Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đang có vấn đề thắc mắc cần sự giải đáp từ Luật sư ạ. Liên quan đến tài sản, tang vật của các vụ án, thời gian qua xảy ra một số vụ cướp ngân hàng, đối tượng cướp đã mang tiền cướp được tiêu xài, mua hàng.
Trong trường hợp này, người bán hàng cho tên cướp ngân hàng (tên cướp dùng tiền cướp được để mua tài sản giá trị lớn) thì họ có thể thu hồi tài sản của mình đã bán không ạ?
Tôi xin cảm ơn ạ !
Vâng, với câu hỏi này chúng tôi xin trả lời như sau: trường hợp người phạm tội dùng số tiền có được do hành vi phạm tội để mua bán hàng hoá (có giá trị lớn), thì việc người đã bán hàng cho người phạm tội có thu hồi được tài sản mà mình đã bán không, còn phụ thuộc vào hiệu lực của giao dịch mua bán tài sản. Ví dụ như: Bên bán có biết rõ số tiền nghi phạm dùng để mua hàng là do phạm tội mà có hay không; thủ tục mua bán giữa 2 bên thực hiện như thế nào; đã hoàn thành hay chưa v.v.
Trường hợp bên bán biết người này dùng tiền do hành vi phạm tội mà có để giao dịch mua bán, nhưng vẫn đồng ý bán hàng cho người này, thì người bán có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại Điều 323 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Căn cứ vào giá trị của hàng hoá, người bán hàng có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 06 tháng – 3 năm; cao nhất là phạt tù lên đến 15 năm.
Ngoài ra, bên bán còn có thể bị truy cứu TNHS về Tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật này với khung hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng – 3 năm.
Trong trường hợp bên bán hoàn toàn không biết đây là số tiền mà nghi phạm cướp được thì sẽ xem xét thủ tục mua bán giữa cửa hàng và nghi phạm đã hoàn thành hay chưa.
Nếu thủ tục mua bán hoàn thành cùng văn bản/hợp đồng có công chứng, đã đăng ký thì theo quy định pháp luật thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật. Bên bán được xác định là người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình.
Trong trường hợp này, hàng hoá mà người phạm tội mua được từ số tiền do phạm tội mà có sẽ bị cơ quan chức năng thu giữ, kê biên và bán đấu giá để hoàn trả tiền cho ngân hàng
Nếu số tiền thu được từ đấu giá ít hơn số tiền mua xe thì bị cáo tiếp tục có trách nhiệm phải bồi thường số tiền còn thiếu cho ngân hàng.
Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành, chưa ký hợp đồng bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, cũng như chưa đăng ký quyền sở hữu thì giao dịch này chưa hợp pháp. Bên bán xe có thể yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng. Và tương tự thì sau khi khấu hao, đối tượng phạm tội sẽ phải bù vào phần chênh lệch giá trị đó để cơ quan chức năng trao trả lại cho bên bị hại là ngân hàng
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội