Hiện nay, có rất nhiều người Việt Nam lựa chọn con đường đi xuất khẩu lao động thông qua các doanh nghiệp có chức năng phái cử người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng.
Tuy nhiên trong quá trình làm việc trong công ty ở nước sở tại, vì nhiều lý do khác nhau. Đã không ít những trường hợp người lao động tự ý bỏ việc, tự ý phá vỡ hợp đồng hoặc thậm trí là bỏ trốn ra bên ngoài để tự tìm kiếm những công việc khác với mong muốn có thu nhập cao hơn mức thu nhập mà họ đang được nhận. Điều này đã gây ra những thiệt hại không hề nhỏ đối với doanh nghiệp trực tiếp sử dụng lao động, bên thuê người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Không những vậy điều này còn gián tiếp gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp phái cử người lao động Việt Nam ra nước ngoài lao động.
Để hạn chế được tình trạng này, ngoài các vấn đề như: giáo dục ý thức; đàn phán với các doanh nghiệp ở nước ngoài trực tiếp sử dụng lao động là người Việt Nam về các cam kết bảo đảm việc làm; tiền lương; điều kiện sinh hoạt; môi trường làm việc…v.v… Thì hiện nay ở nước ta cũng đã có Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, trong đó có các chế định, quy định về “Tiền ký quỹ” (hay còn được gọi theo cái tên là – Tiền đặt cọc chống trốn) và được các doanh nghiệp đưa người lao động ra nước ngoài áp dụng để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Vậy quy chế và quy định về “Tiền ký quỹ” này được quy định như thế nào và cụ thể ra sao ? Khi nào thì người lao động được quyền nhận lại ? Trên cơ sở những quy định của pháp luật hiện hành quy định cụ thể đối với vấn đề ký quỹ của người lao động xuất khẩu làm việc ở nước ngoài. Bài viết dưới đây sẽ trình bày cụ thể về nội dung này để các bạn tham khảo.
1. Tiền ký quỹ là gì ?
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, quy định tại Điều 330 như sau:
“ Điều 330. Ký quỹ
- Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
- Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
- Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
2. Tiền ký quỹ của người lao động được quy định như thế nào ?
Đối với vấn đề này, theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 cụ thể tại Điều 25 như sau:
“ Điều 25. Tiền ký quỹ của người lao động
- Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
- Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.
- Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trưòng hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.
- Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ.”
Chiếu theo quy định trên, pháp luật không quy định cụ thể khoản tiền này là bao nhiêu mà rõ ràng số tiền cụ thể sẽ phải phụ thuộc vào từng loại công việc khác nhau. Chính vì vậy, thực tế sẽ có sự khác biệt về khoản tiền ký quỹ tùy thuộc vào từng bản hợp đồng được xác lập giữa người lao động và doanh nghiệp phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Và hai bên (người lao động và doanh nghiệp phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài) sẽ cùng nhau thỏa thuận, ghi nhận cụ thể trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Tuy nhiên, pháp luật có đặt ra mức trần cho khoản tiền ký quỹ, tùy thuộc vào từng quốc gia nơi người đi xuất khẩu lao động đến làm việc hay ngành nghề khác nhau mà theo đó mức trần cũng có sự khác biệt.
Có thể lý giải xuất phát điểm pháp luật phải có sự điều chỉnh mức trần khoản tiền ký quỹ là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu lao động lợi dụng bắt người lao động phải đóng mức ký quỹ quá “gắt gao”. Các bạn có thể tham khảo quy định về mức trần khoản tiền kỹ quỹ trong xuất khẩu lao động được quy định tại Phụ lục trong Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, có thể thấy thực chất khoản tiền ký quỹ (khoản tiền đặt cọc chống trốn) chính là khoản tiền mà người lao động sẽ phải đóng cho công ty xuất khẩu lao động để nhằm đảm bảo thực hiện, tuân thủ đúng hợp đồng lao động đã ký kết; tránh tình trạng người lao động phá bỏ hợp đồng gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, việc người lao động có nhận lại được khoản tiền ký quỹ đã nộp hay không còn tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Nếu người lao động tuân thủ đúng hợp đồng thì sau khi thanh lý hợp đồng và trở về nước, người lao động sẽ được nhận lại số tiền đặt cọc này; không chỉ có thế mà còn kèm theo số tiền lãi trong thời gian làm việc. Tuy nhiên luật lại không quy định mức lãi xuất là bao nhiêu hay căn cứ để tính mức lãi suất cho khoản tiền ký quỹ là gì ?
Trường hợp 2: Nếu người lao động vi phạm hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ lấy khoản tiền đó để dùng vào việc bù đắp cho những thiệt hại mà họ gây ra cho doanh nghiệp, nếu thiếu thì người lao động phải nộp bổ sung còn nếu thừa thì doanh nghiệp trả lại cho người lao động.
Như vậy, trong thời gian làm việc, người lao động phải chấp hành đúng thời hạn, nghĩa vụ và về nước đúng thời hạn thì người lao động sẽ nhận lại được khoản tiền ký quỹ (khoản tiền đặt cọc chống trốn) đã đóng cho doanh nghiệp và nộp tại ngân hàng trước đó trước đó.
Trên đây là những phân tích, quy định của pháp luật về TIỀN KÝ QUỸ “ TIỀN ĐẶT CỌC CHỐNG TRỐN” TRONG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG – KHI NÀO ĐƯỢC RÚT ? Chúng tôi hi vọng rằng quý khách có thể vận dụng các kiến thức kể trên để sử dụng trong công việc và cuộc sống. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới Văn phòng Luật sư Đồng Đội để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.
Người viết: Trương Văn Dũng
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoI