Tình huống về giám định chữ ký
Thưa luật sư, mẹ tôi khi mất có để lại di chúc phân chia cho anh trai tôi toàn bộ tài sản của bà bao gồm thửa đất diện tích 160m2, cùng tài sản gắn liền với đất là căn nhà đứng tên mẹ tôi, còn tôi lại không được hưởng phần di sản nào. Sau đó, tôi phát hiện chữ ký của mẹ tôi trong bản di chúc không giống với chữ ký mà mẹ tôi hay ký nên tôi và anh trai đã xảy ra mâu thuẫn. Do không giải quyết được, tôi đã làm đơn khởi kiện đến Tòa yêu cầu chia thừa kế di sản của mẹ tôi. Vậy luật sư cho tôi hỏi, tôi cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ạ.
Cảm ơn câu hỏi của bạn, luật sư tư vấn vấn đề của bạn như sau:
Đối với trường hợp của bạn, mẹ bạn mất có để lại di chúc. Theo quy định pháp luật, nếu di chúc trên hợp pháp thì việc phân chia thừa kế sẽ được tiến hành theo di chúc và bạn không được hưởng di sản của mẹ bạn.
Do đó, trong trường hợp nghi ngờ chữ ký trong bản di chúc không phải là chữ ký của mẹ bạn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định chữ ký của mẹ bạn để đảm bảo quyền lợi cho mình theo quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Bạn cần phải lưu ý việc giám định chữ ký, chữ viết phải được Tòa án thông qua hoặc nếu tự mình yêu cầu giám định thì cũng phải thực hiện sau khi đã đề nghị Tòa án mà Tòa án từ chối.
Cụ thể, chúng tôi sẽ làm rõ hơn vấn đề của bạn qua một số khía cạnh dưới đây:
1. Khi nào phải giám định chữ ký, chữ viết
Căn cứ quy định tại Điều 102 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, việc giám định chữ ký được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.
– Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.
– Trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định giải thích kết luận giám định, triệu tập người giám định đến phiên tòa, phiên họp để trực tiếp trình bày về các nội dung cần thiết.
– Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.
– Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp.
Như vậy, việc giám định chữ ký, chữ viết trong vụ án dân sự được thực hiện có thể do trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc yêu cầu của đương sự trong trường hợp kết quả giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, vi phạm pháp luật hoặc xét thấy cần giám định.
2. Vai trò giám định chữ ký, chữ viết
Việc giám định chữ ký, chữ viết đóng vai trò quan trọng trong giải quyết vụ việc dân sự. Kết quả giám định chữ ký, chữ viết sẽ là nguồn chứng cứ quan trọng, làm cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc dân sự. Bởi thông qua tiến hành giám định chữ ký, chữ viết, các cơ quan tố tụng có thể xác minh được các tài liệu, bằng chứng, chứng cứ của vụ án có đúng sự thật khách quan hay không.
Hơn nữa, ở một số vụ án đặc thù, ở một số vụ án đặc thù kết luận giám định còn có tính chất quyết định đối với phán quyết của Tòa án. Ví dụ, trong vụ án tranh chấp chia thừa kế, nguyên đơn có yêu cầu chia thừa kế di sản của mẹ theo di chúc và cung cấp bản di chúc có đầy đủ chữ ký, điểm chỉ của người mẹ làm căn cứ cho việc bị đơn bị truất quyền thừa kế di sản, người được chỉ định thừa kế di sản là nguyên đơn. Tuy nhiên, bị đơn lại cho rằng bản di chúc trên là giả tạo, bởi đó không phải chữ ký của người mẹ và yêu cầu Tòa án ra Quyết định giám định chữ ký. Sau khi tiến hành giám định (đối chiếu với chữ ký của người mẹ trong các văn bản khác), Tòa ra kết luận không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn vì chữ ký trên bản di chúc không phải là chữ ký của người mẹ.
3. Cá nhân, cơ quan nào thực hiện việc giám định chữ ký, chữ viết
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2020, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giám định chữ ký, chữ viết bao gồm: giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Trong đó, tổ chức giám định tư pháp công lập đã được Nghị định 85/2013/NĐ-CP quy định cụ thể là các cơ quan có chức năng giám định tư pháp theo yêu cầu trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công An bao gồm:
- Viện pháp y quốc gia; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực; Viện pháp y tâm thần Trung ương trực thuộc Bộ Y tế.
- Viện pháp y Quân đội; Phòng giám định kỹ thuật hình sự trực thuộc Bộ Quốc phòng.
- Viện Khoa học hình sự; TT giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự trực thuộc BCA.
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh thuộc UBND tỉnh; Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh.
4. Thời gian giải quyết yêu cầu giám định chữ , chữ viết
Theo khoản 2 Điều 26a Luật Giám định tư pháp 2012 sửa đổi bổ sung 2020, thời hạn giám định tư pháp tối đa trong các vụ án dân sự là 03 tháng. Nếu có tính chất phức tạp thì thời hạn tối đa là 04 tháng. Như vậy, thời hạn giám định chữ ký, chữ viết không quá 03 tháng, trừ trường hợp có tính chất phức tạp.
5. Chi phí giám định bao nhiêu
Theo Điều 36 Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2020, người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.
Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định thì kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể về mức phí áp dụng đối với từng trường hợp. Tuy nhiên, phí giám định chữ viết, chữ ký sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian giám định, số mẫu yêu cầu giám định và nhu cầu giám định.
6. Hồ sơ đề nghị giám định chữ ký, chữ viết
Tại khoản 1 Điều 26 Luật giám định tư pháp 2012, sửa đổi bổ sung 2020, thì người yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
- Mẫu đơn yêu cầu giám định chữ ký, chữ viết;
- Đối tượng giám định (Văn bản có chứa chữ ký, chữ viết cần giám định)
- Các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có)
- Tài liệu chứng minh mình là đương sự trong vụ án dân sự.
Hồ sơ yêu cầu giám định phải đảm bảo đầy đủ các thông tin như tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định; Nội dung yêu cầu giám định; Tên và đặc điểm của đối tượng giám định; Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định; Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định, CMND/CCCD của người yêu cầu giám định…
Trên đây là một số vấn đề liên quan đến thủ tục giám định chữ ký, chữ viết trong vụ án dân sự. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho mọi người.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Như Thùy, Minh Hạnh, Ngọc Hiếu, Lan Anh