Chủ đề về “Quê hương” vẫn luôn là một là một nguồn cảm hứng vô tận và được thể hiện trong tác phẩm văn học của nhiều tác giả nổi tiếng. Quê hương là vậy, mọi thứ tưởng như thật bình thường trong cuộc sống thường nhật của mỗi người, nhưng từ khi nào đã lưu lại trong ký ức và đôi khi lại dâng trào lên trong tâm trí, trong khóe mắt của người xa quê.
Vì thế, mỗi người khi lớn lên và trưởng thành cũng đều mang trong mình một tình cảm rất đỗi thiêng liêng, sâu nặng: “Tình quê hương”. Đây là một thứ tình cảm tự nhiên, sẵn chảy trong huyết quản, máu thịt của mỗi con người, và cũng luôn song hành, gắn kết với “tình đồng hương”. Có đôi lúc, vì cuộc sống, vì sinh nhai mà tình cảm ấy bị tạm lãng quên, nhưng khi nhớ đến, mỗi người luôn biết nâng niu và trân trọng tình cảm đối với quê hương và những người đồng hương. Không biết tự bao giờ, cùng với những từ nhân xưng thân thiết như “Đồng đội ơi”, “Đồng chí ơi”, mà còn gọi nhau với hai từ gần gũi: “Đồng hương”. Dẫu sinh sống ở nơi miền núi hẻo lánh, hải đảo xa xôi hay đứng chân trên địa bàn đô thị phồn hoa, đặc biệt là khi xa xứ, ở nước ngoài đi đâu chúng ta cũng bắt gặp những câu gọi nhau là “Đồng hương ơi!”. Cách xưng hô này không những không trái với tâm lý văn hóa ứng xử giao tiếp thông thường của người Việt, mà còn góp phần củng cố, gắn kết mối quan hệ con người với con người ngày càng bền chặt.
Không phải ngẫu nhiên mà khi nhắc đến hai từ “quê hương” chúng ta lại thấy thân thương đến vậy. Với địa hình chiêm trũng, bán sơn địa “mới nắng đã khô, mới mưa đã ngập”, mảnh đất Hà Trung (Thanh Hoá) vốn dĩ là một vùng đất rất khó khăn trong cả sản xuất và đời sống, chính vì thế mà ông cha ta đã có câu: “Nhất Xương nhì Gia, tam Hà tứ Cống” để nói về Hà Trung cùng với các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống của tỉnh Thanh Hoá. Xuất phát từ điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, bão lũ triền miên, đã hình thành nên một cộng đồng gắn kết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ cũng luôn nuôi dưỡng cho mình sự chất phác, chân thành, luôn coi trọng tình cảm gia đình, làng xóm, đoàn kết một lòng hướng về quê hương ruột thịt. Chính những nét đặc trưng đó đã tạo nên mối liên kết bền chặt trong cộng đồng người Hà Trung, trở thành niềm tự hào của họ mỗi khi kể về mình – một người con xứ Thanh.
Thật vậy, như những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”, người và đất Hà Trung luôn thể hiện sự kiên cường, anh hùng, dũng cảm không chỉ trong thời kỳ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, mà còn thể hiện bằng sự bền bỉ chống chọi với thiên tai để tồn tại phát triển, cần cù sáng tạo trong sản xuất và xây dựng trong thời hoà bình. Đây cũng là “cái nôi” hình thành và nuôi dưỡng nhiều nhân tài, các vị tướng lĩnh, giáo sư tiến sĩ, các cán bộ cấp cao và nhiều nhà văn, nhà thơ. Trong đó có thể kể đến như: Thượng tướng Mai Quang Phấn – nguyên Ủy viên BCH TW Đảng khoá X, khoá XI, Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4; Trung tướng Đường Minh Hưng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an; ông Phạm Lê Xuất – nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an; Trung tướng Mai Hồng Bỉnh; Thượng tướng công an Đặng Văn Hiếu; Giáo sư Đường Minh Giới; GSTS Trần Xuân Thu (Thiếu tướng thời chống Mỹ); GSTS Vũ Trọng Chuẩn – nguyên Chủ tịch HĐH Hà Trung tại Hà Nội; ông Nguyễn Văn Tỉnh – nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi; ông Bùi Hồng Minh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Ông Nguyễn Văn Đoàn – Chánh Văn phòng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhà văn có bút danh Nguyễn Thế Phương (tên thật là Nguyễn Xuân Phê)… và nhiều cái tên khác mà không thể liệt kê hết trong phạm vi bài viết này. Trong thời đại ngày nay, đây cũng là mảnh đất của nhiều doanh nhân thành đạt với những đóng góp thầm lặng cho quê hương, địa phương mình mà không bận tâm đến chuyện tên tuổi mình có được nhắc đến trên truyền thông hay không…
Như vậy, từ khái niệm “quê hương”, mở rộng ta chúng ta hiểu “đồng hương” là những người cùng sinh ra, lớn lên ở cùng một quê hương. Ở phạm vi nhỏ là cùng thôn xóm, cùng xã, phường và phạm vi rộng hơn là cùng huyện, cùng tỉnh,cùng quốc gia. Nhìn trên phương diện văn hóa, “Tình đồng hương” là mối quan hệ được xác lập, củng cố, vun đắp một cách tự nguyện, chân thành từ những con người sinh ra trên cùng một địa bàn mà các cụ hay nói là “cùng nơi chôn nhau cắt rốn”. Những người đồng hương thường mang đặc trưng tính cách, tâm lý, tình cảm, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa của một vùng quê, miền quê nhất định. Đặc điểm đó chi phối đến nếp nghĩ, nếp sống khá tương đồng của những người xa xứ có chung một cội nguồn bản quán, quê hương. Đó cũng là cơ sở để những người đồng hương dễ gần gũi, cảm thông, sẻ chia, gắn bó với nhau, cùng nương tựa, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, công tác và trong những lúc khó khăn, gian khổ, với mong muốn và mục đích cao nhất là cùng đoàn kết, phấn đấu để không ngừng trưởng thành, tiến bộ. Mỗi giai đoạn lịch sử-xã hội sẽ mang một sắc thái không giống nhau, nhưng nếu những nét đẹp của quê hương, truyền thống văn hoá, lịch sử đặc trưng của một mảnh đất được những người đồng hương nhắn nhủ, nhắc nhở nhau cùng phát huy mọi lúc, mọi nơi, trong quá trình chiến đấu, lao động và học tập, đó chính là lúc tình đồng hương đã nảy nở và toả sáng trong chính tâm hồn mỗi người.
Xã hội càng hiện đại, các mối quan hệ tình cảm của con người càng được mở rộng, phát triển, trong đó có mối quan hệ đồng hương của những người xa xứ. Vì thế, có đôi lúc “tình đồng hương” chưa được phát huy, thể hiện đúng bản chất, đâu đó vẫn còn hình thành những nhóm nhỏ cục bộ, hạ bệ nhau, gây mất đoàn kết; hoặc bao che, bảo vệ lợi ích của một nhóm người, mà chưa nghĩ đến lợi ích chung của một tập thể. Bởi thế, những người đồng hương nên dành cho nhau sự ứng xử chân thành, nhã nhặn, tinh tế bằng tình cảm của những người mang nặng tình hai chữ quê hương, bằng nghĩa cử, tấm lòng của những người cùng xuất thân trên một mảnh đất: “Bầu ơi thương lấy bí cùng – Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Phát huy được giá trị văn hoá của địa phương, góp phần gắn kết cộng đồng quê hương lớn mạnh là một điều cần sự tích cực, nỗ lực của từng cá nhân và rất khó để duy trì. Song một yếu tố khác “cản đường” cho sự phát triển, lớn mạnh, đoàn kết của cộng đồng người Hà Trung còn đến từ việc phân biệt, kỳ thị vùng miền trong xã hội ta. Nhiều khi người ta hay tư duy theo kiểu lấy một vài trường hợp cụ thể rồi quy nạp thành một định kiến phổ quát, rồi lại lấy cái định kiến phổ quát ấy mà đi phán xét, đánh giá những trường hợp cụ thể. Nhưng họ lại quên rằng cái tính xấu ấy có thể bắt gặp ở bất kỳ người nào trong cộng đồng này, vùng miền nào mà chẳng có người tốt người xấu, cho nên việc đánh giá một con người qua xuất thân, quê quán của họ như vậy là không công bằng, thậm chí có phần phủ nhận những giá trị văn hoá đặc trưng của một vùng miền.
Xa quê hương, lập nghiệp tại Thủ đô đã lâu, nay đã trở thành Luật sư của một văn phòng luật tại Hà Nội, nhưng Luật sư Trần Xuân Tiền vẫn luôn tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng hương. Vì thế, ông được nhiều người tin tưởng và tín nhiệm, hiện đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐH huyện Hà Trung tại Hà Nội. Ông chia sẻ:
“Xa quê hương về nơi Thủ đô lập nghiệp, trong lòng tôi lúc nào cũng hướng về quê hương bằng những hành động thiết thực, bởi đây là tình cảm thiêng liêng và trân quý hơn bao giờ hết. Mặc dù đặc trưng công việc khá bận rộn, song khi có điều kiện, tôi đều trở về thăm quê hương, thăm gia đình, bà con nơi đây và ủng hộ kinh phí xây dựng nhiều công trình để quê hương mình phát triển hơn. Theo tôi, hiện nay kinh tế – xã hội đang ngày một phát triển, con em từ khắp mọi miền đổ về Hà Nội rất đông, nên việc tổ chức các hoạt động có ý nghĩa thiết thực để giúp nhau phát triển kinh tế, gắn kết người xa xứ với chính quyền bà con ở quê hương, làng xóm là việc làm hết sức cần thiết và ý nghĩa”.
Chính vì vậy, ngoài việc thăm hỏi động viên các bậc cao niên (mừng thọ, thăm hỏi ốm đau…), với trọng trách đang đảm nhiệm, luật sư Trần Xuân Tiền còn có nhiều đóng góp trong việc tổ chức lễ vinh danh các cá nhân thành đạt, hay trao phần quà khuyến học cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Ngoài ra, ban lãnh đạo đã điều hành, chỉ đạo Hội đồng hương phối hợp với các cơ quan thực hiện tốt công tác khám sức khoẻ, phát thuốc miễn phí cho bà con; huy động được hàng trăm các y bác sỹ, giáo sư với nhiều thiết bị y tế hiện đại, nhiều túi thuốc thiết yếu gửi tặng cho bà con, phát hiện bệnh nặng kịp thời để có phương án điều trị chuyên sâu sớm nhất có thể… Những hành động này mang lại ý nghĩa sâu sắc, nhất là đối với bà con tại quê hương mà không thứ gì có thể đong đếm được.
Trước những kết quả trong việc lãnh đạo, điều hành hoạt động của Hội đồng hương, luật sư Trần Xuân Tiền cho biết sẽ luôn cố gắng duy trì sự gắn kết những người con Hà Trung xa quê bằng cách chia sẻ, động viên, khích lệ những cống hiến của tất cả mọi người, để HĐH huyện Hà Trung tại Hà Nội thực sự là “ngôi nhà chung” kết nối tình quê hương, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của huyện Hà Trung ngày càng lớn mạnh.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi