Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tình trạng nạo phá thai trong độ tuổi vị thành niên cũng đang gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó trước hết xuất phát chính từ bản thân giới trẻ thiếu kiến thức, có lối sống buông thả, sau đó là lỗi của những người làm cha mẹ ít quan tâm đến con cái, phó mặc cho nhà trường và “ngại” chia sẻ kiến thức giới tính rồi đến khi xảy ra hậu quả thì lại ép con mình đang trong độ tuổi vị thành niên phải nạo, phá thai. Vậy, quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề nạo, phá thai như thế nào và trường hợp cha mẹ ép con phải nạo, phá thai thì có vi phạm quy định pháp luật không, nếu có vi phạm thì bị xử lý như thế nào? Dưới đây là những chia sẻ của Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội về vấn đề trên.
Phá thai được định nghĩa y học như thuật ngữ về một sự kết thúc thai nghén bằng cách loại bỏ hay lấy phôi hay thai nhi khỏi tử cung trước khi đến hạn sinh nở bằng những dụng cụ y tế chuyên dụng. Ngoài ra, tại phần VII – Phá thai an toàn của Quyết định số 4620/QĐ-BYT cũng quy định: “Phá thai là chủ động sử dụng các phương pháp khác nhau để chấm dứt thai trong tử cung cho thai đến hết 22 tuần tuổi”.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 quy định phụ nữ được quyền nạo, phá thai theo nguyện vọng. Như vậy, pháp luật Việt Nam vẫn cho phép người phụ nữ được phép nạo, phá thai. Tuy nhiên, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT thì Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị… phù hợp với tiêu chuẩn do Bộ Y tế quy định, còn những trường hợp như thai đã quá 22 tuần tuổi hay vì lý do lựa chọn giới tính thì bị nghiêm cấm vì đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Vậy có thể thấy nếu người nạo, phá thai không vi phạm các điều cấm của pháp luật về việc phá thai thì vẫn được chấp nhận nhưng cần lưu ý, cân nhắc kĩ vì hành động này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và nguy hiểm hơn là tính mạng của người phụ nữ.
Trong thực tiễn, có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn mà cha mẹ của những trẻ này có ý định ép buộc con mình phá thai vì lý do tương lai đứa trẻ. Đây cũng là tâm lý chung của đa số các bậc phụ huynh khi có con trẻ “lầm lỡ” trong độ tuổi còn quá trẻ này. Đối với vấn đề này, theo Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VPLS Đồng Đội, phải được xem xét dưới góc độ pháp lý và góc độ đạo đức.
Dưới góc độ pháp lý, pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể về trường hợp cha mẹ ép con của mình là trẻ vị thành niên phá thai thì sẽ bị xử lý. Do đó, việc cha mẹ ép con phá thai chưa thể xử lý được. Tuy nhiên, nếu như cha mẹ có hành vi đe dọa, đánh đập, giam giữ và ép buộc con của mình phải đến cơ sở y tế để phá thai thì tùy theo mức độ, tính chất hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dưới góc độ đạo đức, hành vi ép con mình phá thai là một hành vi có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ vị thành niên cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe hậu phá thai khi thai nhi đã nhiều tuần tuổi. Bên cạnh đó, hành vi ép con mình phá bỏ đi thai nhi còn là hành vi tước đoạt đi quyền được sống của thai nhi đó hay nói cách khác là “bản án lương tâm” sẽ khiến cho những bậc làm cha mẹ, làm ông bà phải day dứt về sau.
Cũng theo Luật sư Tiền thì đối với những vụ việc này của con trẻ thì cha mẹ là người có trách nhiệm vô cùng quan trọng, bởi lẽ, giáo dục trong gia đình là một nền tảng to lớn sẽ tác động đến sự hình thành nhân cách của trẻ. Do vậy, mỗi bậc cha mẹ cần tự ý thức trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái, nhất là trong việc dạy cho con tự bảo vệ mình đối với các vấn đề liên quan đến quan hệ tình dục an toàn. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thường xuyên chia sẻ với con cái về tình cảm, tâm lý của trẻ trong độ tuổi “mới lớn” để nắm bắt tâm lý trẻ và kịp thời đưa ra những lời khuyên để con cái tránh được những trường hợp xấu có thể xảy ra trong chuyện “tình yêu tuổi mới lớn”.
Cùng với sự giáo dục của cha mẹ thì giáo dục giới tính trong nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần trang bị cho trẻ vị thành niên những kiến thức về quan hệ tình dục an toàn và sức khỏe sinh sản. Hiện nay, giáo dục Việt Nam vẫn còn khá “kín kẽ” trong việc đề cập đến vấn đề “quan hệ tình dục an toàn” và cũng chưa có môn học giáo dục giới tính trong hệ thống giảng dạy trong trường học, có thể là do tâm lý người Á Đông “ngại” đề cập nên hệ thống giáo dục cũng chưa thực sự chú trọng tới môn này trong giảng dạy. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống xã hội ngày càng tiến bộ thì chuyện giáo dục giới tính nên trở thành một vấn đề quan trọng và trở thành một môn bắt buộc trong hệ thống giáo dục hiện hành.
Ngoài ra, đối với trẻ vị thành niên, để tránh trường hợp mang thai ngoài ý muốn thì nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tránh tham gia các mối quan hệ “xấu, độc”, giữ an toàn cho chính mình trong các mối quan hệ với bạn khác giới. Khi gặp các vấn đề trong chuyện tình cảm nên tâm sự, chia sẻ với cha mẹ để cùng tìm ra giải pháp phù hợp giải quyết vấn đề cũng như tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra.
Tóm lại, vấn đề nạo phá thai và quy định của pháp luật hiện hành đã đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân phụ nữ mang thai đối với việc mang thai của mình. Tuy nhiên, đối với trường hợp cha mẹ bắt con mình đang trong độ tuổi vị thành niên bị mang thai ngoài ý muốn phải phá thai thì cần có quy định cụ thể trong trường hợp này để đảm bảo quyền, lợi ích cho trẻ vị thành niên cũng như thai nhi. Bên cạnh đó, mỗi bậc phụ huynh và nhà trường, xã hội cần có trách nhiệm trong việc giáo dục và góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của trẻ vị thành niên.
Quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền thông qua buổi phỏng vấn sáng ngày 18/05/2022: https://vt.tiktok.com/ZSdQLna6o/?k=1
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Đồng tác giả: Phùng Thị Phương Thảo Phạm Hà Trang