Câu 1: Mấy ngày trước, em trai em (sinh năm 2007). bỏ nhà đi, không mang theo giấy tờ tùy thân, gia đình vẫn chưa liên lạc được. Hôm nay, có người gọi đến thông báo cho gia đình em là họ đang giữ em trai, yêu cầu gia đình phải trả khoản tiền 19 triệu đồng em trai em vay họ để chuộc người. Gia đình em yêu cầu đưa em trai về nhà trước, sau đó gia đình giải quyết rõ ràng vấn đề tiền sau thì họ không đồng ý, liên tục giục và đe dọa gia đình em phải trả số tiền trên. Cho em hỏi bây giờ gia đình em phải làm gì để đưa em trai em trở về? Hành vi giữ người cũng như cho người chưa đủ 18 tuổi vay tiền có vi phạm pháp luật không ạ?
Trả lời:
Đối với trường hợp này, luật sư trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề đưa em trai bạn trở về, qua thông tin bạn cung cấp ở trên nhận thấy tình huống trên có dấu hiệu của tội phạm nên bạn cần tố giác, báo tin lên cơ quan công an có thẩm quyền (Cơ quan cảnh sát điều tra cấp quận, huyện, thị xã) để họ giải quyết. Khi tố giác, báo tin về tội phạm bạn cần cung cấp đầy đủ những thông tin về tội phạm và trình bày rõ những hiểu biết của mình về việc liên quan đến tội phạm.
Thứ hai, hành vi giữ người như trên là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể, người có hành vi giữ em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, mức phạt thấp nhất người phạm tội có thể nhận là 03 năm tù, mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam. Ngoài ra, người này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trong trường hợp thông tin em trai bạn vay người này là không đúng sự thật theo như họ đã cung cấp thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản căn cứ tại Điều 169 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung tăng nặng tại điểm d khoản 2 Điều 169 Bộ luật này là “đối với người dưới 16 tuổi”. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 – 12 năm. Trường hợp có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì mức hình phạt cao nhất người này có thể bị áp dụng là tù chung thân. Bên cạnh đó, người này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thứ ba, đối với việc cho em trai bạn (16 tuổi) vay tiền, đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật, mà là quan hệ dân sự. Bởi theo Khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Giao dịch cho vay mượn tiền giữa em bạn và người cho vay không phải là giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký hoặc giao dịch dân sự theo luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý nên theo quy định trên thì giao dịch này vẫn có hiệu lực pháp luật trừ khi em bạn tham gia giao dịch do lừa dối, cưỡng ép,… Do đó, nếu có căn cứ chứng minh những người đó đã ép buộc em bạn vay tiền, ký vào giấy vay tiền… thì gia đình có thể yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.
Câu 2. Cách đây khoảng 20 ngày em có mượn xe bạn em đi về quê một thời gian, trong lúc đi em kẹt tiền bị người ta đòi nên em đã cầm đỡ. Sau đó, bạn em báo công an và em đã đền bù đầy đủ nhưng bạn không rút hồ sơ tội của em là chiếm đoạt tài sản. Trước đây 5 năm em đã bị án treo với thời gian thử thách 2 năm. Giờ em bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản thì có được hưởng án treo không ạ. Em còn 1 đứa con nhỏ và mẹ em đang bị ung thư giai đoạn 3.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”
Để được hưởng án treo, bạn phải đáp ứng những điều kiện xem xét cho hưởng án treo được quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP như sau:
- Bị xử phạt tù không quá 03 năm;
- Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 và không có tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật này;
- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;
- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó, đối với điều kiện thứ nhất về mức hình phạt: hành vi của bạn cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và có mức phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, đã thỏa mãn điều kiện đầu tiên.
Về điều kiện thứ hai: Trong trường hợp này, bạn đã bị kết án và được hưởng án treo với thời gian thử thách là 02 năm nên sau 1 năm bạn sẽ đương nhiên được xóa án tích căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 70 Bộ luật hình sự. Do đó, có thể xác định, bạn có thể được hưởng án treo theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP.
Theo thông tin bạn cung cấp, việc bạn đã đền bù đầy đủ có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, nếu có căn cứ bạn thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 3 năm tù hoặc Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm) thì trường hợp của bạn còn có thể được xem xét hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác là “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật này. Tình tiết bạn có con nhỏ và mẹ đang bị ung thư giai đoạn 3 cũng có thể được tòa án coi là một tình tiết giảm nhẹ.
Ngoài ra, nếu bạn có nơi cư trú rõ ràng, hoặc nơi làm việc ổn định và Tòa án xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì bạn có thể được hưởng án treo.
Câu 3: Gia đình em ở trong hẻm nhỏ, không có sân, nên lúc sơn khung giường, ba em có mang khung giường dựng ở cạnh tường tiếp giáp với nhà hàng xóm để sơn, chẳng may dính sơn vào tường nhà hàng xóm. Thấy vậy, ông hàng xóm đạp đổ khung giường. Sau đó, 2 người có lời qua tiếng lại. Ba em có cầm ghế inox dọa đánh nhưng chỉ hù dọa (có người can ngăn). Ông hàng xóm gọi 2 con trai ra đánh ba em và dùng gạch đập vào đầu ba em. Ba em phải vào viện khâu 5 mũi, chân đi cà nhắc và hiện tại vẫn đang nằm viện. Ba em đã 63 tuổi, khi Công An đến làm việc thì ba em có yêu cầu khởi tố hình sự.
Vậy cho em hỏi trường hợp này, ông hàng xóm và hai người con trai sẽ bị xử lý như thế nào ạ? Ba em có được bồi thường không ạ? Camera nhà em có quay lại toàn cảnh vụ việc.
Trong trường hợp này, ông hàng xóm và hai người con trai đã có hành vi cố ý gây thương tích cho bố của bạn. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, những người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có căn cứ xử lý cũng như bồi thường thiệt hại, thì bạn nên xin kết quả giám định thương tích của bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho bố bạn.
Trường hợp tỷ lệ thương tích của bố bạn dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì những người đã có hành vi cố ý gây thương tích cho bố bạn có thể bị phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu xác định tỷ lệ thương tích cơ thể của bố bạn trên 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì những người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật này. Căn cứ vào tỷ lệ thương tật của nạn nhân, những người này có thể phải đối diện với mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, cao nhất là tù chung thân.
Bên cạnh đó, gia đình bạn có thể yêu cầu những người này bồi thường thiệt hại do bị xâm hại về sức khỏe theo quy định tại Điều 584, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 gồm các chi phí sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa sẽ không quá năm mươi lần mức lương cơ sở hiện hành. Nếu không thỏa thuận được về việc bồi thường thì gia đình có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Câu 4: Bố em có trồng các cây bonsai trong chậu và đặt ở vỉa hè trước nhà. Tuy nhiên, ông hàng xóm cho rằng việc này là xâm phạm đất công, lấn chiếm vỉa hè, gây khó khăn cho đi lại nên yêu cầu bố em di chuyển ra chỗ khác nhưng bố em không đồng ý và hai người có to tiếng với nhau. Sau đó, nhân lúc gia đình em đi vắng, ông hàng xóm đã đập chậu, chặt bỏ, phá hoại những cây trên trước sự chứng kiến của người dân khu phố. Vậy trường hợp này em có thể làm đơn tố cáo hành vi hủy hoại tài sản của ông hàng xóm và yêu cầu ông này bồi thường được không ạ. Em xin cảm ơn Luật sư ạ!
Trả lời:
Trong trường hợp này, các cây bonsai là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bố bạn. Do đó, việc người hàng xóm tự ý đập chậu, chặt bỏ, phá hoại cây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp quyền sở hữu của bố bạn.
Tùy vào tính chất, mức độ mà hành vi của người hàng xóm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, nếu có căn cứ chứng minh người hàng xóm nhà bạn có hành vi hủy hoại tài sản của bố bạn (các cây bonsai) mà giá trị của tài sản bị thiệt hại từ 2.0000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (như trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn vi phạm…) thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật này. Theo quy định này thì mức phạt thấp nhất đối với hành vi này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; mức phạt cao nhất mà người phạm tội có thể nhận lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, khi xem xét tính chất, mức độ của hành vi hủy hoại tài sản của người hàng xóm trên đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm lên cơ quan công an địa phương để yêu cầu giải quyết.
Bên cạnh đó, do bị thiệt hại về tài sản, nên bạn có quyền yêu cầu người hàng xóm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra theo quy định tại Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi