Trong thời gian qua, không ít các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn; hay hành vi phóng nhanh, vượt ẩu,… Những hành vi này đều vi phạm pháp luật, và căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của từng hành vi, cơ quan chức năng có thể áp dụng chế tài hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu… là các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
-
Trách nhiệm hành chính
Đối với hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định, thì người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt tiền lên đến 8 triệu đồng theo quy định tại Điểm e Khoản 8 Điều 6 Nghị định này. Phạt tiền 40 triệu đồng là mức phạt cao nhất đối với người điều khiển xe ô tô theo quy định tại Điểm a Khoản 10 Điểm a Khoản 10 Điều 5; mức phạt đối với người điều khiển xe đạp có thể là bị phạt tiền đến 600 ngàn đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 8 Nghị định. Đối với người điều khiển Máy kéo, xe máy chuyên dùng có thể bị phạt tiền cao nhất tới 18 triệu đồng căn cứ Điểm a Khoản 9 Điều 7 Nghị định. Bên cạnh việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 10 – 24 tháng.
Đối với hành vi phóng nhanh, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định. Căn cứ vào tốc độ tối đa quy định đối với từng phương tiện và tốc độ vượt quá mà mức phạt cao nhất có thể áp dụng với người điều khiển xe ô tô là bị phạt tiền cao nhất là 10 – 12 triệu đồng theo quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều 5 Nghị định; với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là 4 – 5 triệu đồng căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 6 Nghị định, còn đối với người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 3 – 5 triệu đồng căn cứ tại Điểm b Khoản 6 Điều 7 Nghị định. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 1 – 4 tháng.
Còn với hành vi vượt xe không đúng quy định (vượt xe trong những trường hợp không được vượt, không giảm tốc độ khi vượt xe, vượt xe không xin đường…), căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi, người điều khiển xe ô tô có thể bị xử phạt lên đến 10 – 12 triệu đồng căn cứ Điểm a Khoản 7 Điều 5 Nghị định; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có thể bị phạt tiền lên đến 4 – 5 triệu đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 6 Nghị định; còn với người điều khiển xe máy kéo, xe chuyên dùng thì mức xử phạt cao nhất có thể áp dụng là từ 6 – 8 triệu đồng căn cứ Điểm a Khoản 7 Điều 7 Nghị định.
2. Trách nhiệm hình sự
Tuy nhiên, trong trường hợp người điều khiển các phương tiện giao thông thực hiện các hành vi vi phạm trên, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm luật giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 01 năm; cao nhất là 15 năm. Bên cạnh đó, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
3. Trách nhiệm bồi thường dân sự
-
Mức bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi gây ra tai nạn giao thông làm người khác bị thương
Theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, người có hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường những khoản sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;….Ngoài ra, người gây tai nạn còn phải bồi thường cho người bị thương một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở. Với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng
-
Mức bồi thường thiệt hại đối với người có lỗi gây ra tai nạn giao thông làm người khác tử vong
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, trong trường hợp gây tai nạn giao thông làm người khác tử vong phải bồi thường những khoản sau: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; và các chi phí khác. Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp làm người khác tử vong phải còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần này do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở.
Có thể nói, dù luật hiện hành đã quy định rất cụ thể chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm trên nhưng tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông mắc lỗi, gây ra tai nạn vẫn xảy ra phổ biến. Tuy nhiên, chế tài có lẽ chưa đủ sức răn đe, do vậy, người dân vẫn bất chấp vi phạm pháp luật mà phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện giao thông với nồng độ cồn cao, gây nguy hiểm cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Do đó, để hạn chế, khắc phục tình trạng trên thì cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về các quy tắc giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm cũng như hậu quả của nó nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tết nguyên đán 2023 đang đến gần, đây cũng chính là thời điểm tình trạng trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp, chính vì vậy mà người dân cũng cần phải tự ý thức trách nhiệm để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người xung quanh. Như luôn kiểm tra phương tiện đi lại khi cần ra ngoài, đặc biệt là đi đường xa, chuẩn bị các dụng cụ sửa chữa cơ bản để đề phòng khi xảy ra sự cố; tuyệt đối không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia, các chất có cồn…; chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đội mũ bảo hiểm theo quy định, không vượt đèn đỏ, không chở quá số người quy định, đặc biệt là không vượt quá tốc độ, đi đúng phần đường của mình…
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Nguyễn Thị Như Thùy – Trần Thị Minh Hạnh