Quản lý đất đai giúp Nhà nước phân bổ, sử dụng và kiểm soát đất một cách hợp lí, hiệu quả và công bằng. Sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý và phân phối đất sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh dân sinh.
Bài viết dưới đây sẽ nhắc đến những sai phạm thường thấy trong quản lý đất và cách giải quyết.
I. Khái niệm quản lý đất đai
Quản lý đất đai là quá trình sử dụng và phát triển đất trong khu vực nông thôn hoặc thành thị. Tài nguyên đất được sử dụng nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của Nhà nước và xã hội.
Đất là tài nguyên quan trọng của Quốc gia (ảnh minh họa)
Theo Điều 20 Luật Đất đai 2024 quy định , hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai có các nội dung như sau:
“1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai.
3. Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính.
4. Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất.
5. Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai.
6. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
7. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
8. Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất.
9. Quản lý tài chính về đất đai.
10. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất.
11. Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
12. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận.
13. Thống kê, kiểm kê đất đai.
14. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai.
15. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
16. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
17. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai.
18. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.”
II. Sai phạm trong quản lý đất đai thường gặp
Qua khảo sát và thanh tra thực tiễn, các vi phạm trong quản lý đất đai xảy ra chủ yếu ở 3 nhóm vấn đề dưới đây:
(1) Vi phạm trong công tác khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất. Tình trạng một thửa đất, một khu đất được thể hiện trên nhiều loại bản đồ, nhiều tờ bản đồ với thông tin về số thửa, diện tích, loại đất khác nhau là rất phổ biến.
(2) Vi phạm trong quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tình trạng có dự án thì điều chỉnh quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch để hợp pháp hóa việc thu hồi đất xảy ra tại một số địa phương.
(3) Vi phạm trong công tác đăng ký đất đai, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Đây là nhóm vấn đề còn nhiều tồn tại, hạn chế và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khiếu kiện nhiều và ngày càng tăng.
Các khiếu kiện liên quan đến đất đai tập trung chủ yếu ở khiếu kiện về thu hồi, bồi thường; đăng ký, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
III. Hậu quả và hệ lụy
Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ án tranh chấp đất trở nên khó xử lý do sai phạm trong việc phân phối và quản lý đất đai của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hệ lụy là nhiều gia đình gặp cảnh khó khăn, không được phân xử công bằng để nhận được quyền lợi hợp pháp về sở hữu đất. Điều này cũng gây ra những khúc mắc và lo ngại bất công trong đời sống người dân, chậm trễ trong quản lý đất và ảnh hưởng đến các dự án quy hoạch đất trong tương lai.
Sai phạm trong quản lý đất dẫn đến những hệ lụy khó giải quyết (ảnh minh họa)
Một trường hợp cụ thể mà VPLS Đồng Đội nhận trong thời gian gần đây là vụ việc của gia đình chị T.: Do sự sơ xuất của cơ quan chúc năng, gia đình chị T. tan nát, mỗi người một nơi, còn chị phải lang thang ở Hà Nội, sống bằng nghề nhặt ve chai.
Sau nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại, tố cáo, Ban Chỉ đạo Thi hành án đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp kiểm tra. Kết quả tìm ra sai phạm trong khâu quản lý đất ban đầu: giao mốc giới không rõ ràng, thực tế sử dụng đất đã thay đổi, người mua tài sản đã xây nhà, xây tường bao, san lấp toàn bộ diện tích mà lẽ ra họ không được nhận.
Trong khi đó, bên phải thi hành án – gia đình chị T. – không còn tấc đất cắm dùi, không được chính quyền hỗ trợ chỗ ở, không có giải pháp an dân. Theo Tổng cục Thi hành án Bộ Tư pháp và Phòng Tài nguyên Môi trường, phần đất không nằm trong sổ đỏ nhưng đã sử dụng ổn định, lâu dài sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2024.
Cho đến nay, những lời cam kết của cơ quan chức năng vẫn chưa được đáp ứng. Ngày 29/4/2025, khi tiến hành đo đạc lại, cán bộ xã và chấp hành viên lại đổ lỗi cho nhau. Cơ quan chuyên môn tham gia nhưng từ chối ký biên bản – điều hoàn toàn hợp lý. Bên mua thì đã bỏ tiền xây dựng, không thể trả lại. Bên bị cưỡng chế thì mất tất cả.
IV. Phương hướng giải quyết khi gặp sai phạm trong quản lý đất
Với vụ việc nêu trên, để xử lý vấn đề trước hết cần làm rõ sai phạm của chấp hành viên, sau đó tiến hành hủy bỏ kết quả kê biên, đấu giá và cưỡng chế, yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại, trả lại quyền lợi, danh dự và một tấc đất cắm dùi cho bên phải thi hành án.
Vi phạm trong quản lý đất đai là hành vi vi phạm pháp luật, có khung hình phạt và xét xử rõ ràng. Do đó, nếu người dân phát hiện có sai sót, lỗ hổng của cơ quan chức năng trong quá trình xử lý đất thì hoàn toàn có thể liên hệ với luật sư, chuyên viên pháp lý có kinh nghiệm hỗ trợ làm đơn khiếu nại, tố cáo lên cơ quan thi hành án các cấp cao hơn để được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng kết: Những vi phạm trong quản lý đất đai cần được xử lý nghiêm minh và kịp thời, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và rõ ràng. VPLS Đồng Đội chuyên làm về án dân sự, cam kết sẽ giúp đỡ người dân yêu thế hết mình trong hành trình tìm lại công bằng và quyền lợi. Gian nan là có, nhưng niềm tin và sự tận tâm sẽ giúp chúng tôi đem lại nụ cười cho thân chủ.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi