Tống đạt văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự được hiểu là việc các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát, Tòa án) giao các tài liệu, giấy tờ, các quyết định như: giấy triệu tập, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ, hoãn phiên tòa….cho đương sự. Về mặt nguyên tắc, các văn bản tố tụng của Tòa án phải được tống đạt một các nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến đương sự. Vậy, pháp luật có quy định thời gian cụ thể mà cơ quan tố tụng phải chuyển giao các văn bản này cho đương sự hay không?
Tại chương X, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, từ Điều 170 đến Điều 185 quy định khá chi tiết về việc cấp, tống đạt, thông báo các văn bản tố tụng. Tại Điều 170 BLDS năm 2015 quy định nghĩa vụ của Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án thực hiện việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự, người tham gia tố tụng khác, cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không nhìn thấy quy định thời hạn cơ quan tố tụng phải chuyển giao các văn bản này cho đương sự. Đồng thời, xuyên suốt các quy định tại các văn bản dưới luật cũng không bất cứ một quy định nào về vấn đề này. Đặc biệt, kể cả trường hợp Tòa án thỏa thuận với cơ quan Thừa phát lại để thống nhất thời hạn tối đa mà Thừa phát lại thực hiện việc này cũng hoàn toàn chỉ là “thỏa thuận” mà không có sự ràng buộc chặt chẽ nào về mặt thủ tục pháp lý.
Như vậy, có thể hiểu, thời hạn để cơ quan tố tụng thực hiện việc tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự là từ thời điểm ra quyết định đến thời điểm cuối cùng mà đương sự có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình. Ví dụ: thời hạn để Tòa án tống đạt quyết đinh hoãn phiên tòa cho đương sự là từ ngày Tòa án ra quyết định đến ngày cuối cùng được hoãn phiên tòa. Theo đó, đương sự nhận được quyết định của Tòa án sớm hay muộn hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người có nghĩa vụ tống đạt văn bản tố tụng và thường Thư ký Tòa án sẽ quyết định việc này. Do đó, vô hình chung pháp luật đã tạo ra kẽ hở để Thư ký Tòa án “gây khó dễ” cho đương sự.
Chẳng hạn, Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa từ ngày 1/1 đến 30/1, nhưng đến tận ngày 26, 27 thì mới tống đạt quyết định hoãn đến đương sự. Nhiều trường hợp đương sự cách Tòa án đến hàng ngàn cây số, phải đặt vé máy bay để có thể tham gia phiên Tòa nhưng Thư ký tòa lại tống đạt chậm trễ như vậy, thậm chí, cá biệt có trường hợp không tống đạt (đương sự tự phải liên hệ với Thư ký tòa để biết ngày vụ án xét xử) thì đã gây ra bao nhiêu khó khăn, tốn kém cho đương sự.
Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp, đương sự, người bảo về quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, những người tham gia tố tụng khác hoàn toàn không nhận được thông báo hoãn phiên tòa, không tham dự phiên tòa được mở lại tiếp theo. Thẩm phán lại ra quyết định hoãn phiên tòa lẫn nữa làm kéo dài thời gian tố tụng gây bức xúc, mệt mỏi, tốn kém vô cùng. Cá biệt, có trường hợp thẩm phán không làm rõ được sự thiếu trách nhiệm của thư ký tòa trong quá trình tống đạt văn bản, khi xét xử lại xác định nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Có thể thấy, sự tác trách, vô trách nhiệm, cẩu thả của chính những người có nghĩa vụ cấp cống đạt văn bản giấy tờ lại để người dân gánh chịu hậu quả. Vậy có gọi gì là công bằng, bình đẳng, tất cả vì người dân không hay coi người dân là “bia đỡ đạn”.
Pháp luật tố tụng dân sự mặc dù quy định khá chặt chẽ về chủ thể thực hiện, phương thức, tính hợp lệ nhưng lại không quy định thời hạn cấp, tống đạt văn bản giấy tờ là một lỗ hổng lớn, vừa không đảm bảo được tính hợp lý trong xây dựng và ban hành luật vừa chìa khóa để những chủ thể có trách nhiệm lợi dụng, bao che cho một bên nào đó, không đảm bảo được nguyên tắc khách quan, vô tư theo quy định tại Điều 16 BLTTDS năm 2015. Đặc biệt, không chỉ riêng tố tụng dân sự mà tố tụng hình sự, hành chính cũng không có bất cứ một quy định nào liên quan đến thời hạn cấp tống đạt thông báo văn bản tố tụng. Có thể thấy đây là một thiếu sót lớn của nhà làm luật, để lại nhiều hệ lụy.
Cũng chính bởi quy định pháp luật không chặt chẽ như vậy nên cũng không thể cho rằng việc làm của Thư ký tòa là trái pháp luật để xử lý trách nhiệm, hay chăng đó chỉ là sự cản trở, gây khó dễ cho đương sự. Tại Điều 22, Quyết định 120/QĐ- TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định việc “Thiếu trách nhiệm trong khi thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; bị cáo, người bị kết án, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” của Thư ký tòa án bị xử lý bằng hình thức kiểm điểm trước đơn vị. Vậy, như thế nào được coi là “thiếu trách nhiệm” trong việc tống đạt văn bản tố tụng mà “gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” thì không hề rõ. Rất khó áp dụng để xử lý trách nhiệm Thư ký tòa án.
Xét thấy rất cần thiết phải có những cơ chế chặt chẽ hơn để ràng buộc thời hạn mà cơ quan tố tụng phải chuyển giao văn bản tố dụng cho đương sự, cụ thể là phải quy định trong luật hoặc các văn bản dưới luật về thời hạn này. Chỉ như vậy mới có thể đảm bảo đầy đủ được quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh những sự việc “trớ trêu” như trên xảy ra.