Vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm vụ án: “Khiếu kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai”, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện là Bà Đặng Thị G, Hủy toàn bộ bản án hành chính sơ thẩm số 35/2019/HC-ST ngày 29/11/2019 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh, chuyển hồ sơ vụ án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án, đem lại niềm vui không nhỏ cho Luật sư và gia đình bà Đặng Thị G.
Sự việc tranh chấp đất giữa gia đình bà Đặng Thị G, gia đình ông Mai Thành P và bà Trần Thị Đ đã kéo dài tận 25 năm, từ năm 1987 đến nay đã có 07 quyết đinh giải quyết giải quyết tranh chấp đất đai của UBND tỉnh Tây Ninh. Cụ thể, do hoàn cảnh khó khăn, không có con cái, ngày 10/01/1986 vợ chồng ông Hoài ký giấy chuyển nhượng đất ở cho Ông Hưng, bà Đ và được UBND phường 1 và Phòng nhà đất thị xã chấp thuận. Sau khi mua, vợ chồng bà Đ sử dung đến 13/06/2987 định cất thêm 1 mái chai trước cửa thì hộ bà G ngăn cản vì cho rằng phần đất này (sân trước nhà bà Đ) là của nhà bà G. Ngày 16/06/1987, ông bà Đ nhanh chóng làm đơn hợp thức hóa nhà đất và được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà đất trên.
Từ khi chúng tôi bắt đầu đi sâu vào tìm hiều vụ án này, chúng tôi đã nhận ra rất nhiều lỗ hổng mà chưa được Chủ tich UBND xác định làm rõ mà vẫn cho ra các quyết định cưỡng chế thu hồi đất của bà G. Đầu tiên, UBND phường 1 đã cấp giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất đều là giất tờ hợp thức hóa khi mảnh đất đang xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Tại thời điểm này, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên thực chất, Luật sư đánh giá đây là: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà” và phần đất đang tranh chấp không phải đối tượng mà ông Hoài, bà Kỷ muốn bán cho ông bà Đ.
Ngoài ra, chúng tôi thấy rằng phần đất đang tranh chấp là một phần trong tổng diện tích 5000m2 do Ông bà khai phá để lại cho con cháu sử dụng mà vợ chồng bà G đã làm nhà và sinh sống ổn định. Việc Ông bà Đ yêu cầu gia đình bà G phải trả lại mảnh đất đó là hoàn toàn không có cơ sở. Nhưng Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai cuối cùng số 2381/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của UBND tỉnh Tây Ninh công nhận cho vợ chồng bà Đinh được quyền sử dụng diện tích 28,4m2, trong đó, gia đình bà G phải bàn giao 6,3 m2 đất. Ngày 13/6/2012, Chủ tịch UBND thị xã Tây Ninh đã ra Quyết định số 403/QĐ-UBND về việc cưỡng chế giao trả phần đất diện tích 6,3 m2 đất đối với bà Đặng Thị G và đã tổ chức thi hành xong.
Một Quyết định hành chính được thi hành 02 lần?
Tại báo cáo số 16/BC-ĐCC ngày 13/9/2012 về kết quả thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế và đánh giá rút kinh nghiệm của Đoàn cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã thông báo nội dung kết quả bàn giao: “Đoàn cưỡng chế đã bàn giao cho bà Trần Thị Đ diện tích 6,3m2 bà Trần Thị Đ đã tổ chức cho công nhân cắm trụ ranh bê tông xi măng, xây gạch chân tường rào cao 0,5m phía giáp ranh với đất ông Đặng Minh Hai”, “Đoàn đã thực hiện bàn giao đúng theo theo quyết định số 1533 và quyết định số 2381 của chủ tịch UBND tỉnh”.
Nhưng chỉ với lý do “Bà Đ không đồng ý nhận bàn giao đất, không ký Biên bản bàn giao và tiếp tục có đơn khiếu nại”, UBND thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) lại tiếp tục vận động bà G phải trả lại diện tích đất tranh chấp cho bà Đ mặc dù đã cưỡng chế bàn giao xong mà không hướng dẫn để bà Đ khởi kiện vụ án dân sự theo kiến nghị của Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh. Điều kỳ lạ ở chỗ UBND thành phố vận động bàn giao mỗi lần một diện tích khác nhau? Ngày 14/8/2018, UBND thành phố vận động giao lại phần đất có diện tích 4,2 m2 cho bà Trần Thị Đ theo Quyết định 1533/QĐ- UBND và 2381/QĐ- UBND, đến ngày 23/12/2018 lại vận động giao diện tích 1,6m2 đất. Ngày 11/01/2019, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục ra Quyết định số 47/QĐ- UBND, theo đó, buộc gia đình tôi tháo dỡ công trình kiến trúc, tường rào, mái che trong phạm vi diện tích 6,3 m2. Ngày 11/01/2019, Chủ tịch UBND thành phố tiếp tục ra Quyết định số 47/QĐ- UBND, theo đó, buộc gia đình bà G tháo dỡ công trình kiến trúc, tường rào, mái che trong phạm vi diện tích 6,3 m2 để bàn giao diện tích đất trên cho bà Đ một cách vô lý.
Sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, chúng tôi lập tức soạn thảo đơn khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy Quyết định số 47, đồng thời, tạm dừng được việc cưỡng chế. Trong quá trình giải quyết, người bị kiện Chủ tịch UBND cho rằng, hai quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực giao cho Chủ tịch UBND xã (nay là thành phố Tây Ninh) tổ chức cưỡng chế tổ chức cưỡng chế đối với hộ Bà G để nhận ranh giới đất nhưng bà Đ không đồng ý vì cho rằng UBND thị xã Tây Ninh đã chưa thực hiện đầy đủ quyết định. Trong quá trình kiểm tra lại phần đất đã giao thực tế theo quyết định, UBND thành phố có kết quả một phần đất trong tranh chấp 28,4m2 chưa được giao đủ cho bà Đ. Do đó, viêc UBND Thành phố Tây Ninh quyết định ban hành tiếp tục cưỡng chế giao phần đất còn lại cho bà Đ là có căn cứ.
Do quãng đường đi lại xa xôi và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của gia đình bà G, chúng tôi không có điều kiện tham gia trực tiếp phiên tòa mà nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, tư vấn chi tiết cho bà G về các thủ tục giải quyết tại Tòa và gửi Bản luận cứ đầy đủ. Mặc dù những lập luận của Luật sư là đầy đủ căn cứ nhưng Quyết định bản án sơ thẩm vẫn bác yêu cầu khởi kiện của bà G về việc hủy quyết đinh cưỡng chế thi hành giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh. Ngay sau khi xử sơ thẩm, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ bà G nộp đơn kháng cáo toàn bộ bản án và gửi bản ý kiến một cách đầy đủ, rõ ràng để Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, hủy bỏ Quyết định 47 trái pháp luật.
Tòa án cấp phúc thẩm đồng quan điểm với Luật sư
Đồng quan điểm với Luật sư, HĐXX phúc thẩm cũng nhận định rằng Chủ tịch UBND Thành phố Tây Ninh ra quyết định cưỡng chế bổ sung nhưng quyết định lại không có nội dung thể hiện. Hơn nữa, việc cưỡng chế đã được thi hành xong từ năm 2012 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại không công nhận những dẫn chứng của chúng tôi và bà G. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ được nguồn gốc của phần đất đang tranh chấp đã cưỡng chế giao đất cho bà Đ là hoàn toàn thiếu căn cứ. Biên bản cưỡng chế thực tế và trên trích lục bản đồ địa chính chưa trùng khớp nhau. Đoàn cưỡng chế cùng bà Đ biết rõ được mảnh đất trong quyết định cưỡng chế là 6,3m2 nhưng diên tích thực tế đã lên tới 7m2.
Để “cứu” cho UBND thành phố Tây Ninh khỏi việc bị hủy Quyết định hành chính, tại phiên tòa phúc thẩm lần đầu, HĐXX đã hoãn phiên tòa để đề nghị Trưởng phòng TN&MT thành phố (người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp người bị kiện) trao đổi, lấy ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh về việc xem xét thẩm quyền ban hành. Tuy nhiện người bị kiện vẫn giữ nguyên quan điểm về việc bác yêu cầu khởi kiện của bà G. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, tại phiên tòa mở lại lần 2, HĐXX đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của bà G, hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Tại phần nhận định, HĐXX cũng nhận định, đáng lẽ cơ quan có thẩm quyền phải hướng dẫn đương sự khởi kiện vụ án dân sự mới giải quyết được triệt để vụ án. Đây là đánh giá rất khách quan, trùng khớp với quan điểm của chúng tôi và là hướng mở ra để Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi giải quyết lại vụ án và đề xuất với Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh thu hồi Quyết định 47, hướng dẫn cho bà Đ khởi kiện tranh chấp tại Tòa án để đảm bảo đúng thẩm quyền, giải quyết dứt điểm vụ việc này. Việc Tòa án cấp phúc thẩm không tuyên hủy ngay Quyết định 47 có lẽ nhằm giữ uy tín cho cơ quan nhà nước nhưng đã chỉ ra những vấn đề để UBND thành phố nhìn nhận lại tính pháp lý của việc ban hành Quyết định hành chính, tự nguyện thu hồi theo quy định pháp luật.
Cuối cùng, tranh chấp đất đai đặc biệt kéo dài hơn 33 năm vẫn chưa đi đến hồi kết. Mặc dù vậy, vẫn còn những tia hy vọng được thắp lên đối với gia đình bà G về việc đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình, giữ gìn mảnh đất cha ông để lại nhiều đời qua. Việc hủy được một bản án hành chính đem lại niềm hạnh phúc không nhỏ cho gia đình bà bởi lẽ, xưa nay, người dân vẫn giữ quan niệm “con kiến kiện củ khoai” hay án hành chính đa phần là thua kiện. Vẫn biết việc người bị kiện thường vắng mặt tại phiên tòa, công tác thi hành án hành chính vẫn gặp rất nhiều khó khăn là những vấn đề nhức nhối chưa được giải quyết. Điều chúng tôi mong mỏi là UBND thành phố Tây Ninh sẽ nhìn nhận ra những sai lầm của mình trong việc ban hành Quyết định hành chính để kịp thời thu hồi, hướng dẫn người dân khởi kiện tranh chấp này tại Tòa án. Chúng tôi sẽ theo đuổi đến cùng vụ việc này để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình bà G.
Hy vọng vẫn còn những Bản án hành chính mà HĐXX xem xét, đánh giá một cách công tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, còn có những Luật sư có thể ghi điểm tại phiên tòa “kiện chính quyền” và dân nghèo có thể tiếp cận được Luật sư nhiều hơn nữa để tìm thấy ánh sáng của công lý!
Ban biên tập