Trong hai năm gần đây, cũng chính từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho đến nay, ngành y tế liên tiếp dính vào các vụ việc “nóng” liên quan đến chuyện lãnh đạo các bệnh viện, sở Y tế, thậm chí cả cán bộ cấp cục, cấp thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố, lĩnh án tù vì thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật. Mới nhất là vụ việc một công ty “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19, lợi dụng giữa lúc đại dịch căng thẳng để trục lợi, khiến dư luận không khỏi bất bình, căm phẫn.
Con số 4000 tỉ đồng là con số thể hiện doanh thu bán kit xét nghiệm “siêu lợi nhuận” của công ty đó chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng con số 30 tỉ đồng mà Tổng Giám đốc công ty “lại quả” cho Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương trong mùa dịch Covid-19 mới là điều gây sốc cho dư luận xã hội.
Mới cách đây khoảng 6 tháng, khi dịch bệnh còn đang hoành hành, cả nước vẫn nêu cao khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, bằng mọi giá phải cứu sinh mạng của người dân, Nhà nước cho phép các địa phương được chỉ định thầu, không qua đấu thầu, nhanh chóng mua kit xét nghiệm, các loại sinh phẩm, vật tư y tế,… đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Nhưng quyết sách linh hoạt đó đã bị những kẻ xấu làm méo mó, biến dạng để phục vụ cho lợi ích cá nhân.
Cơn đại dịch Covid-19 và sự tàn phá của chúng vẫn chưa dừng lại, hơn 20.000 người đã vĩnh viễn ra đi, hàng ngàn trẻ em mất cha lẫn mẹ, đó là nỗi đau chung của cả nước, cả cộng đồng. Lúc này ai cũng chỉ mong sao đại dịch sớm kết thúc, mọi thứ lại quay trở về quỹ đạo như đã từng.
Vậy mà, vẫn còn những cá nhân “ăn” cho riêng mình hàng chục tỉ đồng trên nỗi lo bệnh tật của nhân dân, đất nước. Là những cán bộ được nhà nước, nhân dân tín nhiệm, giao phó trách nhiệm trong tuyến đầu chống dịch, đáng lẽ, họ phải phát huy tối đa phẩm chất của người thầy thuốc, hết lòng vì sinh mạng của người dân, nhưng trái lại, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi.
Đối với các hành vi như: can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu sẽ bị xử lý về tội “Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nếu gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, các đối tượng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu số tiền thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng, mức án sẽ là phạt tù từ 03 năm đến 12 năm; nếu gây thiệt hại từ 1 tỉ đồng trở lên, sẽ bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hện tội phạm được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và sẽ phải xử lý thật nghiêm khắc, kịch khung hình phạt.
Mặt khác, cần làm rõ vai trò của chủ thầu trong việc lựa chọn công ty sản xuất và cung ứng bộ kit xét nghiệm, bởi một bộ kit test được coi là “chuẩn” khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận và Bộ Khoa học – Công nghệ cấp phép, đưa vào sử dụng. Đó là điều kiện tối thiểu để đánh giá năng lực của một công ty và chất lượng sản phẩm. Với những thông số như: phòng sản xuất chỉ có 10 người, xưởng sản xuất có diện tích vỏn vẹn 10m2, thiết bị, máy móc là vài chiếc tủ cấp đông, máy tách chiết đã cũ,… chắc hẳn ai cũng hiểu và đánh giá được mức độ năng lực của công ty đó. Ngành y tế nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cho phép thực hiện đấu thầu cũng phải chịu trách nhiệm chính khi không sát sao trong công tác kiểm tra, giám sát đấu thầu.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cần làm rõ có hay không hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ; rửa tiền, trốn thuế,… để tiến hành khởi tố và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trong các vụ án có dấu hiệu đồng phạm, cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò, mức độ hành vi của từng đối tượng, để làm cơ sở giải quyết vụ án cho khách quan công bằng, đúng người, đúng tội.
Đưa vụ việc ra ánh sáng, dù đau đớn thế nào chúng ta cũng không thể không làm. Chặt một cành sâu, thậm chí nhiều cành sâu để cứu lấy cái cây thì dù khó khăn bao nhiêu cũng phải quyết tâm thực hiện. Những kẻ thoái hóa, “đục nước béo cò” cần phải bị thanh lọc, trừng trị nghiêm khắc. Nếu không, chúng ta sẽ có lỗi với sự hy sinh, mất mát không thể đong đếm được của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu. Bao nhiêu người vì cộng đồng mà vĩnh viễn không trở về, bao nhiêu người đổ mổ hôi, công sức mà không được trả thù lao và phụ cấp tương xứng.
Chúng ta vẫn luôn cố gắng học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong việc “Nói đi đôi với làm”, nhưng có những người lại: “Nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm”. Tổng Giám đốc công ty nói trên đã phát biểu: “Tôi không thích câu “người Việt dùng hàng Việt” bởi lâu nay một số doanh nghiệp Việt vẫn lợi dụng nó để nâng giá sản phẩm. Tại sao chúng ta không quan niệm người Việt dùng hàng tốt, giá tốt. Hàng sản xuất trong nước hoàn toàn có lợi thế so với hàng nhập khẩu, ít nhất về chi phí vận chuyển”. Nhưng rốt cục, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở nói đạo lý, còn thực tế ông sẵn sàng “bắt tay” với nhiều lãnh đạo, cán bộ khác để nâng khống giá kit xét nghiệm, trục lợi số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho người dân và Nhà nước.
Câu nói đúng đắn nhất trong trường hợp này chỉ có thể là: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật, đối mặt với các hạn chế yếu kém trong quản lý của ngành y tế hiện nay, bởi nhiều cán bộ có danh xưng cao quý có trình độ chuyên môn rất giỏi, nhưng khi trở thành lãnh đạo quản lý lại ngay lập tức bộc lộ sự yếu kém, không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở lĩnh vực quản lý chức vụ mà còn liên quan đến sai phạm về kinh tế, như đấu thầu và kế toán.
Ngành y là một ngành đặc thù, cho nên khi một bác sĩ được cân nhắc làm lãnh đạo quản lý bệnh viện phải hộ tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là đối với các bệnh viện công hiện nay, ngoài việc chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn trong việc chẩn đoán, điều trị, giám đốc bệnh viện cũng phải chịu trách nhiệm điều hành nhiều việc khác từ cơ sở vật chất, đội ngũ, mua sắm sinh phẩm, thiết bị y tế, đấu thầu.
Ngành nào cũng đều có những tích cực và tiêu cực nhất định, nhưng đối với ngành y – mục đích cao nhất hướng đến là phục vụ người bệnh. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức, tránh khi xảy ra chuyện là sử dụng các biện pháp hành chính, hình sự. Để làm được điều đó, trước hết, các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tạo răn đe, làm gương cho người khác. Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý điều hành lĩnh vực y tế, nhất là trong các bệnh viện công, công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, ngăn ngừa hậu quả xảy ra. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện chế tài quy trách nhiệm chính cho người đứng đầu các bộ, ngành trong việc giám sát, quản lý cấp dưới, không để xảy ra tình trạng cấp dưới chịu trách nhiệm, cấp trên vô can, đổ lỗi hoàn toàn cho cấp dưới.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết: Lệ Mai – CVPL
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com