Đã 2 năm trôi qua kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, gây ra bao nhiêu mất mát, thiệt hại về kinh tế cho đất nước và tính mạng của nhiều người dân, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thời điểm đó cho đến nay, cả đất nước, cộng đồng xã hội đã tham gia vào cuộc chiến chống dịch bệnh bằng tất cả nguồn lực và một tinh thần không khuất phục. Từng bước, chúng ta dần chủ động khống chế được dịch bệnh, dần thích ứng với hoàn cảnh và đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Nhìn lại giai đoạn khó khăn khi cả nước phải gồng mình chống dịch, bên cạnh nỗ lực của tập thể y bác sĩ, quân đội và nhân dân Việt Nam, bên cạnh những đau thương, mất mát của đồng bào, lại xuất hiện một nhóm đối tượng bao gồm các quan chức, chuyên gia đầu ngành và doanh nghiệp, phối hợp với nhau để làm giàu bất chính trên khó khăn của người dân. Đây là một vụ việc đáng buồn và và đáng báo động đối với đạo đức công vụ và đạo đức hành nghề của một số cán bộ đầu ngành, đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nói chung và phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng.
Diễn biến vụ việc:
Vào khoảng nửa đầu năm 2020, sau khi Việt Nam đón làn sóng dịch covid lần thứ nhất, tại thời điểm đó, vaccine phòng chống Covid-19 chưa được phổ biến dẫn tới cần thiết phải truy vết và xét nghiệm các ca F0, F1. Do đó nảy sinh ra nhu cầu sử dụng sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 (sau đây gọi chung là Kit test) để phát hiện và truy vết bệnh nhân. Tuy nhiên dù đã có các nghiên cứu và chế tạo đạt tiêu chuẩn mà WHO đề ra, nhưng vào thời điểm này, Bộ Khoa học Công nghệ lại giao trực tiếp cho Học viện Quân Y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo sinh phẩm xét nghiệm. Theo báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học cấp nhà nước, tổng chi phí từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,98 tỷ đồng.
Chỉ sau khoảng một tháng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của Học viện Quân Y và Công ty Việt Á đã được thông qua và đưa vào phục vụ công tác phòng, chống dịch.Sau khi được cấp phép, Công ty Việt Á chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh sử dụng. Sau đó, ban lãnh đạo Việt Á cùng với đối tượng này hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các đơn báo giá… để nhanh chóng đưa bộ kit xét nghiệm vào sử dụng trên cả nước. Tổng số tiền thất thoát là khoảng 4000 tỷ đồng, trong đó số tiền Công ty Việt Á chi “hoa hồng” cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng. Ước tính, giá các bộ kit xét nghiệm đã được nâng khống lên khoảng 45%, mang về khoản lợi ích khoảng 500 tỷ đồng.
Nhận thấy có nhiều điểm bất thường về giá, phương thức đấu thầu và độ phủ toàn quốc một cách nhanh chóng của kit xét nghiệm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (CO3) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Công ty Việt Á. Lần lượt sau đó, bắt tạm giam và khởi tố 05 giám đốc CDC các tỉnh, 03 quan chức cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ KHCN và 14 người liên quan. Tới thời điểm hiện tại, CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam hai cán bộ của Học viện Quân y là Thượng tá Hồ Anh Sơn và Đại tá Nguyễn Văn Hiệu.
Khởi tố vụ án hình sự đối với sai phạm của cán bộ Học viện Quân y liên quan đến Công ty Việt Á
Tội danh mà các đối tượng bị khởi tố:
Theo quyết định khởi tố của cơ quan điều tra, các bị can trong vụ án nêu trên chủ yếu bị khởi tố các tội phạm về chức vụ. Căn cứ theo tổng mức thất thoát lên tới 4000 tỷ đồng, các bị can có thể phải đối mặt với các hình phạt, tùy vào hậu quả gây ra như sau:
- Tội Tham ô tài sản (Điều 353 BLHS): Các bị can có thể phải đối mặt với mức phạt tù lên đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy thuộc vào số tài sản chiếm đoạt và thiệt hại gây ra.
- Tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 BLHS): Theo quy định tại Điều này, mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu tài sản (một phần hoặc toàn bộ)
- Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS): Theo tính chất, mức độ của vụ nêu trên, do thiệt hại về tài sản là rất lớn, nên các bị can có thể phải chịu khung hình phạt là từ 05 đến 10 năm tù (nếu gây thiệt hại dưới 1 tỷ đồng) hoặc từ 10 đến 15 năm tù (nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên). Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 đến 05 năm, đồng thời bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng.
- Tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS): Đây là tội danh được xem xét với các hành vi đưa “hoa hồng” cho các giám đốc CDC hoặc các quan chức cấp vụ. Tùy theo giá trị tài sản được sử dụng cho hành vi đưa hối lộ, hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù giam và có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng.
- Tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS): Tùy vào mức tài sản, lợi ích đã nhận, hình phạt đối với các đối tượng nhận hối lộ có thể lên đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. Điều đáng nói là, khung hình phạt cao nhất của tội này áp dụng trong trường hợp của hối lộ có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. Mà trong vụ việc nêu trên, Việt Á đã dùng tổng cộng 800 tỷ đồng để lót tay cho giám đốc CDC các tính và các quan chức cấp vụ.
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật, kết hợp với tính chất, mức độ của vụ việc, các tội danh mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố thể hiện mức độ chính xác cao đối với tính chất của một vụ án tham nhũng điển hình, nơi có sự cấu kết của cơ quan có trách nhiệm cấp phép, chuyên gia nghiên cứu, quan chức có trách nhiệm quản lý và doanh nghiệp. Tất cả các hành vi phạm tội đều được thực hiện với sự phối hợp của các bên. Căn cứ theo các số liệu về vụ việc đã nêu tại phần diễn biến vụ việc, nhiều khả năng các đối tượng sẽ phải đối diện với mức án cao nhất của khung hình phạt bởi tổng số tiền dùng để tham ô, hối lộ và thất thoát gây ra là quá lớn, đặc biệt tội phạm lại được thực hiện trong hoàn cảnh nền kinh tế quốc dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch.
Ngoài trách nhiệm hình sự của các bị can, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, được hướng dẫn tại Nghị định 59/2019/NĐ-CP thì những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị do mình quản lý nếu để cơ quan mình có vụ, việc tham nhũng xảy ra thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. Cụ thể, các hình thức xử lý này có thể được đặt ra với người đứng đầu, cấp phó của Bộ KHCN, Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh mà có giám đốc CDC bị khởi tố.
Song song với trách nhiệm pháp lý, những cán bộ, quan chức trong vụ việc nêu trên còn phải đối mặt với những chế tài theo điều lệ, quy chế của Đảng. Căn cứ theo Điều 16, Quy định số 102/QĐ-TW Quy định về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm. Những cá nhân là Đảng viên mà vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ khỏi Đảng, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Chúng ta đều hiểu rằng, sự khan hiếm hàng hoá là một trong những nguyên nhân khiến giá thành hàng hóa tăng mạnh, đây là điều có thể thông cảm. Nhưng việc một số cá nhân, tổ chức lợi dụng sự khan hiếm, cần thiết của kit test để thông đồng, móc nối với các cá nhân có thẩm quyền để làm giá, qua đó nhằm trục lợi bất chính trong lúc cả nước đang vô cùng khó khăn là một điều không thể chấp nhận. Một câu hỏi lớn mà dư luận đặt ra xung quanh vụ việc trên là tại sao cơ quản lý không tham gia vào việc giám sát, kiểm tra sớm hơn để phát hiện sai phạm và ngăn chặn kịp thời, mà lại để cho đến khi sự việc đã đi quá xa, để lại thiệt hại lớn cho đất nước như vụ việc này?
Trách nhiệm của cơ quan quản lý trong vụ việc Công ty Việt Á không chỉ dừng lại ở ngành y tế, mà còn bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá, tài chính, thanh tra Bộ khoa học công nghệ. Bởi, nếu không có văn bản của Bộ Y tế giới thiệu công ty Việt Á, nếu không có văn bản của Bộ Khoa học Công nghệ và các vụ ngành khác giới thiệu về sản phẩm kit test của Việt Á đã được WHO thừa nhận thì Việt Á cũng không có cơ hội để thao túng thị trường đến như thế. Sự phối hợp giữa các quan chức với doanh nghiệp để thực hiện tội phạm cho thấy dấu hiệu đáng báo động của vấn đề lợi ích nhóm. Nếu các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, công nghệ làm việc công tâm, đúng trách nhiệm thì chắc chắn những bộ kit test chất lượng với giá cả hợp lý sẽ được bán ra thị trường và đưa đến cho người dân. Song, do sai phạm dây chuyền, mang tính chất liên ngành, mà đã dẫn tới hậu quả nặng nề và đáng buồn như vậy.
Chính vì những sai phạm, suy thoái nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo liên quan đến vụ việc này, hơn lúc nào hết, mong mỏi của người dân là cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời công khai kết quả phát hiện vi phạm trong từng giai đoạn và xử lý thật nghiêm cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm. Đồng thời, cần mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý và cả những người đã “bảo kê”, “chống lưng” cho các đối tượng trong vụ án này, nhằm xử lý tận gốc của vấn đề.
Vụ việc cũng là một hồi chuông cảnh báo rằng, trong cuộc chiến chống dịch hiện nay, chúng ta không chỉ phải đấu tranh với Virus Covid-19 mà còn phải đối mặt với virus “tham nhũng” với nhiều biến thể phức tạp. Mà nguyên nhân chính của tham nhũng đến từ chính lòng tham của con người. Nhìn lại những vụ bê bối trong ngành y tế trong thời gian gần đây như: vụ bắt tay nâng khống nhiều lần giá vật tư thiết bị y tế tại CDC Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai; các sở Y tế Cần Thơ, Sơn La… và giờ là vụ nâng khống giá kit xét nghiệm của Việt Á, chúng ta đều nhận ra rằng, khi con người để lòng tham lấn át, nó sẽ huỷ hoại mọi phẩm chất, đạo đức công vụ và liêm sỉ. Sai phạm đến từ lòng tham có thể xuất phát từ một, một vài người nhưng nó dễ dàng lan rộng trong bộ máy và gây ảnh hưởng đến cả một đất nước, xã hội.
Bản thân những người đang là cán bộ, công chức giữ các vị trí quan trọng nên tâm niệm rằng mình làm việc vì lợi ích của nhân dân, mình đang phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống, mọi người nên hướng đến “ý nghĩa” chứ không nên quá xem trọng vật chất để rồi sa ngã trong lòng tham. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Tiền bạc lắm làm gì, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Vì vậy, với tinh thần ấy, mỗi người cán bộ cần phải luôn cố gắng trau dồi, rèn giũa đạo đức, năng lực chuyên môn để trở thành người có phẩm chất tốt, đủ đức đủ tài để gánh vác trọng trách mà nhân dân giao phó. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm những cá nhân suy thoái đạo đức công vụ, vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm các quy định về chức vụ nói riêng, dù người đó là ai và giữ chức vụ gì. Chỉ có như vậy công lý mới được thực thi, và những vụ việc như Việt Á mới không còn xảy ra trong tương lai.
Trong quá trình hội nhập, đổi mới, mặt trái và những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã làm phát sinh những hành vi tham nhũng có tính chất phức tạp và ngày càng tinh vi. Nếu như trước đây, tham nhũng là những hành vi nhỏ lẻ, đơn giản, lợi ích vật chất không đáng kể, thì đến nay, lợi ích đó ngày càng lớn, thậm chí tạo thành lợi ích nhóm chặt chẽ, khép kín, gây lũng đoạn thị trường và thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước. Hoạt động tham nhũng hiện nay không dừng lại ở các cơ quan nhà nước, cơ quan công quyền mà còn có sự móc nối, câu kết giữa người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước với phía doanh nghiệp tư nhân. Để cải thiện vấn đề này, cần thiết phải lan truyền tinh thần doanh nhân chân chính, đi lên bằng thực lực cạnh tranh trong thị trường, bài trừ tư duy nhờ vả, trông chờ, móc ngoặc, sử dụng lợi ích kinh tế để biếu xén, hối lộ nhằm mục xin chính sách, thu lợi bất chính. Xây dựng một nền kinh tế thị trường lành mạnh, đảm bảo tác động của nhà nước chỉ ở mức độ định hướng và giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tránh gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, đó là nguyên nhân chủ yếu của tham nhũng.
Ngoài chú trọng uốn nắn và sửa đổi bộ máy lãnh đạo, cũng rất cần thiết quan tâm tuyên truyền, giáo dục và cải thiện nhận thức của nhân dân trong vấn đề này. Cụ thể là cần thay đổi tư duy ham quyền lực, sinh ra vấn nạn chạy chức, chạy quyền, tiêu cực trong giáo dục, thi cử. Cần làm cho dân hiểu, dân tin rằng quyền lực không phải là tất cả, điều cần hướng tới là đạo đức và các giá trị sống. Thay đổi tư duy sẽ dẫn tới thay đổi hành động, theo đó các gia đình, dòng họ nên hướng cho con, em học hành một cách thực chất để lấy kiến thức, để làm tròn trách nhiệm với đất nước và gia đình, tránh tư duy “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Song song với đó, cần quan tâm giáo dục cho lớp trẻ hiểu rằng những người liêm khiết mà thành công mới đáng trân trọng, để trong tương lai xã hội có một thế hệ biết phải trái đúng sai, có thái độ lên án vấn nạn tham nhũng một cách rõ ràng, dứt khoát. Làm được như vậy, thì tinh thần sống liêm khiết, chống tham nhũng sẽ được lan tỏa tới từng nhà, từng con người chứ không đơn thuần là những khẩu hiệu trên giấy mực vốn chẳng ai quan tâm.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Lệ Mai, Trần Đạt – CVPL Văn phòng Luật sư Đồng Đội