Thời đại mới yêu cầu người hành nghề luật phải có những phẩm chất luật sư mới để bắt kịp với sự biến động không ngừng của tình hình xã hội và nhu cầu thực tiễn. Đó là tinh thần học hỏi và dám dấn thân vào những thách thức được đặt ra trước mắt, đi cùng với đó là bảo vệ phẩm chất đạo đức truyền thống vốn có của nghề luật.
Hoạt động pháp luật là một ngành nghề đặc thù trong xã hội. Làm luật không chỉ đơn giản là đọc luật, biên soạn hồ sơ hay làm việc bàn giấy mà còn trực tiếp đối diện với biến động của xã hội, nắm bắt những biến hóa tinh vi nhất của pháp luật nói riêng và thời đại nói chung. Dù hay bị hiểu nhầm là một công việc có tính chất khô khan, song thực tế luật sư lại là công việc đòi hỏi sự sáng tạo, nhạy bén và năng động.
1, Luôn học hỏi, dám nhận sai và sửa sai
Ở Việt Nam, để được chính thức hành nghề luật sư cần trải qua một thời gian học tập và thực tập kéo dài khoảng 5 đến 6 năm, bao gồm 4 năm đại học và 1 đến 2 năm thực hành và thi hành nghề luật sư. Mặc dù vậy, ngay cả khi đã được cấp chứng chỉ hành nghề và có đủ tư cách để hành nghề luật sư, người học luật vẫn phải mất thêm nhiều năm hoạt động trong ngành để tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội.
Thời gian đào tạo luật có thể kéo dài đến 6 năm (ảnh minh họa)
Pháp luật thay đổi liên tục, đời sống xã hội luôn vận động, đòi hỏi người luật sư luôn phải trải qua quá trình tự làm mới vốn kiến thức của bản thân. Bối cảnh thực tiễn luôn có ảnh hưởng lớn đến hoạt động pháp lý, luật sư không chỉ chú ý đến những thông tin mới về thông tư, nghị định, sửa đổi,… mà còn phải quan tâm đến các sự kiện đang gây xôn xao dư luận, từ đó kịp thời đưa ra các bình luận và ý kiến pháp lý liên quan.
Trong một số trường hợp bị thiếu hụt thông tin, những tình tiết phức tạp diễn ra trong các vụ việc có thể khiến luật sư nhận thức sai sót và đưa ra các quyết định không phù hợp, ảnh hưởng đến quá trình hành nghề. Khi ấy, người làm luật không được né tránh hay thoái thác trách nhiệm mà phải biết nhìn thẳng vào lỗi lầm của mình, nhận sai, sửa sai và học lại từ đầu. Bởi sai lầm không phải là biểu hiện của sự yếu kém, đó là thử thách người luật sư phải đối mặt và vượt qua
2, Bản lĩnh để đối mặt với bất công và thử thách
Ngành luật, với vai trò quan trọng trong việc duy trì công bằng và trật tự trong xã hội, đóng một vai trò không thể phủ nhận trong hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Những người làm nghề luật không chỉ là những người đại diện cho quyền lợi và nghệ thuật của pháp luật, mà còn đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và duy trì hệ thống chính trị và kinh tế.
Mỗi vụ việc, án lệ được ủy thác cho luật sư đều chứa những câu chuyện, những hoàn cảnh bất công chưa được pháp luật giải quyết. Trong suốt thời gian hành nghề luật, người làm luật sẽ bắt gặp những vụ oan sai, phán quyết chưa công bằng cần được tư vấn pháp lý và hỗ trợ khiếu nại. Công lý không phải lúc nào cũng rõ ràng, và luật sư không chỉ là người biết luật, mà phải là người dám đứng ra, nhìn thẳng vào sự bất công ấy.
Luật sư phải có ý thức bảo vệ lẽ phải và công lý (ảnh minh họa)
Trong một số trường hợp, không thể tránh khỏi những mối đe dọa, hiểm nguy có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng từ đối thủ cạnh tranh, tội phạm,… làm cho hành trình đi tìm công lý người luật sư phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Thậm chí, luật sư có thể vấp phải sự cản trở của các cơ quan, đơn vị chức năng khiến cho việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn và rắc rối hơn.
Đó là lúc người hành nghề luật cần vận dụng kiến thức, kinh nghiệm hoạt động pháp lý để xử lý vụ việc và mài giũa tâm lý để không bị cái xấu, cái bất công làm cho sợ hãi.
Nghề luật sư không dành cho những người muốn sống an nhàn. Bảo vệ công lý là một hành trình gian nan bởi sự công bằng vốn không tự nhiên mà có, sự thật đôi khi lại bị che lấp bởi quyền lực, tiền bạc và định kiến. Làm luật sư nghĩa là dấn thân – không chỉ vào nghề nghiệp, mà là vào chính những cuộc chiến của xã hội.
3, Nhạy bén, thay đổi và thích nghi với thời đại
Trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng, luật sư cũng phải tìm cách thay đổi cấp tiến theo thời đại, học cách làm việc với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu số, hợp đồng điện tử và các hệ thống pháp lý trên toàn cầu. Điều đó đòi hỏi người hành nghề luật phải không ngừng cập nhật, thích nghi và đổi mới bản thân, luôn trong tâm thế thay đổi và học hỏi để có thể hoạt động một cách hiệu quả trong thời đại ngày nay.
Trong thời đại công nghệ số, luật sư không nên chỉ dựa vào kiến thức pháp lý truyền thống để xử lý công việc mà phải biết cách sử dụng các thành quả công nghệ tiên tiến hỗ trợ quá trình hành nghề. Điều ấy không chỉ giúp quá trình hoạt dộng của luật sư trở nên tối ưu hơn mà còn giúp luật sư học hỏi được nhiều kiến thức mới lạ, bắt kịp xu thế thời đại.
Hơn nữa, khi thế giới có xu hướng hội nhập toàn cầu và hợp tác đa quốc gia, phạm vi hành nghề của luật sư dần được mở rộng ra phạm vi ngoại biên giới. Việc hiểu biết các quy định pháp luật quốc tế, điều ước đa phương, cũng như khả năng thích nghi với các chuẩn mực pháp lý khác nhau là yếu tố then chốt để luật sư có thể tồn tại và phát triển trong môi trường toàn cầu hóa.
Công nghệ phát triển mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho người hành nghề luật (ảnh minh họa)
Nghề luật, không nằm ngoài xu thế chung, luôn cần phải thay đổi để thích nghi với thời đại. Tư duy bảo thủ là điều tối kỵ trong một ngành nghề yêu cầu lối tư duy sắc bén và tầm nhìn bao quát như ngành hoạt động pháp lý. Chỉ những người dám thay đổi, dám học hỏi và biết tận dụng công nghệ mới là những người gắn bó bền vững với luật học, bảo đảm phát triển sự nghiệp và bắt kịp với chuyển dịch của xã hội.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi