Liên tiếp những vụ án mạng kinh hoàng do người tâm thần gây ra nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.
Đối với những nghi phạm gây án mạng có dấu hiệu của bệnh tâm thần, cơ quan điều tra sẽ tiến hành đưa đi giám định. Trong trường hợp cơ quan giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình tại thời điểm họ gây án thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện (Điều 21 BLHS 2015). Trong trường hợp, cơ quan giám định xác định đối tượng chỉ mắc bệnh làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, đối tượng vẫn bị xử lý hình sự nhưng sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ do mắc bệnh (Điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS 2015).
Dù đã nhiều lần cảnh báo, nhưng thời gian qua, thực trạng người có biểu hiện tâm thần gây án tại các tỉnh vẫn liên tiếp xảy ra gây nhức nhối xã hội. Dư luận nhiều lần cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án nhưng những vụ án bi thảm vẫn cứ tái diễn, một phần xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ của địa phương và gia đình người bệnh.
Những người mắc bệnh tâm thần do bị mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nên thường thực hiện nhiều hành vi gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc bắt buộc cách ly người bị bệnh tâm thần với cộng đồng khi người đó chưa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các bệnh viện chỉ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bị tâm thần ở giai đoạn cấp tính. Sau khi điều trị, bác sĩ giám định lại thấy sức khỏe , tinh thần họ ổn định, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì cho họ về với gia đình hoặc gia đình muốn đưa người bệnh về thì bệnh viện cũng sẽ cho về. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều 13 bộ luật hình sự, thì tình trạng không có nặng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp một người bị mắc bệnh tâm thần nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự bởi vì khi thực hiện hành vi phạm tội họ không mắc bệnh. Pháp luật nước ta cũng như một số nước trên thế giới đều quy định: chỉ người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng họ đang bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức thì mới không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (loại trừ trách nhiệm hình sự). Chỉ khi nào người mắc bệnh tâm thần tới mức làm mất khả năng nhận thức hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra mới được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu bệnh của họ chưa tới mức làm mất khả năng nhận thức tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình thì tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, họ phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm hình sự. Một người mắc bệnh tâm thần trong khi thực hiện hành vi phạm tội họ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng họ phải bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Đối với người lúc thực hiện hành vi phạm tội họ không mắc bệnh tâm thần nhưng sau khi phạm tội và trước khi toà kết án mà họ lại mắc bệnh tâm thần tới mức không nhận thức được hành vi của mình thì họ cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, nhưng sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 49 BLHS 2015).
Quản lý người bệnh tâm thần để ngăn ngừa tình trang họ gây án mạng?
Việc trang bị kiến thức cho người thân của người mắc bệnh tâm thần là rất quan trọng. Từ đó giúp phát hiện, ngăn ngừa hành hành vi nguy hiểm, cũng như quản lý tốt đối tượng này tại gia đình. Người bị bệnh tâm thần gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Trong khi đó hệ thống các trung tâm có thể thu nhận, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho họ còn rất hạn chế.
Do đó, phần lớn những người bị tâm thần sống với gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là gia đình và cộng đồng không được trang bị các kiến thức, kỹ năng để phục vụ, chăm sóc và giúp đỡ người tâm thần trong cuộc sống; cũng như không hiểu biết về những thể, dạng tâm thần khác nhau.
Cho nên, nhiều trường hợp tâm thần phân liệt đã gây nguy hiểm cho gia đình và cộng đồng, thậm chí gây án mạng như thời gian qua, do chúng ta chưa có giải pháp phòng ngừa. Đây là điều cần phải nhìn nhận và có những giải pháp để khắc phục và giảm thiểu trong thời gian tới.
Chúng ta cần có những chính sách trợ giúp nhóm đối tượng này. Đối với người tâm thần đặc biệt nặng đang ở cộng đồng, ngoài trợ cấp cho bản thân người bệnh, còn có trợ cấp hàng tháng cho người chăm sóc và phục vụ. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ bởi những gia đình có người bệnh mãn tính, điều trị lâu năm phần lớn rơi vào cảnh nghèo túng.
Điều quan trọng là cần trang bị cho người thân của bệnh nhân tâm thần phương pháp chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ ngay từ trong gia đình. Người thân, cộng đồng phải nhận biết được những dấu hiệu nguy hiểm khi bệnh gia tăng, hoặc tái phát. Điều này cần được tập huấn, hướng dẫn, phổ biến cho người dân. Từ đó giúp giảm thiểu hậu quả xấu do hành vi vô thức của người tâm thần gây nên.
Đối với người bệnh tâm thần sau khi được điều trị tại các trung tâm, bệnh viện trở về, gia đình phải nắm được những kiến thức cơ bản về chăm sóc, cách quản lý người bệnh.
Cần nhận biết được những biểu hiện khi người bệnh chuẩn bị tái phát hoặc có biểu hiện khác thường để có hướng xử lý. Nếu nhẹ thì cho uống thuốc theo chỉ dẫn; trường hợp người bệnh lên cơn kích động, cần phải đưa đến trung tâm hoặc bệnh viện để điều trị, tránh rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi người mắc bệnh tâm thần phạm tội?
Những vụ án hình sự mà thủ phạm là người tâm thần vẫn diễn ra đau lòng như thế. Điều đáng nói là những vụ án này sẽ không xảy ra nếu chúng ta ngăn chặn kịp thời. Trách nhiệm ngăn chặn này không thuộc về riêng một tổ chức nào mà thuộc về mọi người và trước hết là những người thân của các bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tâm thần được điều trị đúng phương pháp và được sống trong một môi trường có sự giám sát chặt chẽ thì chắc chắn họ không có khả năng gây hại cho ai.
Nhiều người tâm thần không ý thức được về việc mình đã gây ra, vì thế hầu như họ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng trách nhiệm khi người tâm thần gây án thuộc về ai cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
Vấn đề đặt ra ở đây, ai sẽ là người cầm chịch trong việc đưa người tâm thần đi chữa bệnh, ngành nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm cái đó? Cơ quan công an chỉ đứng ra làm công tác phòng ngừa, yêu cầu gia đình bệnh nhân đưa người bệnh vào các trung tâm chữa trị, nhưng nếu họ không có tiền hay vì một lý do nào đó mà không đưa người bệnh đi chữa trị thì cũng không thể xử lý được.
Hơn nữa, bệnh tâm thần có đặc điểm khác biệt so với các bệnh khác là không phải chữa trị ngày một ngày hai sẽ khỏi mà kéo dài hàng tháng trời, thậm chí hàng năm ròng, gây tốn kém cho gia đình bệnh nhân. Ngoài ra, những bệnh nhân này thường gây khó khăn cho bệnh viện, người ta phải nhốt lại, nếu không cẩn thận thì họ còn đập phá, trốn, có khi lại gây án trong bệnh viện.
Thường thì số người tâm thần và có biểu hiện tâm thần phạm tội, bị xử lý được trước pháp luật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cá biệt, trong một số trường hợp, việc củng cố hành vi phạm tội của người tâm thần và có biểu hiện tâm thần chỉ trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi vì bản cung và lời khai của bị can không thể lấy được.
Qua thực tế, có thể thấy các vụ án thủ phạm là người tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần đều gây hậu quả nghiêm trọng. Và đa phần, các nạn nhân, gia đình bị hại và gia đình bị can đều biết rõ tình trạng bệnh của người thân mình. Nhưng nhiều người quá chủ quan hoặc chưa có biện pháp đối phó hợp lý.
Người tâm thần giết người gây ra những tác động xã hội nặng nề. Hệ lụy từ những vụ án do người tâm thần gây ra đều nằm ngoài mối quan hệ hung thủ – nạn nhân. Nó đòi hỏi cần có một cơ chế quản lý mang tính phòng ngừa, ngăn chặn cao hơn, chứ không thể cứ xảy ra rồi mới hối tiếc và đổ lỗi cho kẻ… tâm thần.
Theo qui định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực thi hành thì một người chỉ được công nhận là mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất năng lực hành vi chỉ khi và sau khi có quyết định hoặc bản án của Tòa án Nhân dân có thẩm quyền tuyên bố về điều này. Khi đó, cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên” theo quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ.
Nếu một người được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là mắc bệnh tâm thần thì khi bệnh nhân thực hiện hành vi phạm tội, người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra nếu không chứng mình được mình không có lỗi (khoản 3 Điều 586 BLDS)