Việc thu án phí, lệ phí có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết vụ án, đồng thời góp phần bảo đảm bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước bù đắp các khoản chi phí mà nhà nước bỏ ra để thực hiện các hoạt động trong công tác xét xử của tòa án, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ví dụ trong vụ việc dân sự, đương sự là người có quyền lợi ích liên quan đến vụ án. Việc Tòa án giải quyết vụ việc dân sự là vì lợi ích riêng của đương sự nên buộc đương sự phải chịu một phần các chi phí tố tụng.
Việc thu án phí liên quan đến tài chính nên buộc các đương sự phải suy nghĩ cẩn thận trước khi khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự và thực hiện các công việc khác. Qua đó, góp phần hạn chế việc khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự không có căn cứ, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc dân sự của tòa án.
Tuy nhiên, không ít đương sự là những người cao tuổi, điều kiện kinh tế khó khăn,..do không am hiểu về các trường hợp miễn, giảm án phí nên họ đã không thực hiện quyền khởi kiện của mình khi phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp vì lo sợ tiền án phí sẽ cao.
Từ đó, dẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm nhưng không được giải quyết. Chính vì vậy, bài viết dưới đây sẽ chỉ rõ những trường hợp và các đối tượng được miễn, giảm án cũng như trình bày về trình tự thủ tục xin miễn, giảm án phí,…để bạn đọc có kiến thức pháp luật để thực hiện quyền của mình.
-
Định nghĩa về án phí
Pháp luật hiện hành không định nghĩa án phí, tuy nhiên có thể hiểu án phí là số tiền mà đương sự phải nộp khi Tòa án đã giải quyết vụ án bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật. Theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, án phí gồm các loại sau:
- Án phí hình sự;
- Án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động;
- Án phí hành chính.
Các loại án phí trên gồm có án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Nộp án phí là nghĩa vụ của đương sự, nhất là án phí dân sự, biên lai nộp tiền tạm ứng án phí là căn cứ để Tòa án tiến hành thụ lý vụ án. Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, pháp luật Việt Nam có quy định một số chủ thể sẽ được miễn, giảm án phí trong những trường hợp cụ thể sau:
-
Điều kiện miễn, giảm án phí
2.1.Các trường hợp được miễn án phí
Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí của Tòa án, bao gồm:
- Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
- Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
- Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
- Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Trong đó:
- Trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 là người dưới 16 tuổi;
- Người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi năm 2009 là người từ đủ 60 tuổi trở lên;
- Theo quy định của khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010, “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật, chia khuyết tật thành loại sau:
(1) Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
(2) Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
(3) Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
(4) Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
(5) Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
(6) Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc 05 trường hợp khuyết tật nêu trên.
- Xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Danh sách xã đặc biệt khó khăn được quy định tại Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020.
- Thân nhân Liệt sĩ theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng năm 2020 gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ.
Ngoài ra, trong trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu một phần hoặc toàn bộ phần án phí phải nộp mà bên đó thuộc trường hợp được miễn án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.
Như vậy, nếu thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/UBTVQH14 thì sẽ được miễn nộp tiền tạm ứng án phí. Ví dụ: người lao động bị tai nạn lao động nhưng không được bồi thường thì trong trường hợp người lao động khởi kiện đòi tiền bồi thường về tai nạn lao động ra Tòa án, người này sẽ được xem xét miễn án phí theo quy định trên.
Bên cạnh đó, cần phải phân biệt trường hợp này với trường hợp không phải nộp án phí quy định tại Điều 11 của Nghị quyết. Cụ thể, đối tượng được miễn án phí vẫn thuộc đối tượng phải nộp án phí tuy nhiên được Nhà nước miễn không phải nộp án phí.
2.2. Các trường hợp được giảm án phí:
Căn cứ tại Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà người đó phải nộp.”
Vậy theo quy định trên, trong trường hợp một người không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí do sự kiện bất khả kháng và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức án phí mà người đó phải nộp.
Nếu không có căn cứ chứng minh rằng người này không phải là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có tài sản để nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hoặc trường hợp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật của Tòa án xác định họ có tài sản để nộp toàn bộ tiền án phí mà họ phải chịu thì họ vẫn phải thực hiện nộp toàn bộ tiền án phí.
Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được giảm tiền án phí thì Tòa án chỉ giảm 50% đối với phần án phí mà người thuộc trường hợp được giảm tiền án phí phải chịu. Phần án phí mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được giảm.
-
Thẩm quyền miễn, giảm án phí
Tại Điều 15 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về thẩm quyền miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí cụ thể như sau:
– Trước khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí sơ thẩm.
– Sau khi thụ lý vụ án, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí của bị đơn có yêu cầu phản tố, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án.
– Thẩm phán được Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm phân công có thẩm quyền xét đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí phúc thẩm.
– Trước khi mở phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm, Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công giải quyết vụ án có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
– Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm có thẩm quyền xét miễn, giảm án phí cho đương sự có yêu cầu khi ra bản án, quyết định giải quyết nội dung vụ án.
-
Thủ tục miễn, giảm án phí
Trình tự, thủ tục miễn, giảm án phí thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị quyết 326/UBTVQH14 như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm án phí cho Tòa án có thẩm quyền. Hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị miễn giảm án phí (nội dung đơn bao gồm: Ngày, tháng, năm làm đơn; họ, tên, địa chỉ của người làm đơn; lý do và căn cứ đề nghị miễn, giảm.)
- Các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí
Bước 2: Nhận thông báo của Tòa án về việc miễn giảm hoặc không miễn giảm án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí và tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm, Tòa án thông báo bằng văn bản về việc miễn, giảm hoặc không miễn, giảm tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp không miễn, giảm thì Tòa án phải nêu rõ lý do.
Cần phải lưu ý là việc đương sự có được miễn giảm án phí hay không sẽ căn cứ các điều kiện để được miễn giảm án phí như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, để quyền lợi này được đảm bảo thực hiện trên thực tế thì đương sự phải thực hiện thủ tục nộp đơn xin miễn, giảm án phí đến Tòa án. Đây chính là điều kiện đủ để đương sự được miễn giảm án phí. Đương sự có thể nộp đơn xin miễn giảm án phí cùng đơn khởi kiện hoặc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Có thể thấy, pháp luật hiện hành có những chính sách nhân đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người khởi kiện để họ yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Nhưng trên thực tế vẫn xảy ra nhiều trường hợp do không hiểu biết quy định pháp luật nên đương sự thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí lại không biết mình thuộc trường hợp đó và không làm đơn đề nghị xin miễn giảm án phí dẫn đến bị mất quyền lợi của mình.
Một số trường hợp đương sự không có đơn nhưng đã đề nghị xin miễn, giảm án phí tại phiên họp hòa giải, công khai chứng cứ, nếu đối chiếu theo quy định của pháp luật thì trong trường hợp này đương sự vẫn không được xét miễn, giảm án phí. Từ đó, thiết nghĩ pháp luật cần có những quy định có lợi hơn đối với đương sự bởi đương sự không phải ai cũng biết mình thuộc trường hợp được miễn, giảm án phí mà Tòa án cũng không có nghĩa vụ phải giải thích cho đương sự biết về việc họ thuộc trường hợp đó.
5. Tình huống thực tiễn về miễn án phí
Ngày 12/10/2017 Tòa án nhân dân huyện S đã xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn N với bị đơn là ông Nguyễn Văn A (sinh tháng 8/1950, có địa chỉ thường trú tại xã A, huyện S, tỉnh Bắc Giang).
Tòa án đã xử buộc ông A phải trả cho ông N số tiền là 300.000.000 đồng và buộc phải chịu 15.000.000 án phí dân sự sơ thẩm. Ngày 15/10/2017, ông A có đơn kháng cáo không đồng ý với việc Tòa án buộc ông A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tòa án đã thông báo yêu cầu ông A phải nộp thêm 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Đối chiếu với các quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 236/2015/UBTVQH14, Điều 2 Luật người cao tuổi năm 2009 thì ông A là người cao tuổi (tính đến khi TAND huyện S xét xử sơ thẩm ông A đã 67 tuổi – trên 60 tuổi).
Vì vậy, ông A thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, miễn án phí. Việc Tòa án buộc ông A phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm và nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là không đúng theo quy định của pháp luật
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hứa Kim Ngân – Thực tập sinh tại Văn phòng Luật sư Đồng Đội
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền, Luật sư Thái Phương Quế