Tịnh thất Bồng Lai những ngày gần đây lại một lần nữa là cái tên nổi lên ở khắp các trang mạng xã hội và trang đầu của mọi tờ báo. Nhưng khác với những lần trước, lần này những thông tin trên mạng không dừng lại ở sự nghi ngờ hay còn gây tranh cãi, mà là một sự khẳng định: “Sự thật về nơi gọi là Tịnh Thất Bồng Lai, Thiền am bên bờ vũ trụ”, Khởi tố vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai vì lợi dụng hoạt động tôn giáo, từ thiện để trục lợi”,… Đáng nói hơn, điều làm cư dân mạng dậy sóng chính là sơ đồ huyết thống ở Tịnh Thất Bồng Lai cùng thông tin “ thầy ông nội” Lê Tùng Vân bị khởi tố về Tội loạn luân.
Quay trở lại thời điểm nhiều năm về trước, ông Vân đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, thành lập và hoạt động cơ sở tôn giáo mang tên Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức bất hợp pháp từ năm 1990, sau đó đến năm 2015, thành lập cơ sở “Tịnh thất Bồng Lai” thực chất là nhà của bà Cao Thị Cúc mà không xin phép cơ quan chức năng. Tịnh Thất Bồng Lai đã mạo xưng là “chùa”, “tịnh thất”, nuôi trẻ mồ côi, thu hút nhiều quần chúng hiếu kỳ, gây tranh cãi trong dư luận xã hội và hiểu lầm về Phật giáo. Ông Vân và những người liên quan đã có kế hoạch vô cùng tinh vi, bài bản và cố tình thực hiện điều đó chứ không phải chuyện không biết mà làm.
Tuy nhiên, dã tâm hiểm ác của ông Vân tại “tổ quỷ” không thể bị vạch trần vào thời điểm đó. Mặc dù đã bị dư luận xã hội nghi ngờ và lên tiếng phản bác, nhưng ông Vân và các cá nhân khác tại đây đã nhanh nhạy lấp liếm, bao che để bảo vệ “vỏ bọc” một cách hoàn hảo. Như vụ việc cô gái Diễm My, theo quan điểm của nhiều chuyên gia cũng như ý kiến của Luật sư Trần Xuân Tiền (Văn phòng Luật sư Đồng Đội – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi trả lời các trang báo đều cho rằng cô gái này chính là nạn nhân của “tà đạo”, u mê không lối thoát, nhẫn tâm bỏ mặc cả gia đình của mình. Song, Diễm My đã 22 tuổi, có quyền đến ở những nơi mình muốn và có đăng ký tạm trú tại Tịnh Thất Bồng Lai, vì thế các cơ quan chức năng khó có đủ căn cứ để vào cuộc, tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Vốn dĩ từ trước đến nay, xã hội luôn tồn tại các mặt đối lập: Xấu – tốt, thiện – ác. Cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng sẽ vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Và vì thế, chính dư luận xã hội đã góp phần đấu tranh chống lại cái ác, làm sáng tỏ sự thật rằng Tịnh Thất Bồng Lai thực chất là một “tổ quỷ” núp bóng với những kẻ ác có dã tâm vô cùng ghê gớm, tinh quái,…
Cuối cùng, người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai đã chính thức bị khởi tố với những hành vi như: Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và khủng khiếp hơn là hành vi Loạn luân, quan hệ cận huyết với nhiều người.
Khi đọc được thông tin này, câu hỏi đầu tiên mà dư luận xã hội đặt ra cho ông Vân đó là: Đạo đức của ông ta đã ở đâu? Liệu có còn nguyên tắc luân thường đạo lý trong cuộc sống tồn tại nơi đây? Vấn đề nhức nhối đã xảy ra trong suốt một thời gian dài, nhưng không có một ai lên tiếng, liệu có chuyện ông ta khống chế nạn nhân, do nạn nhân mắc bệnh tâm thần hay vì nguyên nhân nào khác? Nhưng suy cho cùng, có bất cứ lí do nào đi chăng nữa cũng không thể bao biện cho hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, nhân cách con người và hành vi đó đáng bị dư luận xã hội chỉ trích, lên án gay gắt, mạnh mẽ.
Sơ đồ huyết thống của Tịnh thất Bồng Lai (Nguồn: Internet)
Bên cạnh đó, dư luận cũng có nhiều nghi vấn rằng, với các chương trình gameshow, các đơn vị sản xuất – họ là nạn nhân hay đồng phạm? Rất khó để trả lời câu hỏi này, bởi trong lĩnh vực kinh doanh chương trình giải trí – vấn đề họ quan tâm nhất là lợi nhuận, lượng theo dõi và hiệu ứng khán giả. Nhưng có thể khẳng định một điều rằng, khán giả chính là nạn nhân của những chiêu trò, kịch bản hoàn hảo của những đối tượng lừa đảo, bởi họ đã bị u mê, đã trao đi sự thương cảm, ngưỡng mộ và cả tiền bạc cho những điều không xứng đáng.
Cũng có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận rằng, những sai phạm và hành vi trái đạo đức, pháp luật của ông Vân tại Tịnh Thất Bồng Lai và những cá nhân khác có liên quan đã diễn ra trong một thời gian dài, từ năm 2015, nhưng cho đến cuối năm 2020 mới tiến hành các hoạt động điều tra làm rõ vụ việc. Vậy thì liệu trong vụ việc này có sự bao che cho sai phạm của các cá nhân, tổ chức nào khác hay không? Liệu có tấm vải nào đằng sau đủ lớn để che chắn, cổ vũ, tiếp sức cho những hành vi phi nhân tính, đạo đức và pháp luật hay không? Vì sao những sai phạm rõ ràng và ngang nhiên như vậy nhưng các cơ quan chức năng chưa hề có biện pháp xử lý dứt điểm, ngay cả việc xử lý vi phạm hành chính cũng không thể thực hiện? Có hay không sự “né tránh”, làm ngơ của chính quyền? là những câu hỏi rất cần phải làm rõ.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, đây là một vụ việc hết sức phức tạp và có nhiều tình tiết cần phải làm rõ. Mặt khác, theo quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, “Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm”. Còn nếu căn cứ vào đơn tố giác của cá nhân, thì việc khởi tố chỉ được được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác điều tra, xác minh và xác định đã có sự việc phạm tội xảy ra đúng theo nội dung của tố giác. Vì vậy, khi những hành vi vi phạm pháp luật, băng hoại đạo đức của một kẻ mạo danh Phật pháp chính thức bị vạch trần, chúng ta cần ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan chức năng và lực lượng cảnh sát điều tra vì đã rất thận trọng xác minh các tình tiết xung quanh vụ việc để có đủ căn cứ khởi tố nhiều hành vi sai phạm của ông Vân và các bị can khác trong suốt một thời gian dài.
Tại thời điểm này, dư luận xã hội đều mong muốn mọi ẩn khuất, vi phạm ở đây phải được làm sáng tỏ, làm rõ những người đã tiếp tay cho tà am này lộng hành trong thời gian qua nhằm kiên quyết xử lý đúng người, đúng tội, thể hiện tính nghiêm minh, sự răn đe, giáo dục của pháp luật. Đồng thời, đây là cũng là vụ án nêu gương để chính quyền địa phương thực hiện tốt trách nhiệm quản lý, giám sát các cơ sở tôn giáo tại địa phương, có phương án xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm ngay từ ban đầu tại những địa điểm giả danh như trên để tránh gây lùm xùm trong dư luận xã hội.
Đây cũng là bài học lớn cho những ai bị ông Vân, Tịnh Thất Bồng Lai và sự u mê dẫn lối, ngộ nhận đây là một nhóm Phật tử, chu tăng ni và lên tiếng bênh vực, bảo vệ cho mọi hành động của họ. Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, sáng suốt, không bị mê muội, tin vào những nơi mạo danh Phật giáo, mạo danh tu sĩ nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo. Đồng thời, khi cúng dường, quyên góp tiền từ thiện, mỗi người cần phải xác định đó có chính xác là cơ sở tôn giáo không thông qua việc liên lạc với các Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại mỗi địa phương, để tránh trường hợp mất tiền cho các cơ sở gian dối như Tịnh thất Bồng Lai.
Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội có chia sẻ một số quan điểm, ý kiến chuyên gia trên phương diện pháp luật và đạo đức liên quan đến vụ việc trên. Kính mời quý khán giả cùng theo dõi tại video dưới đây:
https://youtu.be/vjS59WbXh30
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Website: https://dongdoilaw.vn
Người viết: Lệ Mai – CVPL
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com