Tình trạng cơm chẳng lành canh chẳng ngọ trong cuộc sống hôn nhân đã không quá xa lạ gì đối với các gia đình hiện nay. Nhiều cuộc cãi vã đã dẫn tới những sự tổn thương, phá vỡ bầu không khi yên ấm của các gia đình. Không ít những cặp đôi đã lựa chọn giải pháp ly hôn để chấm dứt nhưng nỗi đau đang từng ngày gặm nhấm nội tâm của từng người. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng cảm bước qua rào cản gia đình, định kiến xã hội để tiến tới việc ly hôn. Chính vì vậy, nhiều bạn độc giả đã gửi đến Văn phòng Luật sư Đồng Đội những vướng mắc và mong muốn được các Luật sư có nhiều năm kinh nghiệm giải đáp. Dưới đây là một số vụ việc cụ thể:
-
Tình huống: Thưa Luật sư, tôi và chồng tôi tổ chức hôn lễ vào năm 2003 nhưng chưa đăng ký kết hôn. Chúng tôi có 02 con chung, 1 cháu sinh năm 2004, 1 cháu sinh năm 2010. Trong những năm gần đây, do không cùng quan điểm sống, chúng tôi thường xuyên to tiếng, căng thẳng, chồng tôi còn không tiếc thượng cẳng chân hạ cẳng tay với tôi. Vì các con nên tôi đã cam chịu nhưng chồng tôi ngày càng được nước lấn tới, thậm chí còn xuống tay mạnh hơn trước. Đến nay tôi thực sự không thể chịu đựng thêm nữa nên muốn ly hôn để chấm dứt tình cảnh này. Vậy tôi cần phải chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu gì để làm thủ tục ly hôn? Tôi cũng muốn hỏi thêm về vấn đề phân chia tài sản chung bao gồm: 1 căn nhà cấp 4 do tôi đứng tên và một sổ tiết kiệm 500 triệu. Kính mong Luật sư giải đáp giúp.
Như bạn đã đề cập, bạn và chồng bạn chưa đăng ký kết hôn mà chỉ tổ chức lễ cưới và chung sống với nhau từ năm 2003 đến nay, nên các bạn đã vi phạm quy định về đăng ký kết hôn tại khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, quan hệ vợ chồng giữa các bạn chưa được pháp luật công nhận mà chỉ được xác định là quan hệ chung sống như vợ chồng.
Trong trường hợp bạn muốn ly hôn do chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, thường xuyên đánh đập bạn thì có thể làm đơn đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết việc ly hôn căn cứ vào khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Theo đó, Tòa án sẽ thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai bạn. Đối với vấn đề con chung và tài sản chung, nếu hai bạn không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con và quan hệ tài sản cùng với yêu cầu về ly hôn. Đối với trường hợp của bạn chỉ muốn chia tài sản chung thì Tòa án sẽ giải quyết như sau: quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo quy định tại Điều 213 Bộ luật dân sự 2015, tài sản chung của các bạn bao gồm căn nhà cấp bốn và sổ tiết kiệm sẽ được chia theo thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án. Đồng thời, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Về mặt thủ tục, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
– Đơn yêu cầu/khởi kiện Tòa án giải quyết ly hôn (trường hợp hai bạn đều đồng ý ly hôn thì làm đơn yêu cầu thuận tình ly hôn gửi đến Tòa; còn nếu chỉ có bạn muốn ly hôn thì bạn gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nêu rõ yêu cầu ly hôn của mình);
– CMND/CCCD, hộ khẩu;
– Giấy khai sinh các con;
– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh tài sản chung: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm.
Sau đó, bạn sẽ nộp hồ sơ này đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Cụ thể, theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của bạn, trừ trường hợp bạn hoặc chồng bạn đang ở nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Xét đến thẩm quyền theo lãnh thổ, thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án do hai bạn tự thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án nơi chồng bạn cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết.
2. Em muốn làm thủ tục ly hôn đơn phương, em muốn giành quyền nuôi 2 con: 1 bé 2 tuổi 6 tháng, 1 bé 1 tuổi 6 tháng. Hiện tại, em đang ở nước ngoài, 2 con đang ở quê với ông bà nội, chồng em đang ở Hà Nội, chồng em ngoại tình nhưng em không có bằng chứng. Trước kia chồng em từng đánh em, em có ảnh và giấy khám xác nhận thương tích ở viện nhưng đã hơn 1 năm rồi thì còn dùng được giấy đó không. Xin nhờ các Luật sư giúp đỡ ạ.
Trường hợp của chị tôi xin tư vấn như sau:
Trường hợp ly hôn mà một trong các bên vợ chồng đang ở nước ngoài được xem là ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, công dân Việt Nam nếu không thường trú tại Việt Nam tại thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn sẽ được giải quyết theo pháp luật của nơi thường trú chung của hai vợ chồng. Tuy nhiên trường hợp không có nơi thường trú chung thì thủ tục ly hôn khi đang ở nước ngoài sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam. Đối với thủ tục ly hôn có giải quyết tài sản thì phải theo quy định của nước nơi có tài sản.
Theo đó, trong trường hợp của chị sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Căn cứ theo quy định tại Điều 469 và Điều 470, điểm a Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú của bị đơn ( tức là Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội).
Tuy nhiên, để có thể ly hôn đơn phương khi đang ở nước ngoài thì bạn phải có chứng cứ chứng minh hôn nhân đang rơi vào trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài. Đối với tài liệu chứng cứ thì bạn có thể nhờ người thân ở Việt Nam để thu thập thêm bằng chứng ngoại tình, còn đối với ảnh và giấy khám xác nhận bị thương ở viện bạn cũng có thể làm bằng chứng để chứng minh cho hành vi bạo lực gia đình.
Về vấn đề bạn có được quyền nuôi con hay không, trước hết sẽ do các bên tự thỏa thuận, thương lượng để đảm bảo lợi ích sự phát triển của con. Trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì áp dụng nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho người mẹ trực tiếp nuôi (trừ trường hợp chứng minh người mẹ không đủ điều kiện để chăm sóc nuôi dưỡng con). Đồng thời, tòa án sẽ xem xét điều kiện chăm sóc con của cha mẹ để đưa ra quyết định như khả năng kinh tế, điều kiện sinh hoạt, chỗ ở, thời gian chăm sóc, đời sống tinh thần mà cha hoặc mẹ dành cho con.
Tuy nhiên, hiện tại bạn đang ở nước ngoài nên việc chị có thể thành quyền nuôi con sẽ khó khăn và đây được xem là yếu tố bất lợi trong việc giành quyền nuôi con khi giải quyết ly hôn tại Tòa án nên nếu chị có thể về Việt Nam thì quyền nuôi con của chị sẽ đỡ bất lợi.
3. Gia đình em gồm có 5 người: ba, mẹ kế, 2 anh trai và em. Mẹ kế với ba em ko có con chung. Và mẹ kế cũng ko có con riêng. Ba em và mẹ kế cũng ko có tài sản chung. Tài sản hiện tại là do ông bà để lại. Ba của em mất không để lại di chúc. Khi đi làm giấy tờ nhà đất em và anh trai được cán bộ địa chính tư vấn là nên uỷ quyền giao lại toàn bộ quyền sử dụng đất giao cho mẹ kế rồi mẹ kế chia lại cho 2 anh em để dễ làm thủ tục hơn. Vì vậy 2 anh em đã ký và giao lại quyền sử dụng đất cho mẹ kế. Nhưng khi thủ tục hoàn tất, mẹ kế ko chia lại cho 2 anh em. Bây giờ có cách nào để em và anh trai lấy lại đất đc ko ạ. Nếu mẹ kế muốn viết di chúc thì di chúc đó có hiệu lực ko ạ. Mong đc luật sư tư vấn, em cám ơn ạ.
Với trường hợp của bạn, Luật sư tư vấn như sau:
Do bạn không nói rõ tài sản của ông bà để lại có giấy tờ gì hay không, hay còn thành viên nào trong gia đình thuộc diện hưởng di sản thừa kế của ông bà (bố mẹ bạn có anh chị em không), nên giả sử trong trường hợp ba mẹ bạn là người thừa kế duy nhất đối với mảnh đất. Thì do mảnh đất là tài sản chung của vợ chồng, nên ba bạn và mẹ ruột của bạn sẽ được hưởng ½ di sản (mảnh đất).
Đối với phần thừa kế của ba bạn, vì ba bạn không để lại di chúc nên việc chia thừa kế mảnh đất sẽ căn cứ theo pháp luật. Trong trường hợp ba bạn có đăng ký kết hôn với mẹ kế thì mẹ kế, và hai bạn được xác định là các đồng thừa kế của ba bạn được chia di sản thừa kế là mảnh đất trên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 và sẽ được hưởng phần di sản như nhau. Các bạn có quyền ủy quyền cho mẹ kế để thực hiện các thủ tục liên quan đến mảnh đất này và có quyền được hưởng phần di sản này (nhận đất hoặc nhận tiền). Do vậy, việc mẹ kế không trả lại đất cho các bạn là không có căn cứ.
Khi bạn đã hoàn tất thủ tục ủy quyền nhưng mẹ kế không trả lại đất cho các bạn, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu chia thừa kế mảnh đất này nếu không thỏa thuận được với mẹ kế.
Đối với việc mẹ kế bạn lập di chúc đối với cả mảnh đất, điều này là không có căn cứ, do các bạn cũng được hưởng một phần từ di sản và chưa được nhận phần di sản của mình. Do vậy, bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên di chúc vô hiệu.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy
Gmail: Thuyhlu1308@gmail.com
SĐT: 0367658315