Khái niệm “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” đã trở nên tương đối quen thuộc với các luật sư, luật gia khi mà ngày càng nhiều những hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp giữa các cá nhân và pháp nhân trong các quan hệ dân sự. Tuy nhiên, để thực sự hiểu một cách thấu đáo khái niệm này và sử dụng nó như một phương tiện để đòi lại quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể bị xâm hại quyền và lợi ích thì không hề đơn giản.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại chương XXI Luật Dân sự 2005 và được hướng dẫn áp dụng một số điều tại Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP. Về nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ 4 yếu tố:
- Phải có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại ở đây bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
- Phải có hành vi trái pháp luật.
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật.
- Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một khái niệm trong Luật dân sự, tuy nhiên nó xuất hiện rất thường xuyên trong các vụ án hình sự. Điều 28 Luật tố tụng hình sự 2003 có quy định nguyên tắc “Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự”. Nguyên tắc này chỉ có phạm vi áp dụng đối với những quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xuất hiện do việc thực hiện tội phạm. Có nhiều vấn đề dân sự phát sinh do thực hiện tội phạm mà gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự: hành vi phạm tội gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Luật hình sự 2015, tuy chưa có hiệu lực đến thời điểm hiện tại (tháng 10/2016) , nhưng khoản 3 điều 29 có quy định “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, được người bị hại hoặc người đại diện tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Tuy rằng trong dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, những quy tắc hòa giải trong vụ án hình sự vẫn chưa được quy định; chúng ta có thể thấy được tính nhân văn của pháp luật khi khuyến khích người phạm tội và người bị hại có thể hòa giải, tránh việc phải đưa nhau ra tòa khiến họ càng hằn sâu mâu thuẫn, thù oán mà thay vào đó có thể thông cảm, hàn gắn lẫn nhau.
Trở lại với Luật Tố tụng hình sự 2003, khoản 1 điều 105 có quy định “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Đối với các vụ án hình sự thuộc các trường hợp trên, các bên hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp hòa giải ngoài tố tụng để giải quyết tránh việc kiện nhau ra tòa. Trong quá trình hòa giải, việc đưa ra mức bồi thường thiệt hại phù hợp là rất quan trọng.
Để đi đến một mức bồi thường cuối cùng là một công việc không đơn giản. Để thực hiện việc này, cần phải căn cứ theo mục II Nghị quyết 03/2016 như đã nói ở trên và cũng cần phải linh động các yếu tố này để cả hai bên có thể đi đến một điểm chung cuối cùng. Sau khi đã đạt được thỏa thuận không yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, hai bên có thể trực tiếp đến các cơ quan có thẩm quyền cụ thể là Trụ sở Công an Quận/ Huyện và làm biên bản hòa giải có xác nhận của cơ quan đó. Trong thực tế, cũng đã có nhiều vụ án mà hai bên tưởng như đã hòa giải và người phạm tội cũng đã bồi thường một mức hợp lý cho bên bị hại, nhưng hai bên không làm bất cứ cam kết có giá trị pháp lý nào cả. Kết quả là sau khi đã nhận bồi thường, bên bị hại vẫn làm đơn yêu cầu khởi tố đến cơ quan điều tra; vì xét cho cùng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng chỉ là một vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, còn vụ án hình sự thì vẫn có thể bị khởi tố theo Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Cũng chính vì lẽ đó, càng ngày càng xảy ra các hành vi tiêu cực của cơ quan có thầm quyền ngày một phổ biến hơn. Trong nhiều vụ án, khi mà hai bên đã đạt được thỏa thuận để giải quyết vụ án mà không phải đưa ra Tòa, người phạm tội cũng đã bồi thường thiệt hại đầy đủ cho bên bị hại; thì mọi chuyện tưởng như đã kết thúc thì vẫn chưa dừng lại ở đó. Các cán bộ cơ quan điều tra vẫn viện những lý do rất vô lý, trái với pháp luật, để yêu cầu khởi tố điều tra, nhằm mục đích tư lợi. Với vốn hiểu biết pháp luật còn hạn chế của đa số người dân, là cơ hội cho những tham quan có thể ức hiếp, lợi dụng cơ hội để trục lợi một cách bất chính.
Trong một vụ án hình sự nguyên nhân do tai nạn giao thông tại quận A thành phố B, anh Nguyễn Văn X đi oto lên dốc núi, do đường bị đá chặn nên phải đi ngược chiều một đoạn. Anh X đã cố gắng đi chậm và nép sát vào bên đường, trong lúc đó, anh Nguyễn Văn Y say rượu, không đội mũ bảo hiểm, lái xe tốc độ cao đi ngược chiều đã đâm vào đầu xe oto của anh X khiến anh X không kịp phản ứng. Kết quả là anh Y đã tử vong do chấn thương sọ não. Do cả hai bên đều có lỗi, anh X cũng đã liên lạc với gia đình anh Y và bồi thường chi phí ma chay cho X. Hai bên cũng thống nhất không kéo dài vụ việc ra tòa án, gia đình anh Y làm đơn yêu cầu không khởi tố hình sự anh X. Sau đó, Tòa án nhân dân quận A gửi giấy triệu tập anh X, và có yêu cầu anh X phải nộp đủ số tiền là 90 triệu nếu không sẽ khởi tố. Như vậy, hành vi yêu cầu anh X phải nộp tiền nếu không sẽ khởi tố là hành vi tiêu cực, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của anh X nhằm thu lợi bất chính của Tòa án nhân dân quận A. Việc khởi tố vụ án hình sự hay không phải căn cứ theo pháp luật, cụ thể là Luật Hình sự 1999, Luật Tố tụng hình sự 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan, chứ không phải là sự mua bán bằng tiền bạc.
Yếu tố dân sự có mặt trong hầu hết các vụ án hình sự, và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một công cụ để hòa giải trong các vụ án hình sự ít nghiêm trọng. Trong xã hội hiện tại, phương pháp hòa giải ngoài tố tụng đang trở nên rất phổ biến, chính vì thế, người dân nếu không hiểu biết pháp luật, nên nhờ vào luật sư có uy tín có kinh nghiệm thực hiện quá trình hòa giải, nhằm tránh những điều không mong muốn như đã phân tích ở trên.