Có ly hôn được với người đang “lao động chui” ở nước ngoài hay không?
Hỏi: Đầu năm 2015, tôi và anh B lấy nhau và có đăng ký kết hôn. Sau khi kết hôn, anh B đi làm ăn ở nước ngoài nhưng sau khi hết hạn hợp đồng anh B không về nước mà tiếp tục ở tại nước ngoài lao động không có giấy phép. Do mâu thuẫn hai vợ chồng không liên lạc với nhau, hiện nay tình trạng hôn nhân trở nên trầm trọng dẫn đến đời sống chung không thể kéo dài. Tôi dự định sẽ gửi đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết được ly hôn nhưng do Tôi không biết rõ địa chỉ của anh B ở nước ngoài. Vậy trong trường hợp này Tôi có thể làm thủ tục ly hôn được không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài có một số điểm khác so với thủ tục ly hôn trong nước. Hiện nay việc ly hôn có yếu tố nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết trên thực tế.
- Khái niệm về hôn nhân và quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài
Căn cứ vào khoản 1 và khoản 25, Điều 3 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định:
– Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn.
– Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Nghị định 138/2006/NĐ-CP về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài quy định:
– “Người nước ngoài” là người không có quốc tịch Việt Nam, bao gồm người có quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch.
– “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
- Thế nào là xuất khẩu lao động chui?
Xuất khẩu lao động “chui” được hiểu đơn giản là việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thông qua các công ty xuất khẩu lao động chính thống mà đi theo con đường tiểu ngạch (hay còn gọi là vượt biên trái phép) không theo các hình thức người Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng được quy định tại Điều 5 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
Lao động chui thường có các hành vi trốn tránh, che dấu địa chỉ, sử dụng các loại giấy tờ nhân thân giả nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan quản lý nước sở tại. Vì vậy, thường các vụ ly hôn với người có chồng hoặc vợ đang là “lao động chui” gặp khó khăn trong việc không xác đinh được địa chỉ cư trú để có thể thực hiện được hoạt động ủy thác tư pháp trong một số công việc như ghi lời khai, tống đạt giấy tờ, thu thập chứng cứ, xác minh địa chỉ, trưng cầu giám định.
- Vậy trường hợp không xác định được địa chỉ của người “lao động chui” thì vợ hoặc chồng có tiến hành việc ly hôn được hay không?
Căn cứ vào tiểu mục 2.1, Mục 2, Chương 2 Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP quy định như sau về ly hôn có yếu tố nước ngoài:
“ Đối với trường hợp công dân Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với công dân Việt Nam đã đi ra nước ngoài. Khi giải quyết loại việc này, cần phân biệt như sau:
– Đối với những trường hợp uỷ thác tư pháp không có kết quả vì lý do bị đơn sống lưu vong, không có cơ quan nào quản lý, không có địa chỉ rõ ràng nên không thể liên hệ với họ được, thì Toà án yêu cầu thân nhân của bị đơn đó gửi cho họ lời khai của nguyên đơn và báo cho họ gửi về Toà án những lời khai hoặc tài liệu cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Sau khi có kết quả, Toà án có thể căn cứ vào những lời khai và tài liệu đó để xét xử theo thủ tục chung.
– Trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:
+ Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.
+ Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.”
Căn cứ Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ HĐTP việc xác định địa chỉ của người bị kiện có quy định như sau: “… c) Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài thì nơi cư trú của họ được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận, ….”
Tiếp đó, tại Công văn số 253/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 của TAND tối cao về việc giải quyết vụ án ly hôn có bị đơn là người Việt Nam ở nước ngoài nhưng không rõ địa chỉ thì:“Trường hợp người Việt Nam ở trong nước xin ly hôn với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ cung cấp được địa chỉ nơi cư trú cuối cùng ở Việt Nam của bị đơn mà không cung cấp được địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, nếu thông qua thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Tòa án cũng như không thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Tòa án thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên: Trường hợp Tòa án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Tòa án thông báo cho bị đơn biết thi Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung. Sau khi xét xử, Tòa án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị dơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bán sao bản án, quyết định tại trụ sở Uy ban nhân dân cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trủ để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng.
Mặt khác căn cứ vào Điều 9, Chương IV của Công văn 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử năm 2021 quy định: “ Người khởi kiện đã ghi đúng, đầy đủ địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ ghi trong giao dịch, hợp đồng thì Tòa án phải thụ lý vụ án mà không được yêu cầu người khởi kiện phải cung cấp bổ sung văn bản xác minh nơi cư trú của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà không tống đạt được văn bản tố tụng, xác minh tại địa phương thì họ đã đi khỏi nơi cư trú 6 tháng trước; đây được xác định là trường hợp người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan giấu địa chỉ. Tòa án căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Từ những phân tích trên, chị A vẫn được quyền yêu cầu khởi kiện ly hôn với anh B dù không cung cấp được địa chi của anh B ở nước ngoài. Tòa án vẫn phải tiến hành thụ lý vụ án và tùy theo sự hợp tác của nhân thân anh B tại Việt Nam để Tòa án có các cách xử lý phù hợp theo hướng dẫn nêu trên. Trường hợp anh thân nhân anh B hoàn toàn mất liên lạc với anh B thì thông thường sẽ làm thủ tục tuyên bố mất tích với anh B sau đó sẽ tiến hành làm thủ tục ly hôn thông thường.
CVPL. HNGĐ. Hoàng Tâm. 0911.328.108