Lập di chúc là một việc làm quan trọng nhằm thể hiện ý chí của một người về việc phân chia tài sản sau khi qua đời. Dù là một hành vi mang tính cá nhân, nhưng di chúc chỉ có giá trị pháp lý nếu được lập đúng quy định. Do đó, để tránh tranh chấp và đảm bảo quyền lợi cho người thân, người lập di chúc cần nắm rõ các thủ tục và giấy tờ cần thiết.
Vì vậy hãy cũng VPLS Đồng Đội tìm hiểu về các thủ tục giấy tờ cần chuẩn bị khi lập di chúc qua bài viết dưới đâyLập di chúc là một việc làm quan trọng nhằm thể hiện ý chí của một người về việc phân chia tài sản sau khi qua đời. Dù là một hành vi mang tính cá nhân, nhưng di chúc chỉ có giá trị pháp lý nếu được lập đúng quy định. Do đó, để tránh tranh chấp và đảm bảo quyền lợi cho người thân, người lập di chúc cần nắm rõ các thủ tục và giấy tờ cần thiết.
Vì vậy hãy cũng VPLS Đồng Đội tìm hiểu về các thủ tục giấy tờ cần chuẩn bị khi lập di chúc qua bài viết dưới đây
- Điều kiện để di chúc có hiệu lực
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, một di chúc chỉ có hiệu lực pháp lý nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, người lập di chúc là người thành niên có đủ các điều kiện theo quy định của luật có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Cần lưu ý rằng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Khoản 2 Điều 625 BLDS 2015).
Thứ hai, di chúc phải được lập trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nếu di chúc được lập trong tình trạng không tự nguyện, bị ép buộc hay khi người lập không còn minh mẫn, thì có thể bị tuyên vô hiệu.
Thứ ba, nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ, di chúc để lại tài sản cho người tham gia giết hại mình, hoặc chia tài sản trái với nghĩa vụ cấp dưỡng, thì có thể bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ.
Thứ tư, hình thức di chúc phải hợp pháp. Di chúc có thể được lập bằng văn bản (có công chứng, chứng thực hoặc không) hoặc bằng lời nói trong trường hợp đặc biệt (di chúc miệng). Di chúc miệng chỉ có hiệu lực khi có ít nhất hai người làm chứng và phải ghi chép lại, sau đó công chứng trong vòng 5 ngày (Khoản 5 Điều 630 BLDS 2015). Tuy nhiên, trong thực tế, để đảm bảo giá trị pháp lý cao và tránh tranh chấp, người dân nên lựa chọn lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
Năm 2022, TAND TP.HCM xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế của cụ bà T chủ sở hữu nhiều bất động sản giá trị tại quận 1. Di chúc của cụ được viết tay, không công chứng, chỉ có chữ ký và ghi rõ người thừa kế là người con gái út. Sau khi cụ T mất, các con còn lại đã khởi kiện, cho rằng di chúc không hợp pháp do cụ lúc đó đã lẫn nặng và có biểu hiện tâm thần.
Kết quả, tòa tuyên di chúc vô hiệu vì không chứng minh được người lập còn minh mẫn, không có giám định y khoa hoặc người làm chứng. Toàn bộ khối tài sản phải chia theo pháp luật, dẫn đến mất thời gian, mâu thuẫn gia đình và chi phí tố tụng lớn.
Do đó có thể thấy rằng dù có ý chí rõ ràng nhưng nếu không lập di chúc đúng hình thức và điều kiện pháp luật thì vẫn có thể bị vô hiệu hóa.

2. Giấy tờ cần chuẩn bị khi lập di chúc
– Người lập di chúc cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân gồm căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân còn hiệu lực, kèm theo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận nơi cư trú. Những giấy tờ này giúp chứng minh năng lực hành vi dân sự và nhân thân của người lập di chúc.
– Cần có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản muốn để lại trong di chúc. Ví dụ: sổ đỏ đối với nhà đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm, cổ phần, cổ phiếu… Những giấy tờ này giúp chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người lập di chúc.
– Người lập di chúc nên chuẩn bị thông tin cá nhân của người được hưởng di sản, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, số CCCD, địa chỉ thường trú và mối quan hệ với người lập di chúc. Điều này giúp tránh nhầm lẫn, đặc biệt trong trường hợp người được hưởng di sản không phải là người thân trực hệ.
– Có thể chuẩn bị sẵn bản dự thảo nội dung di chúc để công chứng viên tham khảo và hoàn thiện nhanh hơn. Trong bản dự thảo nên thể hiện rõ ý chí chia tài sản, tên người thừa kế, loại tài sản và phần được chia, cũng như người được chỉ định thực hiện di chúc nếu có.
Trong một số trường hợp, công chứng viên có thể yêu cầu giấy khám sức khỏe để đảm bảo người lập di chúc có đủ năng lực hành vi dân sự và không bị bệnh lý ảnh hưởng đến tinh thần. Ngoài ra, các giấy tờ như quyết định ly hôn, giấy khai tử, bản án phân chia tài sản… cũng nên được mang theo nếu có liên quan.
3. Quy trình lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng
Người lập di chúc cần liên hệ trước với văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng để đặt lịch. Khi đến, người lập di chúc xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Công chứng viên sẽ kiểm tra hồ sơ, tư vấn nội dung và ghi nhận ý chí của người lập di chúc. Sau khi đọc lại bản dự thảo di chúc, người lập di chúc ký tên, lăn tay trước mặt công chứng viên, người làm chứng (nếu có). Di chúc sẽ được công chứng viên ký tên, đóng dấu và giao cho người lập giữ bản chính hoặc yêu cầu lưu trữ tại văn phòng công chứng.
4. Một số lưu ý quan trọng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc chỉ phát sinh hiệu lực từ thời điểm người lập qua đời. Trong thời gian còn sống, người lập hoàn toàn có quyền sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần nội dung di chúc bất kỳ lúc nào theo Điều 640 cùng Bộ luật.
Tuy nhiên, để di chúc được coi là hợp pháp và có giá trị thi hành, người lập di chúc phải còn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, cưỡng ép hoặc đe dọa tại thời điểm lập theo quy định tại khoản 2 Điều 630. Trong thực tiễn, đây cũng là căn cứ thường được viện dẫn khi có tranh chấp liên quan đến tính hiệu lực của di chúc.
Ngoài ra, nếu tồn tại nhiều bản di chúc thì chỉ bản di chúc được lập sau cùng và hợp pháp mới có hiệu lực pháp lý, theo khoản 5 Điều 643. Quy định này nhằm đảm bảo ý chí sau cùng của người lập di chúc được tôn trọng, đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng các bản di chúc cũ để chiếm đoạt di sản trái pháp luật.
Kết luận
Việc lập di chúc không chỉ giúp người lập chủ động sắp xếp tài sản mà còn góp phần giảm thiểu mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình sau khi qua đời. Với thủ tục đơn giản nhưng yêu cầu chặt chẽ về mặt pháp lý, người dân nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và tìm đến tổ chức hành nghề công chứng để được hỗ trợ chuyên nghiệp, đảm bảo di chúc được thực hiện đúng với ý chí của mình.
Diệu Linh – Thực tập sinh Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi