Sản xuất trong khu dân cư, những hệ lụy đến môi trường, người dân xung quanh và quy định của pháp luật
Để đảm bảo cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững, từ nhiều năm trước, các tỉnh đã có chủ trương thành lập các cụm công nghiệp và đưa ra lộ trình yêu cầu các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, có nguy cơ ô nhiễm môi trường phải vào cụm công nghiệp. Trong khi các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tác động xấu tới môi trường vẫn chưa được di dời theo yêu cầu thì tại nhiều khu vực dân cư, cơ sở mới vẫn mọc lên gây bức xúc cho người dân. Thời gian qua, nhiều người dân trú tại phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội phản ánh tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn vì tiếng máy xay kêu to như tiếng máy khoan tường, kêu liên tục và kêu to vào lúc 4 rưỡi và 5 giờ sáng và mùi thức ăn (mùi phi hành mỡ xôi xéo và mùi mắm thịt) và mùi khí than độc hại xộc vào nhà.
Thứ nhất, về hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư, theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định của Chính phủ về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nếu hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép theo quy định của pháp luật thì cá nhân có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp xử lý vi phạm trên và khắc phục hậu quả của vi phạm này.
Theo quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).
Nếu hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Theo đó, cơ sở sản xuất kinh doanh có hành vi gây ra tiếng ồn có thể bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng tới 160 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có thể bị đình chỉ hoạt động và phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật và chi trả kinh phí trưng cầu giám định, phân tích mẫu tiếng ồn.
Như vậy, nếu xung quanh khu dân cư có các cơ sở sản xuất, kinh doanh (quán karaoke,…) gây tiếng ồn. Trước hết, điều nên làm có thể hai bên nói chuyện thỏa thuận giải quyết các mâu thuẫn, bức xúc dựa trên tình, lý. Từ đó, hiệu quả được nâng cao, mâu thuẫn được hóa giải những vẫn không làm sứt mẻ tình cảm hàng xóm láng giềng, Việc hòa giải cũng hạn chế phát sinh các “điểm nóng” về khiếu kiện gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Người dân nên đến gặp những người có tiếng nói trong nhóm khu dân cư, đứng đầu ngõ, phố, tổ trưởng tổ dân phố để nhờ họ hòa giải trước. Nếu hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh không chịu cải thiện hoặc có những hành vi gây hấn, đe dọa thì người dân có thể khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường nơi người dân sinh sống để yêu cầu họ chấm dứt hành vi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của gia đình. Cùng với đơn khiếu nại, người dân có thể gửi kèm các bằng chứng chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn và ý kiến của người dân quanh khu dân cư để Uỷ ban nhân xã có cơ sở giải quyết. Nếu việc gửi đơn khiếu nại không giải quyết triệt để được vấn đề. Người dân có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người dân cư trú nếu mức độ gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng và có cơ sở yêu cầu người gây tiếng ồn bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Trong khu dân cư, việc chung sống với nhau còn về lâu dài vì vậy trước tiên nên giải quyết mọi vướng mắc mâu thuẫn dựa trên việc hòa giải, giải quyết dựa trên tình cảm, không nên dùng những biện pháp giải quyết quá gay gắt nếu chưa cần thiết.
Thứ hai, việc đun khí than trong khu dân cư, việc đốt than gây ảnh hưởng đến những người dân xung quanh có thể được xem là hành vi thải khói bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí và hành vi này là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Mặc dù chưa có quy định cấm sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt. Tuy nhiên, đốt than tổ ong sẽ sinh ra nhiều loại khí độc như CO, CO2, lưu huỳnh… khi hít vào dễ có cảm giác mệt mỏi, khó thở, tức ngực, nặng hơn có thể bị hôn mê sâu và dẫn tới tử vong, do đó hành vi hành vi đốt than tổ ong trong trường hợp thải chất độc hại vào không khí gây ô nhiễm, mức ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn thì sẽ bị xử lý.
Căn cứ để xử lý là việc đun bếp than trực tiếp gây ra sự đau ốm, bệnh tật cho những người xung quanh hoặc làm cho tình trạng bệnh tật của họ ngày càng trầm trọng. Trong trường hợp này, người gây ra ô nhiễm sẽ phải bồi thường cho nạn nhân hoặc bị phạt hành chính, nặng thì có thể sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự. Trường hợp có thể chưa gây ra tình trạng bệnh tật tức thì có thể đo hàm lượng độc hại của carbon, các hợp chất khác trong thành phần than tổ ong có trong không khí xem có vượt tiêu chuẩn cho phép hay không. Từ những mức độ cụ thể đo được có thể gửi đơn đến cơ quan chức năng xem xét xử lý trách nhiệm của hộ dân đó. Nếu hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi gây ô nhiễm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, cụ thể căn cứ vào mức độ, cũng như hành vi gây ô nhiễm môi trường cụ thể, người gây ô nhiễm sẽ bị cảnh cáo trong trường hợp vi phạm lần đầu hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính không quá 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức (căn cứ theo Điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).
Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính, cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì cá nhân, tổ chức buộc phải chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của mình căn cứ vào Điều 55 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.