Trợ cấp thất nghiệp là khoản hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng với người lao động sau khi nghỉ việc. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp càng cao, vậy người lao động sử dụng mẫu đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nào để được giải quyết nhanh nhất
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm giấy tờ gì?
Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
– Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
– Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ:
+ Hợp đồng đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
+ Quyết định thôi việc;
+ Quyết định sa thải;
+ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
+ Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;
+ Xác nhận của người sử dụng lao động có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Xác nhận của cơ quan Nhà nước về việc doanh nghiệp/hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp/hợp tác xã;
+ Xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động (do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp).
Lưu ý:
Với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 03 – 12 tháng thì giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu.
Tùy vào trường hợp nghỉ việc cụ thể của bạn để chuẩn bị loại giấy tờ phù hợp.
Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện thế nào?
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ cần thiết nêu trên, người lao động thực hiện các bước sau đây (căn cứ Điều 17, 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP):
Bước 01: Nộp hồ sơ
Trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp.
Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp:
– Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;
– Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền;
– Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Bước 02: Tiếp nhận hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả
Trung tâm dịch vụ việc làm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện.
Bước 03: Giải quyết hồ sơ
– Trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Trung tâm dịch vụ việc làm xem xét, trình Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động
– Trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm xác nhận về việc đã giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động vào sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) và gửi lại người lao động cùng với quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bước 04: Chi trả trợ cấp
Cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Từ tháng thứ 02 trở đi, trợ cấp thất nghiệp được trả trong 05 ngày làm việc, tính từ ngày thứ 07 của tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Lưu ý: Hàng tháng, người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp về tình hình tìm kiếm việc làm, trừ các trường hợ sau:
– Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;
– Trường hợp bất khả kháng.
Người viết – Nguyễn Thị Bích Ngọc