Nạn xin đểu từ trước đến nay vẫn luôn là một vấn đề bức bối của xã hội, diễn ra ở khắp mọi nơi như: các bến xe, khu vực công viên, trường học, khu công nghiệp, đường quốc lộ,… và ngày càng lộng hành, gây mất trật tự, an ninh công cộng, cũng như gây tâm lý bức xúc cho người dân. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cơ sở dịch vụ phải đóng cửa, toàn dân thực hiện giãn cách xã hội theo yêu cầu phòng chống dịch thì chiêu thức “xin tiền” trực tiếp đã không còn có hiệu quả, và vì thế chiêu thức xin tiền “gián tiếp” – xin qua tin nhắn, điện thoại đã xuất hiện.
Đã có nhiều đối tượng có hành vi chặn đường, đe doạ bằng lời nói, hung khí để xin đểu tiền và đã bị khởi tố, tạm giam để đưa ra xét xử. Có thể kể đến một số vụ việc điển hình như: vụ 11 thanh niên chặn xe xin tiền các tài xế xe tải đường dài lúc 1-2 sáng tại Nghệ An, chiếm đoạt 5,1 triệu đồng; vụ đối tượng P.V.Đ chặn đường người bán nhung hươu để lấy 100.000 đồng tại Hà Tĩnh; hay chuyện N.C.T. chặn đường người đi đường xin đểu số tiền 200.000 đồng để mua ma tuý tại Quảng Bình; cho đến cả chuyện một băng nhóm kéo nhau đến vựa ớt để xin tiền với lí do: “đàn em dạo này khổ quá, nên xin ít tiền để “nhậu”! tại Đồng Tháp.
Táo bạo hơn là vụ việc cách đây 4 tháng, đối tượng tên M.X.C. tiến hành nhắn tin cho bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Nam để “xin” 2 triệu đồng, với lý do là để đối phó với một người phụ nữ khác. Mặc dù bà Hằng đã từ chối, nhưng đối tượng lại có hành vi đe doạ sẽ không để yên nếu yêu cầu không được đáp ứng. Bị từ chối lần thứ hai, đối tượng đã chủ động “hạ giá” xuống còn 500.000 đồng.
Nhận thấy đây là hành vi xấu, trái pháp luật, bà Hằng đã chuyển cho đối tượng 2 triệu đồng như lời đề nghị và sau đó đến tố giác hành vi tại cơ quan công an. Đây là một cách phản ứng và cách xử lý vô cùng đúng đắn và cần thiết. Mặc dù là một doanh nhân giàu có, nhưng số tiền dù ít hay nhiều phải được cho đi một cách xứng đáng và hợp lý, không thể có chuyện xin-cho một cách bất lịch sự và bừa bãi như trên.
Như vậy, qua một loạt các vụ việc trên cho thấy, hành vi của các đối tượng đã thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản, theo Điều 170 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Đây là tội danh có cấu thành hình thức, cho nên tội phạm hoàn thành ngay từ thời điểm có hành vi uy hiếp tinh thần người khác bằng thủ đoạn đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản, mà không phụ thuộc vào việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa hoặc giá trị tài sản là bao nhiêu. Việc định giá trị tài sản chiếm đoạt sẽ là căn cứ để xác định khung hình phạt đối với người phạm tội. Đối với trường hợp số tiền chiếm đoạt là 2 triệu đồng, M.X.C. sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự với mức phạt tù từ 1-5 năm.
Qua thông tin cho thấy, đối tượng M.X.C. là một Youtuber. Đáng lẽ là một người sáng tạo nội dung, mang thông tin đến cho người xem, C. phải là người thường xuyên tìm hiểu, cập nhật tin tức trong xã hội và tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho mọi người. Nhưng ngược lại, C. lại áp dụng tiện ích của mạng xã hội, áp dụng kinh nghiệm làm youtube của mình để xin tiền online và rơi vào hoàn cảnh: “Xin tiền đểu – đi tù thật”.
Đây là bài học cảnh tỉnh cho C. và tất cả mọi người, rằng không có chuyện xin tiền đùa của người khác mà không phải chịu trách nhiệm, đây cũng là một hình thức cưỡng đoạt tài sản theo quy định và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người dân khi gặp các tình huống tương tự như trên cũng nên bình tĩnh và có cách xử lý khôn khéo như bà Hằng, vừa bảo đảm an toàn cho bản thân mà tội phạm vẫn bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn