Tổ chức phiên tòa xét xử vụ án hình sự là một hoạt động tố tụng cụ thể trong quá trình tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, thuộc giai đoạn xét xử.
Hoạt động xét xử là hoạt động có tính đặc thù và chỉ có Tòa án được nhân danh Nhà nước thực hiện. Trong giai đoạn xét xử và đặc biệt là tại phiên tòa luôn đặt ra yêu cầu đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa phải tuân theo những nội quy, quy tắc nhằm đảm bảo cho việc xét xử được trang nghiêm và bảo vệ quyền lực Nhà nước.
Trước khi bắt đầu phiên tòa, Thư ký phổ biến nội quy phiên tòa, những biện pháp sẽ áp dụng đối với những người vi phạm nội quy phiên tòa. Việc nắm được nội quy phiên tòa giúp các chủ thể tham gia/tham dự phiên tòa chấp hành tốt quy định pháp luật cũng như vận dụng để đạt mục đích của mình khi tham gia/tham dự phiên tòa.
Nguồn ảnh: https://tapchitoaan.vn/nhung-vuong-mac-trong-quy-dinh-tam-ngung-phien-toa-hinh-su
1. Nội quy của phiên tòa xét xử vụ án hình sự
Nội quy phiên tòa hình sự được hiểu là quy tắc xử sự bắt buộc của các chủ thể có mặt tại phiên tòa, được quy định tại Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể như sau:
1.Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư ký Tòa án.
2.Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
3.Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi. Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa phiên tòa cho phép ngồi.
4.Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải được chủ tọa phiên tòa cho phép.
5.Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Nội quy phiên tòa là một phần không tách rời của nội quy phòng xử án, vì vậy, ngoài việc chấp hành Nội quy phiên tòa thì những người tham gia/tham dự phiên tòa còn phải tuân thủ nội quy phòng xử án. Nội quy phòng xử án được quy định tại Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể như sau:
“Điều 3. Nội quy phòng xử án
1.Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án;
2.Thẩm phán, Hội thẩm và Thư ký phiên tòa phải mặc trang phục xét xử theo đúng quy định;
3. Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
2. Những điều cần biết khi tham gia/tham dự phiên tòa xét xử vụ án hình sự
a. Chấp hành nội quy và sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa
Khi tham gia phiên tòa, nếu chủ thể nào không tuân thủ nội quy phiên tòa, nội quy phòng xét xử và sự điều hành của chủ tọa phiên tòa, thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Trường hợp hành vi của người vi vi phạm tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự (Căn cứ Điều 467 Bộ luật tố tùng hình sự năm 2015).
Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
Người tham dự phiên tòa phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án, phải mặc quần áo nghiêm túc, có thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ trật tự, không nói chuyện gây ồn ào trong phòng xử án và tuân theo sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. Trong một số trường hợp do đồng tình cao độ với quan điểm, phát biểu của luật sư bị cáo, bị hại hay Hội đồng xét xử … mà những người có mặt tại phòng xử án vỗ tay tán thành cũng có thể bị xem là gây mất trật tự, vi phạm nội quy phiên tòa – trừ khi Chủ tọa phiên tòa đồng ý với việc đó.
b. Ghi âm, ghi hình tại phiên tòa
Đối với Hội đồng xét xử, Căn cứ Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sư năm 2015, cùng với việc ghi biên bản phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.
Còn đối với những đối tượng khác, vì phiên tòa hình sự mang tính chất công khai (trừ phiên tòa Giám đốc thẩm), mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa (trừ trường hợp Bộ luật tố tụng hình sự có quy định khác) hoặc trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án xét xử kín (nhưng phải tuyên án công khai), do đó về nguyên tắc, pháp luật hiện hành không cấm việc ghi âm, ghi hình trong các phiên tòa hình sự, nhưng phải tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa, kể cả nhà báo thực hiện ghi âm, ghi hình để tác nghiệp.
Nếu tiến hành ghi âm, ghi hình tại phiên tòa hình sự mà không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa sẽ bị coi là hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định tại Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH15 ngày 19/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, và người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể như sau:
“Điều 23. Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp
[…] 4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
[…] c) Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự.”
Ngoài hình thức phạt tiền, hành vi ghi âm, ghi hình mà không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên toàn hình sự còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả là bị tịch thu phương tiện ghi âm, ghi hình; buộc nộp lại tư liệu, tài liệu ghi âm, ghi hình. (Căn cứ Khoản 5 Khoản 6 Điều 23 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH15 ngày 19/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội) .
3. Những vấn đề luật sư cần lưu ý trong phiên tòa hình sự
Thứ nhất, Luật sư là người tham gia tố tụng, thực hiện chức năng bào chữa cho bị cáo, góp phần giúp cho vụ án được giải quyết một cách khách quan, toàn diện, không làm oan, sai cho người vô tội. Vì vậy, luật sư cũng là một bên để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công bằng và lẽ phải.
Luật sư đóng vai trò quan trọng trong vụ án hình sự trong mọi giai đoạn từ điều tra, truy tố, xét xử …, tuy nhiên phiên tòa hình sự được xem là thời điểm tốt nhất để luật sư thể hiện vai trò của mình, cho nên phải tranh thủ hết sức tại phiên tòa xét xử, nhưng cần tránh nói quá dài dòng, không có trọng tâm, mà cần nói trúng, nói đúng và nói đủ ý. Từ đó giúp kiến tạo được cán cân công bằng giữa luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng khác.
Thứ hai, với tư cách là người tham gia phiên tòa thì Luật sư cũng phải chấp hành nội quy phiên tòa như các chủ thể khác, nên ăn mặc lịch sự đúng quy định để thể hiện sự chuyên nghiệp và thái độ tôn trọng Hội đồng xét xử cũng như các thành phần khác có mặt tại phiên tòa. Đi kèm với đó là thái độ và lời nói chuẩn mực và chính xác, ngữ điệu lúc mềm mại, lúc đanh thép một cách linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh, điều này sẽ giúp tăng tính thuyết phục trong lời nói, thu hút người nghe, từ đó mà nâng tầm hình ảnh và vị thế của luật sự tại phiên tòa nói riêng và trong xã hội nói chung.
Việc ghi âm ghi hình để lấy tư liệu phục vụ cho công tác bào chữa, tài liệu dạy học … thì vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo quy định về nội quy phiên tòa, có như vậy mới tránh được những xung đột, đối đầu không đang có với Chủ tọa phiên tòa, từ đó mà tranh những bất lợi trong công tác bào chữa tại phiên tòa.
Thứ ba, Luật sư cần tranh thủ tiếp xúc với bị cáo (thân chủ) để động viên tinh thần, hỏi thăm thông tin tính hình sức khỏe, thông báo về tình hình gia đình, hướng dẫn khai báo. Đối với vụ án hình sự thì sức khỏe, tinh thần và thái độ khai báo đóng vai trò quan trọng, vì vậy Luật sư phải quan tâm đến các yếu tố đó, để giúp bị cáo có được tinh thần, tâm thế khai báo sao cho đúng sự thật khách quan, tránh oan sai trong vụ án.
Luật sư cần căn cứ vào các quy định để xem xét bị cáo có thuộc trường hợp bắt buộc phải còng tay tại phiên xét xử không, sức khỏe có đảm bảo để đứng khai báo không, có cần chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt không, để từ đó mà có những đề nghị với Hội đồng xét xử áp dụng với bị cáo cho phù hợp như: tháo bỏ còng tay, được ngồi khai báo …
Thứ tư, Bộ luật tố tụng hình sự quy định bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa, quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, luật sư muốn tiếp xúc với bị cáo phải thông báo cho Chủ tọa phiên tòa, và phải được Chủ tọa đồng ý cho gặp và bố trí cho gặp thì luật sư mới có thể gặp gỡ tiếp xúc với bị cáo. Cho nên các luật sư hết sức lưu ý, tránh trường hợp ngang nhiên, đường đột tiếp xúc bị cáo thì sẽ bị lực lượng bảo vệ phiên tòa ngăn cản hoặc gây căng thẳng với HĐXX sẽ gây bất lợi cho việc bào chữa.
Thứ năm, Luật sư phải thượng tôn pháp luật và tôn trọng sự thật khách quan, không được gian dối và tránh trình bày quan điểm bất nhất với thân chủ của mình. Phải bảo vệ các bí mật đời tư của bị cáo (thân chủ), có những vấn đề cần bảo mật không nên trình bày bằng lời nói tại phiên tòa thì có thể gửi văn bản trình bày/đề nghị với Hội đồng xét xử để họ xem xét xử lý.
Thứ sáu, tại phiên tòa xét xử, cần tranh thủ sự đồng tình của Luật sư bảo vệ đối phương, tránh gây đối đầu một cách không cần thiết sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho thân chủ của mình. Mọi lời bào chữa đều dựa trên sự thấu tình, đạt lý, không vì bảo vệ cho bị can (thân chủ) mà bất chấp đạo lý, từ đó mà có thể tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhiều đối tượng, nhất là Luật sư đối phương, trong một số trường hợp, Luật sư đối phương không thực hiện kháng cáo hoặc đề nghị kháng nghị sau khi có bản án sẽ bảo toàn được thành công của mình trong toàn bộ vụ án nói chung và tại phiên tòa xét sử vụ án nói riêng.
Người viết: Luật sư Nguyễn Thị Nhàn
SĐT: 0972798172
Gmail: nhannguyen0984@gmail.com
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoi