Xung quanh vụ việc Doanh nhân Nguyễn Thế Hồng chi hơn 6 triệu euro (khoảng 153 tỷ đồng) để mua lại bảo vật thời vua Minh Mạng, Luật sư Trần Xuân Tiền đã trả lời phỏng vấn của Báo giao thông để làm rõ những vấn đề đang được đông đảo dư luận quan tâm.
Link báo: https://www.baogiaothong.vn/dai-gia-bac-ninh-chi-hon-6-trieu-euro-co-duoc-toan-quyen-so-huu-an-vang-d581808.html
Hỏi: Xin chào LS Trần Xuân Tiền, hiện nay thì vô số các cổ vật quý giá của Việt Nam đang lưu lạc ở những bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khắp thế giới. Và việc người VN tham gia các buổi đấu giá để đưa những cổ vật đó hồi hương là điều không hề hiếm hiện nay. Ngày 13/2 mới đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ông Nguyễn Thế Hồng – chủ tịch hội cổ vật Bắc Ninh đã chi ra kinh phí hơn 6 triệu euro (khoảng 153 tỷ đồng) để mua lại chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo – bảo vật thời vua Minh Mạng, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.
Xin LS cho mọi người biết quan điểm của mình trước thông tin này?
Đáp: Vâng, có thể nói rằng, sự ra đời của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã làm đổi thay nhiều khía cạnh trong lĩnh vực di sản văn hóa nước ta. Trong đó phải nói tới đội ngũ những người yêu thích cổ ngoạn, họ được công nhận quyền sở hữu tư nhân, điều vốn chưa bao giờ được thừa nhận trong các văn bản pháp quy của Nhà nước, kể từ thời phong kiến cho đến năm 2001.
Điều luật ấy được giới sưu tầm đón nhận hồ hởi, phấn khích, sau một thời gian dài ngột ngạt bởi định kiến xã hội: tàng trữ cổ vật là phi pháp.
Rất nhiều tổ chức Hội có tôn chỉ, mục đích Sưu tầm – Nghiên cứu gốm và cổ vật ra đời, thậm chí còn phân ra chi hội, câu lạc bộ được tổ chức theo địa bàn, sở thích, đối tượng sưu tầm… Và các tổ chức hội, chi hội đó thực sự đã trở thành một cánh tay nối dài của ngành Di sản văn hóa nước nhà.
Những nhà sưu tầm còn mở triển lãm trưng bày cổ vật miễn phí cho du khách, có ý nghĩa, nhân những ngày kỷ niệm của dân tộc, sự kiện quan trọng của địa phương hay thậm chí là tặng lại cổ vật cho nhà nước. Điều này thực sự rất tuyệt vời và đáng được khích lệ.
Hỏi: Vậy là quyền sở hữu cổ vật có thể thuộc về ông Thế Hồng không ạ? Luật sư có thể nói rõ hơn quy định của pháp luật về điều này được không?
Đáp: Trước hết thì theo định nghĩa cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009. Theo đó, ấn vàng triều Nguyễn do doanh nhân Thế Hồng mua được xác định là cổ vật.
Theo quy định tại Điều 5 Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi 2009:
“Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu nhà nước; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật.
Quyền sở hữu, quyền tác giả đối với di sản văn hóa được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Điều 43 Luật này cũng quy định: cổ vật thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội phải được quản lý trong các bảo tàng và không được mua bán, tặng cho; cổ vật thuộc các hình thức sở hữu khác được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ngoài sở hữu nhà nước, bảo vật quốc gia còn có thể thuộc sở hữu tập thể của tư nhân và các hình thức sở hữu khác.
Do đó, doanh nhân Thế Hồng được xác định là chủ sở hữu và có quyền mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế chiếc ấn vàng ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hỏi: Tức là bản thân ông Hồng có đầy đủ quyền của một chủ sở hữu và có thể toàn quyền quyết định về tương lai của ấn vàng đúng không ạ? Liệu có bị hạn chế quyền đối với cổ vật trên không?
Đáp: Mặc dù là sở hữu tư nhân, nhưng chủ sở hữu (tức ông Hồng) phải tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ tại Điều 15 Luật di sản văn hóa như:
· Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
· Ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di sản văn hóa;
· Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất;
· Gửi sưu tập di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia vào bảo tàng nhà nước hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị;
· Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa…
Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phát triển cổ vật còn phải tuân theo các quy định tại Điều 44, Điều 45 Luật di sản văn hóa. Cụ thể, nếu ông Hồng muốn tổ chức mua bán cổ vật thì phải tổ chức đấu giá hoặc thỏa thuận giữa các bên, trong đó Nhà nước được ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Trong trường hợp muốn đưa cổ vật ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản thì bên cạnh bảo đảm có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận cổ vật còn phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi