Có bao nhiêu bản án thì cũng có bấy nhiêu công việc thi hành án. Trên thực tế việc tự nguyện thi hành án rất ít, dẫn đến tính chất công việc rất phức tạp. Người ta vẫn hay nói nghề thi hành án là Khô – Khó – Khổ. Tôi đã từng có 15 năm là thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Quãng thời gian ấy đủ để hiểu rõ: thi hành án không đơn thuần là một công việc pháp lý – mà là một nghề nhiều áp lực, nhiều cạm bẫy và đầy rủi ro. Từ những kinh nghiệm đối với công việc thi hành án, tôi có cái nhìn rất cảm thông và chia sẻ với những người làm công việc thi hành án
Không ít người nghĩ: làm thi hành án là “đi cưỡng chế lấy tài sản”, là “ra quyết định, xong việc”. Nhưng thực tế không hề đơn giản như vậy.
Đây là nghề mà: đúng là trách nhiệm, sai là tai họa. Làm đúng thì là nghĩa vụ hiển nhiên, nhưng chỉ cần sai – thì là bị khiếu nại, bị tố cáo, thậm chí bị bồi thường.
Và khi đã cưỡng chế rồi để lại hậu quả – thì không ai đỡ được. Khác với tòa án, thi hành án mà “sai một ly” là “đi một dặm”. Không có cơ hội sửa sai. Đó là cái khắc nghiệt của nghề.
Cưỡng chế – con đường cuối cùng
Tôi luôn dạy anh em làm nghề một điều: Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng. Trước đó, hãy lắng nghe, hòa giải, động viên, tạo điều kiện để người dân tự nguyện thi hành.
Thi hành án không chỉ là ép người khác thực hiện bản án. Nó còn là cơ hội cuối để giữ lại hòa khí, để giúp người dân phục thiện, để hạn chế tối đa hệ lụy pháp lý – xã hội.
Nếu không khéo, một quyết định cưỡng chế có thể gây ra mất mát, oán hận, thậm chí đẩy người dân vào bước đường cùng.
Và điều nguy hiểm hơn cả: nếu cán bộ vướng vào “quan hệ A, B, C” hay nhận lời không minh bạch, thì chẳng khác nào “gà mắc tóc”, tiến thoái lưỡng nan. Lúc ấy, không còn ai đứng ra bảo vệ mình, vì trách nhiệm cá nhân là rõ ràng và cụ thể.
Sai trong thi hành án – sửa rất khó
Trong công tác thi hành án, có một thực tế là: ít ai chịu thừa nhận mình sai. Nhưng nếu không chỉ ra và sửa sai kịp thời, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều – về pháp lý, về đạo đức công vụ và cả uy tín của ngành.
Chỉ ra sai và nhận sai trong thi hành án là điều rất khó, nhưng rất cần bản lĩnh.
Cán bộ thi hành án phải hiểu luật, vững chuyên môn, giữ đạo đức nghề nghiệp và biết lắng nghe dân.
Làm đúng luật – nhưng phải thấm đẫm tình người
Luật là khuôn vàng thước ngọc, nhưng con người không phải là máy móc. Mỗi vụ việc, mỗi bản án là một câu chuyện, một số phận.
Vì vậy, tôi luôn tâm niệm:”Làm đúng luật – nhưng phải thấm đẫm tình người.”
“Hãy lắng nghe và thấu hiểu – để an toàn cho công việc, để bền vững với nghề.”
Người làm thi hành án phải vững vàng như cột đá giữa sóng gió. Phải công tâm, minh bạch, không để lòng riêng chi phối.
Bởi một bước đi sai – không chỉ là sự nghiệp của mình, mà còn ảnh hưởng đến cả niềm tin của người dân vào pháp luật.
Lời nhắn gửi
Thi hành án là nghề ít được khen ngợi, nhưng dễ bị đổ lỗi. Nghề vất vả, dễ va chạm, nhưng lại thầm lặng đóng góp cho công lý. Nếu bạn chọn nghề này – hãy chọn đi cùng bản lĩnh, trí tuệ và một trái tim không bao giờ tắt lửa.
Thông tin liên hệ:
– Văn phòng luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP. Hà Nôi): P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
– Website: https://dongdoilaw.vn
– Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
– Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
– Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi