Hôn nhân là mối quan hệ của vợ chồng sau khi kết hôn. Việc đăng ký kết hôn là rất quan trọng vì đó là cơ sở để pháp luật thừa nhận và bảo vệ quan hệ vợ chồng hợp pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn mà vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Hiện tượng pháp luật đó được gọi là hôn nhân thực tế.
Vậy Hôn nhân thực tế là gì? Những trường hợp nào nam nữ sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn mà vẫn được công nhận là vợ chồng? Hiện nay quy định của pháp luật về vấn đề hôn nhân thực tế như thế nào? Để có thêm những hiểu biết về vấn đề trên, mời bạn tham khảo bài viết sau đây về vấn đề “Hôn nhân thực tế” ở Việt Nam.
Cơ sở pháp lý
1. Luật Hôn nhân và Gia đình 1986;
2. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;
3. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
4. Luật Hộ tịch 2014;
5. Nghị quyết số: 35/2000/NQ-QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000;
6. Thông tư liên tịch số: 01/2001/TLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành Nghị quyết số: 35/2000/QH10 ngày 09 tháng 6 năm 2000 của Quốc hội “ về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình”;
7. Nghị định số: 123/2015/NĐ-CP, ngày 15 tháng 11 năm 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
1. Hôn nhân là gì ?
− Thuật ngữ này, hiện nay được quy định tại khoản 1, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có định nghĩa như sau: “ Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”.
Định nghĩa về kết hôn ?
− Tại khoản 5, Điều 3, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “ Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
2. Hôn nhân thực tế được hiểu như thế nào ?
Hiện nay, các văn bản pháp luật hiện hành chưa đưa ra khái niệm thế nào là hôn nhân thực tế. Nhắc đến hôn nhân thực tế, thông thường sẽ được hiểu là việc nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, từ đó phát sinh quan hệ vợ chồng, con và tài sản như đối với hôn nhân được đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên không phải mọi trường hợp việc sống chung với nhau như vợ chồng đều được xem là hôn nhân thực tế, mà còn phải xem xét trường hợp đó có thuộc những trường hợp mà pháp luật quy định là hôn nhân thực tế hay không ?
Dựa vào những quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề này, thì khi xác định “quan hệ nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng được công nhận là hôn nhân thực tế”. Được xác định qua các thời điểm sau đây:
A. Trước ngày 03/01/1987 (trước ngày Luật hôn nhân và Gia đình 1986 có hiệu lực)
Ở thời điểm này không bắt buộc phải đăng ký kết hôn mà chỉ khuyến khích đăng ký kết hôn. Như vậy, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 dù có đăng ký kết hôn hay không có đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật công nhận.
Ở giai đoạn này, để được công nhận là hôn nhân thực tế cho các cặp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn thì phải thoả mãn điều kiện:
- Về mặt hình thức: Hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà chưa đăng ký kết hôn được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 ( tức là trước thời điểm Luật hôn nhân và Gia đình 1986 có hiệu lưc).
- Về mặt nội dung: Tại thời điểm sống chung với nhau như vợ chồng, hai bên nam, nữ không vi phạm điều kiện kết hôn. Thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;
+ Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
+ Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
+ Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
- Về thời điểm: Trước ngày 03/01/1987.
B. Từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001
Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng ở thời điểm này đủ điều kiện kết hôn thì pháp luật quy định một thời hạn để họ đăng ký kết hôn. Thời hạn được quy định là 02 năm (từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003) để dành quyền cho họ hợp pháp hoá quna hệ vợ chồng. Cụ thể là:
Từ ngày 01/01/2001 đến 01/01/2003, nam nữ sống chung như vợ chồng đăng ký kết hôn đúng hạn sẽ được tính thời kỳ hôn nhân hợp pháp từ thời điểm xác lập quan hệ vợ chồng.
Kể từ sau ngày 01/01/2003 nam nữ sống chung như vợ chồng mới đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn. Tức là, họ đã tự từ bỏ khả năng công nhận thời kỳ hôn nhân hợp pháp của toàn ộ quá trình chung sống trước đó.
Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.
Ở giai đoạn này nam nữ đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 02 năm kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003, cần có các điều kiện sau đây:
- Về mặt hình thức: nam nữ sống chúng với nhau như vợ chồng và phải đang chung sống với nhau.
- Về mặt nội dung: Không vi phạm điều kiện kết hôn và phải đăng kí kết hôn trong thời hạn (hạn chót là ngày 1/1/2003). Nếu sau thời điểm này mà cả hai không đăng kí kết hôn thì sẽ không được coi là vợ chồng hợp pháp.
- Về thời điểm: Trước ngày 01/01/2001.
C. Kể từ sau ngày 01/01/2001 cho đến nay
Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp. Nếu họ đi đăng ký kết hôn thì thời kỳ hôn nhân hợp pháp chỉ được tính kể từ ngày họ đăng ký.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì quan hệ nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận khi đáp ứng điều kiện về đăng ký kết hôn và bắt buộc phải thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền tuân thủ các quy định về:
- Điều kiện đăng ký kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; do nam nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn… theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
- Thủ tục đăng ký kết hôn: Hai bên nam nữ muốn đăng ký kết hôn thì phải đáp ứng điều kiện nêu trên, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Có thể thấy, những quy định pháp luật trên là căn cứ pháp lý để các cơ quan nhà nước thừa nhận quan hệ nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng (hôn nhân thực tế) là hợp pháp và bảo vệ mối quan hệ đó. Ngoài ra, nhà nước cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng thuộc trường hợp hôn nhân thực tế tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc đăng ký này sẽ giúp quá trình quản lý của nhà nước về hộ tịch dễ dàng và thuận lợi hơn.
Ngược lại, những trường hợp sống chung với nhau như vợ chồng từ sau ngày 03 tháng 01 năm 1987 (tức là không đáp ứng yếu tố về hình thức của hôn nhân thực tế) nếu muốn được nhà nước thừa nhận là vợ, chồng hợp pháp thì phải tiến hành
đăng ký kết hôn trong vòng 2 năm kể từ thời điểm Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực. Nếu từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 cho đến nay mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
Như vậy, có thể thấy từ những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình ở nước ta từ trước đến nay vẫn luôn khuyến khích việc đăng ký kết hôn giữa các bên nam nữ sống chung với nhau và là cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc gặp phải khi các vấn đề liên quan đến mối quan hệ hôn nhân này có tranh chấp.
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề “ nam nữ sống chung với nhau hôn nhân thực tế khi nào được công nhận là vợ chồng ?”. Rất mong bài viết trên hữu ích đối với các bạn. Nếu có vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn Quý khách vui lòng gọi điện tới Văn phòng Luật sư Đồng Đội để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý để được hỗ trợ.
Người viết: Trương Văn Dũng
SĐT: 0384010750 Gmail: dungtrv85@gmail.com
Tham vấn: Luật sư Trần Xuân Tiền,
Thông tin liên hệ:
Văn phòng luật sư Đồng Đội: P2708, Tòa nhà VP3 Bán đảo Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 0936.026.559 – Email: tranxuantien1964@gmail.com
Website: https://dongdoilaw.vn
Facebook: https://www.facebook.com/dongdoilaw
Youtube: https://www.youtube.com/c/VănphòngluậtsưĐồngĐội
Tiktok: https://www.tiktok.com/@vpls_dongdoI