Trên thực tế, Tội cướp tài sản thường bị nhầm lẫn với tội cưỡng đoạt tài sản trong trường hợp người phạm tội có hành vi “đe dọa dùng vũ lực”. Vậy, trong trường hợp nào thì hành vi “đe dọa dùng vũ lực” cấu thành Tội cướp tài sản, trường hợp nào cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản?
Căn cứ Khoản 1 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội cướp tài sản như sau: “ Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.” Như vậy, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác khiến người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản ở Điều 168 BLHS.
Đối với Tội cướp tài sản phạm tội chưa đạt chỉ xảy ra trong trường hợp người phạm tội có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trường hợp có hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” thì không có trường hợp phạm tội chưa đạt tuy nhiên vẫn có giai đoạn chuẩn bị phạm tội khi người phạm tội “định” dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng do trở ngại khách quan nên không thực hiện được hành vi này của mình.
Ví dụ: A và B bàn bạc chuẩn bị súng để ra đường đe dọa người đi đường để cướp tài sản nhưng C là hàng xóm của A nghe thấy và báo ngay cho công an đến bắt A và B. Trong trường hợp này, mặc dù A và B chưa thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.
Đối với tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, theo đó: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Qua đó có thể thấy ở tội này người phạm tội ngay từ đầu đã có lỗi cố ý đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác một cách bất hợp pháp. Khác với tội cướp tài sản, ở tội này người phạm tội chỉ có hành vi đe doạ dùng vũ lực chứ không có ý định dùng vũ lực và chỉ dùng vũ lực nếu người bị hại không giao tài sản. Ngoài ra, người phạm tội có thể dùng thủ đoạn khác như doạ sẽ làm lộ đời tư cá nhân để uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Ví dụ: A cho B vay tiền, mặc dù B đã trả một phần tiền và xin trả từ từ nhưng A không đồng ý và đã có hành vi đe doạ bắt B phải giao tài sản trừ nợ không A sẽ dùng vũ lực khiến B sợ hãi (vì trước đó A đã túm cổ áo và doạ sẽ đốt nhà B) sau đó B phải giao chiếc điện thoại và tivi của mình cho A để trả nợ. Trong trường hợp này A hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Thông thường nếu vụ việc bị phát hiện khi người phạm tội chỉ mới đe dọa dùng vũ lực mà người bị hại chưa giao tài sản thì hầu hết người phạm tội đều khai chỉ đe dọa để chiếm đoạt tài sản chứ không có ý định dùng vũ lực. Để phân biệt hành vi “đe dọa dùng vũ lực” của Tội cưỡng đoạt tài sản với hành vi “đe dọa dùng vũ lực” của Tội cướp tài sản phải căn cứ vào không gian, thời gian xảy ra vụ án.
Nếu trong không gian, thời gian đó mà việc đe dọa dùng vũ lực của người phạm tội khiến người bị đe dọa quá sợ và phải giao tài sản kể cả hành vi đe dọa không quyết liệt đi chăng nữa nhưng khiến người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì trong trường hợp này phải truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp tài sản.
Ví dụ: Trong đêm tối, trên đoạn đường vắng vẻ, A chặn xe của chị B để chiếm đoạt tài sản, mặc dù A không dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng ở không gian, thời gian này chị B đã lâm vào tình trạng không thể chống cự được thì A phải bị truy cứu trách nhiệm về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, nếu đó là đoạn đường chính, có nhiều người đi lại và chị B lại là người học võ thì A có thể chỉ bị truy cứu về Tội cưỡng đoạt tài sản.
Như vậy, để phân biệt hai tội danh này cần căn cứ vào tình hình thực tế để đánh giá việc đe dọa dùng vũ lực có làm cho bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được hay không?
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi
Người viết: Hứa Kim Ngân
SĐT: 0375966329
Tham vấn bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền – Luật sư Thái Phương Quế