Khi quyết định quyền nuôi con trực tiếp của cha mẹ, Toà cần phải hỏi ý kiến của con trong trường hợp nào?
Trả lời:
Về nguyên tắc, toà tôn trọng sự thoả thuận của cha mẹ về việc ai là người trực tiếp nuôi con khi ly hôn. Tuy nhiên, nếu hai bên không thể thoả thuận được với nhau thì toà án sẽ có quyền phán xét, giao quyền nuôi con cho một bên.
Việc giao con cho ai sẽ phụ thuộc vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đặc biệt, tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định “nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Điều luật này đã có sự thay đổi so với Luật HN&GĐ 2000 trước đây, tại Điều 92 nêu rõ “nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Với quy định thay đổi này, trước hết pháp luật vẫn đảm bảo cho trẻ được quyền tự do phát biểu những quan điểm về tất cả mọi vấn đề có tác động đến trẻ, phù hợp với Công ước liên hợp quốc về quyền trẻ em; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004
Thứ hai, Luật HN&GĐ hiện hành hạ độ tuổi của trẻ em (từ 9 tuổi xuống 7 tuổi) là phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ hiện nay. Với điều kiện cuộc sống hiện nay đã được nâng cao cùng với việc trẻ em được tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức xã hội nên trẻ 7 tuổi đã có thể trả lời được câu hỏi khi cha mẹ ly hôn thì muốn ở với ai.
Thực tế, khi cha mẹ ly hôn với con cái là một cú sốc lớn, mất đi điểm tựa tinh thần quan trọng. Việc để các em đưa ra tiếng nói riêng của mình là hoàn hoàn hợp lý. Mặc dù ý kiến của con không có ý nghĩa quyết định cuối cùng bởi Toà phải dựa trên cả những yếu tố như tình cảm, đạo đức, kinh tế…nhưng nguyện vọng của con là một trong những cơ sở cần thiết để Toà án xem xét đảm bảo cho trẻ có sự phát triển tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần.
Do đó, khi ly hôn, cha mẹ muốn dành đc quyền nuôi con, phải lưu ý để xem xét đến nguyện vọng của con khi con đủ 7 tuổi. Để có những định hướng đúng đắn, vừa cho con điều kiện sống tốt nhất, vừa đảm bảo được mong muốn của con.
Nguồn tin: Văn phòng luật sư Đồng Đội