“Chồng hờ”, “vợ hờ” là những cụm từ chỉ những cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng trên danh nghĩa nhưng không đăng ký kết hôn. Song, những mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường hay do những ghen tuông, nghi ngờ đối phương ngoại tình của những cặp vợ chồng “hờ” cũng để lại hậu quả không kém phần nghiêm trọng và đau thương. Còn nhớ, trước đó tại Long An đã xảy ra vụ án ông T. (41 tuổi) đâm chết vợ hờ vì ghen với chồng cũ của nạn nhân; hay tại Bình Thuận, người chồng “hờ” khi mâu thuẫn với vợ đã đập phá đồ đạc nên bị người vợ dùng dao đâm chết.
Mới đây, tại Tuyên Quang cũng xảy ra một vụ án giết người nghiêm trọng xuất phát từ việc, người phụ nữ bị “chồng hờ” gọi dậy bắt nấu cháo lúc rạng sáng nên đã dùng gậy gỗ, dao sát hại nạn nhân rồi giấu thi thể ở cống thoát nước gần nhà, sau đó trốn lên đồi bạch đàn sau nhà.
Theo thông tin ban đầu, người phụ nữ trong quá trình chung sống với chồng “hờ” cũng như khi bị lực lượng công an bắt giữ có dấu hiệu tâm thần, biểu hiện không minh mẫn. Đối với trường hợp này, căn cứ vào khoản 1 Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, bắt buộc phải thực hiện trưng cầu giám định để xác định tình trạng tâm thần, từ đó làm căn cứ để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự của bị can.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, nếu có căn cứ cho rằng thời điểm bà C. thực hiện hành vi phạm tội (dùng gậy gỗ, ống điếu, thùng gỗ và dao, đánh, chém nhiều nhát vào đầu, người ông T.) trong khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người mắc bệnh tâm thần thông qua người đại diện hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự do hành vi của mình gây ra.
Trong trường hợp xác định được bà C. mắc bệnh tâm thần nhưng tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, cụ thể là trong khi thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn đủ tỉnh táo và nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mình thực hiện thì bà C. sẽ bị xử lý hình sự về tội “Giết người” (Điều 123 Bộ luật hình sự). Với các tình tiết tăng nặng như phạm tội có tính chất côn đồ (sử dụng hung khí đánh vào các vùng trọng yếu của nạn nhân), có hành động xảo quyệt nhằm che giấu tội phạm (phi tang xác thi thể nạn nhân dưới cống nước), bị can có thể phải đối mặt với khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, nếu trước khi bị kết án mà bà C. mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, bà C. có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Song cần lưu ý rằng, việc pháp luật hiện hành quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, được xem như là “lỗ hổng” để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc “giả tâm thần” hòng thoát vòng lao lý. Cho nên, trong những vụ việc phức tạp mà người phạm tội có dấu hiệu tâm thần, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thể hiện hết trách nhiệm của mình, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm đối với đội ngũ giám định viên tâm thần, bảo đảm tính khách quan, minh bạch và công bằng trong việc xử lý vụ án.
Nguyên nhân ban đầu dẫn đến những hành động dã man và hậu quả đau xót của đa số các vụ việc kể trên đều xuất phát từ những mâu thuẫn không đáng có trong đời sống của hai bên. Song, mâu thuẫn dù lớn hay nhỏ mà các bên không bình tĩnh, có giải pháp tháo gỡ mà để cơn giận lấn át lý trí thì mọi mâu thuẫn sẽ trở thành bi kịch. Như những vụ việc trên, các đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội đều ở trong trạng thái phẫn nộ đến mức mất kiểm soát hành vi, trong khi đó, nạn nhân lại hoàn toàn bị động và bất ngờ trước hành vi của các đối tượng gây án.
Trong quan hệ hôn nhân hay giữa các cặp vợ chồng “hờ”, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc bất hòa, nhưng điều quan trọng là, người trong cuộc cần bình tĩnh, đưa ra giải pháp tháo gỡ mâu thuẫn nhỏ, không nên để tích tụ lâu ngày, dẫn đến hiểu lầm, sẽ phát sinh chuyện lớn, nghiêm trọng hơn là dẫn đến bi kịch: người chết – kẻ đi tù. Hơn nữa, trong xã hội văn minh hiện đại, người dân cần đặt mình vào khuôn khổ pháp luật, cư xử văn hóa, văn minh, không nên nông nổi nhất thời, đánh mất lý trí, hành xử côn đồ, phương hại người khác, biến bản thân thành tội phạm.
Để hạn chế những vụ án đau lòng trên, bản thân mỗi người trong cuộc cần nhận thức đúng đắn mối quan hệ, chuyên tâm xây đắp, cho dù là mối quan hệ chồng hờ vợ tạm. Trong đó, cần hết sức tránh việc tranh cãi, xô xát leo thang, nói qua nói lại “đổ thêm dầu vào lửa”, rồi vì một giây phút thiếu kiềm chế, thiếu kiểm soát bản thân mà để lại những hậu quả đáng tiếc cho chính mình, gia đình và xã hội.
Ngoài ra, cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và đoàn thể tại địa phương, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật và đạo đức cho mỗi người dân, lên án những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình tại địa phương, kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn trong các gia đình, tránh để kéo dài dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Mặt khác, khi có vụ án xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng cần tăng cường phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng người đúng tội, đúng quy định để tạo tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật và góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: CVPL Lệ Mai
SĐT: 0396018496 – Email: mmaivk22@gmail.com