Có thể nói rằng, cuốn sổ hộ khẩu từ lâu đã gắn chặt với sinh mệnh và cuộc sống của mỗi con người, đụng đến bất cứ việc gì cũng cần có sổ hộ khẩu: xin học, mua nhà đất, đăng ký xe cộ, khai sinh, khai tử, thành lập doanh nghiệp, kết hôn, ly hôn…Việt Nam cũng đang là một trong số ít quốc gia còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu hiện nay. Gần 70 năm tồn tại, gắn bó với mỗi hộ gia đình, nhưng trong giai đoạn khoa học công nghệ phát triển hiện nay, cần một mô hình quản lý phù hợp, hiệu quả hơn để phù hợp với xu thế phát triển chung.
Thời gian gần đây, tin tức liên quan đến quy định mới về bỏ sổ hộ khẩu giấy và thay thế bằng việc quản lý hộ khẩu qua công nghệ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của người dân. Nhiều người ủng hộ ý kiến trên, nhưng cũng tồn tại một bộ phận phản đối vì sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành.
Dẫu vậy, chúng ta đang ở trong thời kỳ hội nhập phát triển và kỷ nguyên công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ điện tử trong quản lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu quốc gia về dân cư là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.
Chính vì vậy, việc pháp luật quy định bỏ sổ hộ khẩu và tích hợp vào căn cước công dân gắn chíp có thể coi là một bước tiến mới. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 38 Luật cư trú năm 2020: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022….”
Như vậy, từ ngày 1/1/2023 Nhà nước chính thức khai tử sổ hộ khẩu. Bên cạnh những thuận lợi như việc thực hiện những thủ tục hành chính không còn rườm rà. Tuy nhiên, khi sổ hộ khẩu không còn giá trị pháp lý nếu muốn xác nhận nơi cư trú thì cần phải cung cấp giấy tờ gì?
Giấy tờ có thể thay thế sổ hộ khẩu
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP: “ Các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú bao gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.” Theo đó, hiện nay, khi làm thủ tục hành chính thì người dân chỉ cần mang theo một trong các giấy tờ trên là có thể xác nhận được nơi cư trú mà không cần phải photo, làm thủ tục chứng thực tại UBND địa phương trước.
Tại Khoản 3 Điều 38 Luật cư trú năm 2020 quy định:“…Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.”
Có thể thấy, từ năm 2020, khi người dân làm thủ tục dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu thì Cơ quan đăng ký cư trú sẽ thu sổ hộ khẩu và không cấp mới cho người dân mà đến tận năm 2022 chính phủ mới ban hành quy định những giấy tờ có thể thay thế sổ hộ khẩu.
Trên thực tế, nhiều trường hợp trước năm 2022 người dân đã bị thu hồi sổ hộ khẩu dẫn tới việc không biết khi thực hiện thủ tục hành chính như khi đăng ký hộ tịch cần phải mang những giấy tờ gì khác để xác nhận cư trú. Bởi thời điểm đó, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP chỉ quy định: “Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú” mà không quy định rõ giấy tờ chứng minh nơi cư trú gồm những giấy tờ gì.
Đến tận năm 2022 Chính phủ mới ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể về các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Qua đó cho thấy, Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn là chậm trễ trong giai đoạn chuyển tiếp, khiến cả cơ quan chức năng và người dân lúng túng khi thực hiện thủ tục hành chính trong giai đoạn này.
Những vướng mắc còn tồn tại trong công tác chuẩn bị của cơ quan có thẩm quyền
Bên cạnh những thuận lợi như thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện mà việc bỏ sổ hộ khẩu và chuyển đổi số đem lại thì công tác tập huấn, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước vẫn còn chưa thực hiện tốt dẫn đến nhiều trường hợp người dân vẫn còn lúng túng khi làm thủ tục hành chính trên máy tính, nhất là khu vực nông thôn.
Một số thủ tục hành chính hiện nay vẫn chưa đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Ví dụ: đăng ký hộ kinh doanh cá thể) nên khi người dân khi đến làm những thủ tục hành chính đó phải kê khai nhiều thông tin dẫn đến mất thời gian.
Về vấn đề cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn chưa thật sự nhanh chóng và hiệu quả. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia chỉ mới được cập nhật đến tháng 7/2021 trong khi đó nhiều trường hợp người dân thay đổi nơi cư trú thường xuyên dẫn đến khó khăn cho cán bộ cấp cơ sở nhất là khi thực hiện thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân để làm hồ sơ giao dịch đất đai, vay vốn ngân hàng…
Một số bất cập đối với người dân
Việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng như việc thay đổi phương thức mới sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng dân số cơ học, di dân từ các tỉnh, nông thôn đến các thành phố lớn, thành phố trực thuộc Trung ương làm việc, sinh sống gia tăng.
Vấn đề chỗ ở, trường học, bệnh viện, việc làm, dịch vụ công cộng cũng dẫn đến tình trạng quá tải. Do đó, mỗi địa phương cụ thể phải có các giải pháp cụ thể về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phát triển kinh tế – xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao, quan tâm các vấn đề trật tự an toàn công cộng, kiểm soát tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội…
Ngoài ra, với người dân, như đã đề cập việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân ít nhiều sẽ có tác động đến mỗi công dân. Nhất là ảnh hưởng tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tới các chính sách, quy định về hộ gia đình (trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như các quy định pháp luật khác. Vì vậy, khi thực hiện bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, người dân cần rà soát lại các quan hệ dân sự, giấy tờ liên quan để điều chỉnh cho phù hợp, lưu ý các quy định mới.
Hay như quy định về điều kiện đăng ký tạm trú, với người đi thuê nhà, phải được người cho thuê đồng ý bằng văn bản. Với quy định này, công dân sẽ không thể đăng ký tạm trú nếu người cho thuê không có văn bản đồng ý. Như vậy, quyền lợi của công dân sẽ bị hạn chế và cơ quan quản lý cư trú cũng không thể cập nhật được thông tin của công dân. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ quy định này để công dân có thể đăng ký tạm trú tại chỗ ở hợp pháp do mình thuê.
Thực tế, điều này là vô cùng quan trọng, thậm chí tác động trực tiếp tới túi tiền của người dân. Bởi lâu nay, do không có hộ khẩu, thường trú, người thuê trọ phải sử dụng điện, nước với giá kinh doanh đắt hơn nhiều. Bất cập này đã tồn tại nhiều năm, cần phải được khắc phục triệt để khi chuyển sang mô hình quản lý dân cư mới.
Ngoài ra, khi không còn sổ hộ khẩu, việc thực hiện các giao dịch dân sự cũng có thể sẽ gặp khó khăn vì các bên không thể tự truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Do vậy cần quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước.
Như vậy, để thực hiện tốt chuyển đổi số trong thời kỳ chuyển tiếp cần có sự thống nhất chỉ đạo các ban ngành lãnh đạo. Bên cạnh đó, cần thiết việc đẩy mạnh công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ địa phương trong việc hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên máy tính. Ngoài ra, các cán bộ cấp cơ sở cần nhanh chóng cập nhật, đồng bộ thông tin người dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia; tuyên truyền, phổ biến, đốc thúc người dân đi làm căn cước công dân gắn chíp.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi