Tình trạng người khuyết tật điều khiển phương tiện giao thông không hiếm. Pháp luật vẫn cho phép người khuyết tật điều khiển phương tiện giao thông khi đáp ứng đủ điều kiện của người điều khiển xe (về độ tuổi, sức khỏe, có Giấy phép lái xe…).
1.Khi nào người khuyết tật được điều khiển phương tiện giao thông?
Tại Thông tư số 12/2017/TT – BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đối với một số trường hợp đặc thù (trong đó có người khuyết tật), quy định rõ việc học lý thuyết, thực hành và sát hạch lái xe đối với người khuyết tật để điều khiển xe máy hạng A1 và ô tô hạng B1 (số tự động). Về đào tạo lái xe đã quy định rõ: đào tạo đối với người khuyết tật điều khiển xe mô tô 3 bánh dùng cho người khuyết tật để cấp giấy phép lái xe hạng A1; đào tạo để cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho người khuyết tật có đủ điều kiện điều khiển xe tập lái hạng B1 số tự động của cơ sở đào tạo…
Tại Phụ lục số 01 “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe” ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTV, đã quy định: “Người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau đây thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng”. Bảng tiêu chuẩn này nêu rõ các tiêu chuẩn không đạt điều kiện sức khỏe thuộc 9 chuyên khoa: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và các chất hướng thần.
Theo đó một công dân không mắc một trong các bệnh, tật đã nêu trên (từng chuyên khoa có quy định về tình trạng bệnh không đảm bảo cho lái xe), và đạt các yêu cầu khi thi sát hạch sẽ được cấp giấy phép lái xe và được điều khiển các loại xe tương ứng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của công dân đó.
Nếu không đủ điều kiện điều khiển có thể sử dụng ô tô của người khuyết tật để làm xe sát hạch. Ô tô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 138/2018/NĐ- CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.
Như vậy, có thể thấy, nhà nước luôn tạo điều kiện cho người khuyết tật học và thi bằng lái xe. Nhưng trên thực tế rất ít hoặc thậm chí không có tỉnh nào triển khai việc cấp GPLX cho người khuyết tật vì để đào tạo, sát hạch lái xe cho người khuyết tật, các cơ sở phải tốn chi phí trang bị loại xe riêng hoặc hoán cải một số chức năng, bộ phận kỹ thuật của xe, sau đó đi đăng kiểm, đồng thời phải có những giáo viên chuyên đào tạo người khuyết tật… trong khi số lượng người khuyết tật học lái ô tô rất ít nên các cơ sở chưa tiếp nhận học viên khuyết tật.
2. Người khuyết tật điều khiển phương tiện giao thông không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp, nếu người khuyết tật không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Đối với ô tô: Trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng khi điều khiển xe ô tô theo Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đối với xe máy: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 căn cứ theo Điểm a Khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên theo Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, trong trường hợp có căn cứ việc điều khiển xe tham gia giao thông không có giấy phép lái xe gây thiệt hại về tài sản của người khác, thì người đàn ông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, căn cứ vào mức độ thiệt hại về tài sản mà mức phạt thấp nhất có thể áp dụng đối với người vi phạm là bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; mức phạt cao nhất lên đến 7 – 15 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Lưu ý khi người khuyết tật khám sức khỏe định kỳ
Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT nêu trên có quy định việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái ô tô. Tùy từng trường hợp, căn cứ vào việc người đó được cấp giấy phép lái xe hạng nào, có hành nghề lái xe hay không và cụ thể hành nghề lái xe thuộc hạng nào thì phải đi khám sức khỏe định kỳ theo quy định của pháp luật về lao động, không phân biệt giữa người lành với người khuyết tật.
Bên cạnh đó, theo quy định đối với cơ sở khám sức khỏe lái xe: Ngoài việc đáp ứng điều kiện như đối với cơ sở khám sức khỏe chung, còn phải thực hiện được các kỹ thuật: điện não đồ (đo điện não); đo thị trường mắt… Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với hoạt động chuyên môn và nội dung khám sức khỏe.
Người kết luận kết quả khám sức khỏe là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng và được người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phân công thực hiện việc kết luận sức khỏe, ký giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Như Thùy, Minh Hạnh