây, hàng chục triệu lượt người đã biết đến, ghé đọc, có người đọc đến tận sáng (nhiều bạn còn nhắn tin cho tôi như thế). Website ấy là “đứa con tinh thần” của tôi – và hiện tại, tôi truyền lửa đam mê viết cho các nhân viên của mình. Tôi gợi ý chủ đề, họ viết, nhiều bài viết còn được các báo, tạp chí xin đăng lại.
Tôi vẫn nhớ câu nói của một người bạn – nguyên là phóng viên Báo Ninh Bình, sau chuyển công tác làm Phó Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nam:
“Viết không khó, khó là tìm ra chủ đề.”
Lúc đó tôi chỉ mới “mon men” viết, nên không cự lại, nhưng trong lòng vẫn thắc mắc: “Viết hay thì khó chứ đâu dễ?”
Nhiều năm tháng sau, tôi mới hiểu: đó là câu nói của những phóng viên giỏi, những người thực sự đam mê nghề viết. Chính vì thế, tôi luôn chủ động tư duy tìm kiếm chủ đề – cho mình, cho nhân viên, cho sinh viên – để cùng nhau viết, cùng nhau trưởng thành. Từ một người ngại viết, đến chỗ phải viết, rồi thích viết, đam mê viết, và giờ đây nếu một ngày không viết gì, tôi lại thấy như chưa trọn vẹn một ngày…
Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng: hãy thử đi! Viết không dễ – nhưng nếu viết tốt, bạn sẽ nói tốt, bạn sẽ có giá trị riêng, sẽ đóng góp được nhiều hơn. Và không có sếp nào lại không quý những nhân viên biết viết, có thể hỗ trợ mình trong những lúc cần kíp.
Chúc các bạn thành công trên hành trình viết của mình!