“Nghề luật sư có phải nghề nguy hiểm, rủi ro”
Hơn 10 năm hành nghề luật sư, tôi đã nhận khá nhiều vụ việc đụng chạm và cái gì đến cũng phải đến, luật sư có thể bị kiến nghị, bị tố cáo, bị xúi tố cáo, bị công an triệu tập “hành vi lôi kéo kích động”…), bị “bẫy” nếu không tỉnh táo. Sau đây, tôi xin kể 1 vụ việc không thể nào quên được xảy ra từ năm 2011 ở miền đất hứa của tôi – huyện H, tỉnh N.
Chuyện là thế này, cơn lốc hội hè kiểu tín dụng đen đã làm cho bao gia đình điêu đứng, vay mượn lẫn nhau, trong đó có vay ngân hàng. Điều đó kéo theo việc nợ xấu quá hạn nhiều nên ngân hàng đìu hiu và lãnh đạo Ngân hàng chỉ lo đi thu nợ, không thì nguy cơ “đi tù”. Vì là Ngân hàng Nông nghiệp nên được cấp uỷ chính quyền quan tâm, hỗ trợ tối đa (nhất là sếp lớn của huyện lại là người thân của Giám đốc Ngân hàng), do đó, việc đi thu nợ của ngân hàng nhiều vi phạm, nhiều cách trá hình, nhiều vụ họ làm lấy được nên dân rất thiệt thòi mà không biết kêu ai. Tiếng lành đồn xa, tôi được mời và hầu như lúc nào cũng có mặt ở huyện H nên cán bộ huyện biết hết, Toà án, Viện kiểm sát, Công an, Cơ quan thi hành án, có người thầm ghét mình vì “cướp” mất miếng cơm của họ. Họ chỉ đạo (không có văn bản) là phải trị tay luật sư này để không quấy đảo huyện. Vấn đề là cơ hội nào, luật sư có làm gì sai không?
Đỉnh điểm là tôi tư vấn và bảo vệ cho một khách hàng vay ngân hàng, tuy nhiên thủ tục cho vay bảo lãnh trái pháp luật nhiều nhưng ngân hàng vẫn kê biên, vẫn siết nợ như trên phim (bắt lợn, bắt gà, ngăn chặn…). Khách hàng lúc này nợ nần nhiều chỗ, sức khỏe ốm yếu, con cái toàn con gái đang là sinh viên ở Hà Nội cũng định buông dù phải đứng trước nguy cơ mất nhà cửa. Thấy hoàn cảnh đáng thương, luật sư tôi đã nhận lời giúp mà chi phí thì tuỳ tâm, đưa đồng nào biết đồng ấy (miễn lo đủ tiền xe đi Hà Nội về và về nhà có gì ăn ấy cùng gia đình). Tôi đã tư vấn kiện ngân hàng ra toà – cái việc ngược đời ở vùng quê. Nhiều người, thậm chí cả lãnh đạo huyện nói ngân hàng không kiện thì thôi, có vay có trả, ông luật sư này vớ vẩn, tư vấn ngược cho dân để xúi dân làm càn gây khó khăn cho chiến dịch thu nợ của huyện (họ thành lập đoàn, ban bệ mời cả Viện kiểm sát tham gia). Kệ! Tôi cứ làm đúng luật, Toà án buộc phải thụ lý đơn kiện.
Tuy nhiên, mấy ông công an kinh tế đâu là anh em của giám đốc ngân hàng vẫn triệu tập khách hàng của tôi để hành cho lên bờ xuống ruộng, đe khởi tố khách hàng về tội nọ, tội kia nếu không rút đơn kiện và chấp nhận để Ngân hàng bán nhà.
Đỉnh điểm của câu chuyện phải kể đến là hôm tôi cùng 1 luật sư – nguyên Thượng tá Quân đội, tôi mời đi cùng cho an tâm, cho đỡ thế đơn côi xuống huyện H để làm việc với Toà. Ngay chiều tối hôm đó, khách hàng vẫn bị triệu tập lên xã làm việc không nói nội dung. Luật sư nói: “xã không có quyền triệu tập và không gì phải ra gặp công an huyện nếu có thì công an mời”. Nhưng khách hàng vẫn sợ chính quyền, vẫn đi ra UBND xã theo triệu tập. Đến gần 6 giờ tối vẫn chưa được tha về, bởi vì công an không cho về. Thế là, tôi bức xúc ra xem sao, thấy khách hàng đang bị cậu đại uý công an “hỏi cung” bắt ký biên bản. Tôi nói: “công an không triệu tập, xã mời nên không làm việc, không ký tá bất kỳ văn bản nào và về đi”. Sau đó, khách hàng đứng dậy muốn về nhưng bị ngăn lại, thế là tôi cũng nóng tính mắng chú công an mấy câu. Thâm thù có sẵn, cậu công an sang “mách” sếp (phòng bên). Sếp có rượu từ trưa xã mời cơm nên hung hăng dọa bắt ông luật sư lại, dám đến trụ sở UBND gây rối, anh ta gọi công an xã giữ luật sư. Tôi thấy căng nên ra về, về họ giữ bắt lập biên bản nọ kia, phản xạ tự nhiên tôi vùng ra và 2 bên giằng co. Khách hàng của tôi thấy thế nên “ra cứu”, tôi vừa bực và bị trượt chân ngã nên vớ được 2/3 viên gạch cầm tay để đe, thế là thành chuyện to (vì dám đánh công an). Trong tích tắc, tôi nghĩ mình dính bẫy họ rồi, chạy làm sao được, mà chạy là họ bắt, vậy thì nhục nên tôi bình tĩnh vào cho họ lập biên bản, biên bản lập sai tôi không ký có ghi không đồng ý nội dung A, nội dung B. Họ đòi xem thẻ luật sư, tôi không đưa vì lúc này tôi không đi hành nghề thế là họ bắt đưa chứng minh thư và chịu không giữ được thẻ luật sư. Họ lập biên bản, thu giữ vật chứng, có đầy cán bộ công an làm chứng còn mình chỉ thân cô thế cô và ông khách hàng run như cầy sấy (luật sư mà họ bắt thì mình chắc chết). Ra về mà lòng tan nát buồn vì có 2 luật sư đi lẽ ra luật sư hộ vệ phải ra ứng cứu, ra giải thích cho công an đằng này cũng “hiền quá” chả nói chả làm gì được để động viên trấn an tinh thần khách hàng.
Là luật sư am hiểu án hành chính nên đối với vụ việc trên, tôi không lo lắm và hôm sau về Hà Nội luôn (tôi biết được biên bản vô giá trị vì đại diện lập biên bản là phó công an xã ko có quyền lập biên bản vi phạm hành chính dù biên bản theo mẫu chuẩn – có thể công an kinh tế nên không rành).
Một tháng sau, tôi nhận được giấy triệu tập và được biết họ săn lùng tôi khá nhiều nơi (vì chứng minh thư thì chỗ ở Ninh Bình mà tôi đã ra Hà Nội rồi), cân não giấy triệu tập lần 3, Phó Trưởng công an huyện – Thủ trưởng cơ quan điều tra ký có nên về hay kệ. Tôi cũng tìm hiểu thông tin với mấy cán bộ nội chính huyện về việc bị công an huyện H triệu tập. Nghĩ sai cùng lắm là xử phạt hành chính chứ gì mà ghê thế (anh bạn nói: “hôm họp nội chính chỉ đạo sẽ bắt chú đấy”).
Dù tự tin nhưng vẫn phải lo nghĩ, tìm cách bảo vệ mình tốt nhất, tôi về huyện H và có vợ đi cùng để hỗ trợ thì biết cũng tâm lý ban căng đây. Trước khi tôi đi mấy ngày tôi cũng có đơn kiểu “luận cứ” gửi đồng chí đội trưởng điều tra là tôi ko có tội gì đâu. Nên khi đến gặp làm việc thì thấy thái độ đồng chí ấy nhẹ nhàng nói em hiểu anh, hiểu việc làm của anh và rằng bọn em mời anh vì đội kinh tế báo cáo lên sếp. Tôi bảo sự việc như thế có gì mà triệu tập, luật sư có quyền hành nghề, có danh dự uy tín, công an không nên tùy tiện, nếu sai đúng thì xã lập biên bản xã xử lý đúng sai, đằng này các anh lạm dụng quyền quá.
Sau mấy câu giải trình đấu tranh, đội trưởng điều tra nói: “anh lên gặp sếp 1 câu cho xong chứ chúng em có muốn làm đâu”. Nghe có vẻ tình cảm, mình có nên lên gặp không, có nên phong bì cho qua không (kiểu tình cảm thôi), vì cũng là chỗ quen biết nên định mời cơm trưa chắc sếp không đi nên nghĩ hay làm phong bì vài triệu. Lại nhanh trí không gì vì họ đang vây đang bẫy mình mà họ trở mặt lập biên bản mình đưa hối lộ thì tôi trời cãi. Xã giao mấy câu và nói lý biên bản sai, nội dung sai và triệu tập tôi sai, rồi tôi nhanh chóng chào và về Hà Nội.
Ra ngoài thấy vợ nét mặt lo lắng, thật tội, làm luật sư đi bảo vệ pháp luật, bảo vệ công bằng mà liên lụy đến gia đình. Câu chuyện dừng lại ở đó vì vi phạm hành chính không xử được, hình sự đương nhiên không rồi, mấy điều tra viên ” nịnh” bảo thôi việc của anh thì xin sếp và chúng em xử phạt hành chính, luật sư không đồng ý nếu ai xử phạt sẽ bị khiếu nại ngay.
Câu chuyện nói lên nhiều điều phải không các bạn, nhưng có một điều tôi nhắn nhủ các bạn là hành nghề luôn cẩn thận biết mình biết ta, biết phòng ngừa, biết nghe, biết đấu tranh, biết tiến biết lùi, biết cương biết nhu và cố gắng tăng bạn bớt thù, biết bỏ qua, biết đại lượng, biết ăn ở có trước có sau để có bè có bạn khi hoạn nạn tai ương. Phải rèn tư duy, nếu mình không bảo vệ được mình thì làm sao bảo vệ được khách hàng nên chí ít phải bảo vệ lấy mình. Qua đó rút ra được làm Luật sư là phải ham học hỏi, tinh thông khôn khéo, mưu lược chứ không hiền quá được đâu.
Hy vọng những chia sẻ vấp váp của tôi về nghề giúp cho các bạn trẻ những suy nghĩ đầy đủ hơn về nghề luật sư.
Trân trọng cảm ơn các bạn đã đọc và phản hồi động viên !
(Vụ việc kể trên khép lại sau gần 5 năm vật lộn, ngân hàng đã thỏa thuận chỉ lấy gốc, trả lại tiền thu giữ trái quy định, nhà đất thế chấp thì đắt gấp 3 -4 lần nên khách hàng rất vui – đó là niềm vui của luật sư).
Phó trưởng công an xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay không?
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoI