Trước tình hình giá xăng dầu liên tục biến động, hàng loạt các cây xăng treo biển “hết hàng” khiến người dân khó khăn trong việc mua hàng. Nhiều khán giả đã gửi câu hỏi đến Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội để mong Luật sư giải đáp các câu hỏi xung quanh vấn đề này.
1.Những ngày gần đây, hàng loạt cây xăng treo biển “hết hàng” đóng cửa không bán xăng gây bức xúc cho người dân. Nhiều cửa hàng giải thích nhà cung cấp chưa có hàng cung ứng cho các đại lý dẫn đến bắt buộc phải đóng cửa, ngừng bán. Luật sư nhìn nhận như thế nào trước việc này?
Luật sư cho biết xăng dầu là mặt hàng quan trọng và thiết yếu trong đời sống kinh tế xã hội, tình trạng các cây xăng đóng cửa tạm dừng hoạt động, mở cửa nhưng tình trạng các cửa hàng thông báo hết xăng dầu, bán nhỏ giọt… ngày càng phổ biến đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng và khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn khi không có phương tiện di chuyển.
Hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường ghi nhận, hầu hết các cửa hàng xăng dầu đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cá biệt, một số nơi hết hàng nhưng đây chỉ là cục bộ, tạm thời. Bởi thị trường đầu vào của xăng dầu Việt Nam không thiếu.
Ngoài ra, các cửa hàng treo biển “hết hàng”, ngừng kinh doanh cũng có nguyên nhân một phần từ việc chiết khấu xăng thấp, giảm, thậm chí có thời điểm còn giảm xuống 0 đồng do giá xăng trên thị trường biến động không ngừng.
Chính vì vậy, Cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra xem xét nguyên nhân để tránh tình trạng các cây xăng tích trữ xăng để đầu cơ, có hay không việc rò rỉ thông tin điều chỉnh giá xăng dầu để kịp thời xử lý nhằm ổn định sinh hoạt cho người dân. Nếu phát hiện ra các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi trái quy định trong việc cung ứng xăng dầu thì cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng các chế tài thật mạnh để không những xử phạt và còn răn đe, tuyên truyền pháp luật.
2.Thưa Luật sư, hiện nay không chỉ TP Hà Nội mới lâm vào tình trạng cửa hàng kinh doanh xăng, dầu không đủ hàng cung ứng cho thị trường mà nhiều tỉnh, TP cũng trong tình trạng tương tự. Nhiều cửa hàng cho biết, chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu giảm xuống 0 đồng khiến doanh nghiệp thua lỗ và càng bán càng lỗ. Điều này khiến doanh nghiệp không mặn mà. Luật sư đánh giá thực trạng này ra sao? Việc chiết khấu 0 đồng có tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không?
Luật sư cho biết, mức chiết khấu là tiền mà doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cắt lại các đại lý, cửa hàng bán lẻ tính trên mỗi lít xăng dầu, tức hoa hồng của các đại lý, cửa hàng bán lẻ.
Việc giá xăng dầu thay đổi liên tục dẫn đến việc điều chỉnh chiết khấu xăng dầu cũng tăng giảm liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp bán lẻ xăng. Thực tế, việc chiết khấu trên mỗi lít xăng dầu giảm sẽ khiến doanh nghiệp thua lỗ, riêng việc thuê xe bồn để chở xăng dầu đã tốn rất nhiều chi phí, chưa kể đến tiền trả công cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền điện, nước… Do vậy, việc các cửa hàng bán lẻ có ý định ngừng việc buôn bán xăng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, kinh doanh có thị trường, khi lãi cao, khi lãi thấp, thậm chí có khi lỗ. Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đều có các quy định về ổn định thị trường, ổn định nguồn cung, do vậy, tình trạng khan hàng, chiết khấu 0 đồng có thể liên quan đến đà tăng của giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, mức chiết khấu xăng dầu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ luật không quy định rõ mà để cho doanh nghiệp đầu mối xác định và chiết khấu cho thương nhân phân phối, thương nhân phân phối chiết khấu cho các cửa hàng bán lẻ. Do vậy, việc giảm chiết khấu xuống 0 đồng là phù hợp trong tình hình hiện tại. Tuy nhiên, cần phải nhanh chóng điều chỉnh giá xăng dầu để cân bằng lợi ích giữa các bên.
3.Các cây xăng không bán hàng thì có thể bị xử lý theo các quy định ra sao?
Trường hợp các cây xăng tự ý không bán hàng, ngừng bán hàng mà không có lý do chính đáng, không có thông báo hoặc chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền là hành vi trái quy định pháp luật. Theo điểm b khoản 4 Điều 35 Nghị định 99/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thì người hoặc tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tại Công văn số 1155/BCT-TTTN ngày 08/03/2022, Bộ Công thương quy định: “…nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.”
Trong khi đó, theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 15 Luật giá 2012 quy định Xăng, dầu thuộc danh mục hàng hóa bình ổn giá. Do đó, trường hợp có đủ bằng chứng chứng minh các cây xăng ngừng bán hàng để giữ hàng, găm hàng đợi khi có thông báo tăng giá rồi mới bán thì sẽ bị xử lý hình sự căn cứ vào Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về Tội đầu cơ.
Cá nhân thực hiện hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, tùy vào tính chất và hậu quả mà cá nhân này có thể bị phạt tù lên đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi trên thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 09 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
4.Để ngăn chặn, tránh tình trạng doanh nghiệp treo biển “hết hàng”, người dân gặp khó khăn khi mua hàng, cần phải làm gì, thưa Luật sư?
Cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân, gốc rễ của tình trạng thiếu hàng, không đủ hàng. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng, ngừng hoạt động, đóng cửa, Cục quản lý thị trường yêu cầu phải “đo bồn, bể” để xác định lượng hàng tồn kho. Nếu cùng một thương nhân phân phối mà cửa hàng có hoặc không có hàng thì cần phải làm rõ để xử lý nghiêm vi phạm nếu có.
Cần tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu và tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng, tăng giá trái phép, dừng bán hàng trái quy định và các vi phạm khác (nếu có) nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Nếu để xảy ra tình trạng hết hàng mà lực lượng quản lý thị trường không nắm bắt được thì quy trách nhiệm của Đội trưởng từng khu vực. Đồng thời, báo cáo tình hình lên Tổng cục để có biện pháp để triển khai, không để tình trạng khách vào rồi lại ra vì không có hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét, mở quy định cho phép đại lý bán lẻ được phép nhập xăng dầu từ 2 nhà cung cấp, giúp đa dạng nguồn cung, cạnh tranh giá và chất lượng.
Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu; tích cực phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để xử lý.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi